Thứ trưởng Khoa học Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu: "Chúng ta đang đứng trước thời kỳ rất khó khăn, khi dịch bệnh Covid-19 ngày càng lan rộng trên toàn thế giới và ảnh hưởng sâu sắc đến tất cả các quốc gia, không chỉ riêng Việt Nam. Một số quốc gia đã thấy rõ tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Với đặc điểm khó lường của virus, chúng ta không thể hi vọng trong ngày một ngày hai mà thế giới có thể đẩy lùi được dịch bệnh và chúng ta có thể trở lại cuộc sống như xưa".
Đứng trước tình hình phải "sống chung" với dịch bệnh và phải đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh, không để ai bị bỏ lại phía sau, theo Thứ trưởng, cần có những hành động, giải pháp rất quyết liệt từ phía Chính phủ, cũng như bản thân các doanh nghiệp và người dân để ổn định sản xuất một cách bền vững và lâu dài.
Khi Covid-19 xảy ra, để tránh lây lan thì cần giảm giao tiếp, tiếp xúc giữa các cá nhân. Theo Thứ trưởng, điều đó lại tình cờ đi cùng với làn sóng mới về công nghệ, ứng dụng công nghệ số, tự động hóa trong đời sống và sản xuất. Nếu nói tích cực hơn thì dịch bệnh là động lực mới giúp chúng ta đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, chuyển đổi số.
"Đây là nhu cầu bắt buộc" - Thứ trưởng nhận định - "Nếu như trước đây, chúng ta mất rất nhiều thời gian, có khi phải đến 10 năm chưa thúc đẩy được học trực tuyến thì chỉ trong vòng 1 tháng, tất cả các trường học trên cả nước, từ trường công đến cơ sở đào tạo tư nhân, ngoại ngữ, tin học và nhiều ngành khác đều chuyển đổi sang giảng dạy trực tuyến".
"Bây giờ không phải là khuyến khích, mà là bắt buộc doanh nghiệp phải tái cơ cấu hình thức sản xuất để thích ứng với thời kỳ dịch bệnh" - Thứ trưởng nhấn mạnh - "cũng như giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, sản xuất hiệu quả hơn".
Thứ trưởng cũng cho rằng, đây là thời điểm các doanh nghiệp phần mềm, doanh nghiệp công nghệ thông tin, doanh nghiệp cung cấp các giải pháp chuyển đổi số, quản lý số, giải pháp khoa học công nghệ tự động hóa, đổi mới dây chuyền... có cơ hội phát triển. Giúp cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa thích ứng với mô hình sản xuất mới trong thời kỳ dịch.
Ví dụ, khi thực hiện giãn cách xã hội, giãn cách người lao động với nhau để đảm bảo phòng dịch vẫn phải đảm bảo sản xuất. Như vậy, có một số công đoạn sẽ phải thay bằng dây chuyền. Từ dây chuyền tự động đơn giản cho đến các dây chuyền tự động hóa phức tạp hơn, như một số cửa hàng ở TP.HCM, cũng đưa ra những dây chuyền đầu tiên là cơ khí đơn giản để vận chuyển đồ ăn đến khách hàng ở khoảng cách 2 mét.
Với các nghiên cứu đã được đưa ra thị trường, nhiều sản phẩm robot có thể tự động lau sàn, xịt khử khuẩn, sẽ giúp người lao động và doanh nghiệp có thể quay trở lại để sản xuất mà vẫn đảm bảo thường xuyên khử khuẩn.
Thứ trưởng cũng chỉ ra: "Vấn đề lớn trong việc tổ chức sản xuất trở lại là tổ chức bếp ăn. Có lẽ là một trong những vấn đề lớn nhất khi chúng tôi tiến hành phân tích dữ liệu về lây lan Covid-19, vì đó là lúc bỏ khẩu trang ra. Nếu tổ chức bếp ăn tập thể trong các nhà máy thì nguy cơ lây nhiễm rất cao".
Để tổ chức được việc ăn uống cho người lao động trong tình hình không được mở hàng quán với số lượng đông, theo Thứ trường, các doanh nghiệp phải chuyển sang hình thức cung cấp thực phẩm thông qua nền tảng mua bán trực tuyến. Các chuỗi nhà hàng sẽ phải nhanh chóng chuyển đổi như vậy.
Thứ trưởng cho biết, Viện nghiên cứu của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như nhiều công ty khác, đã có các công cụ chuyển đổi số.
Trong chương trình nghiên cứu phát triển xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ cũng đã cho triển khai các nghiệp vụ nghiên cứu. Tập đoàn Dệt may đánh giá hậu quả, những việc cần chuyển đổi khi chuyển sang tự động hóa trong các nhà sản xuất dệt may, thay các công đoạn bằng tự động hóa. Bộ cũng hỗ trợ các giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực da giày, nông nghiệp, sản xuất gỗ... giúp nâng cao hiệu quả, nâng cao năng suất lao động và giảm giao tiếp xã hội.
Gần đây, Thứ trưởng cho biết, Viện nghiên cứu VinAI của Tập đoàn Vingroup cũng như một số công ty khác đã hoàn thành giải pháp tự động giám sát việc đeo khẩu trang trên camera.
Khi lắp camera như vậy, giải pháp của họ là tự động đo thân nhiệt, tự động giám sát đeo khẩu trang và tự động xác định khoảng cách giữa mọi người. Những giải pháp này hoàn toàn có thể đưa vào ứng dụng khi chúng ta tổ chức sản xuất trở lại. Tất nhiên vẫn phải kèm theo các biện pháp quản lý như giãn cách, giãn ca, tổ chức ăn uống...