Không giấu nổi niềm vui, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói rằng từ nay tình trạng chống chéo, dẫm chân quy hoạch giữa các Bộ, ngành không còn nữa.
Như ông phân tích, thực tế trong thời gian qua, do quy định về công tác quy hoạch không rõ nên trong nhiều tường hợp nó trở thành rào cản của sự phát triển. Cụ thể như quy hoạch về sản phẩm – phi thị trường theo nhận xét của ông.
Cạnh đó, các quy hoạch cũng không đi theo một thể thống nhất, không có trật tự nên trong nhiều trường hợp, trong cùng một không gian nhưng một dự án bị chi phối bởi 2 – 3 quy hoạch khác nhau khiến cho việc triển khai bị cản trở.
“Trường hợp nổi tiếng nhất là bán đảo Sơn Trà”, ông Đông nêu ví dụ. Theo đó, ngành Du lịch tính theo góc độ của mình mà không bàn đến kỹ lưỡng việc bảo tồn, trong khi bên bảo tồn cũng có lý lẽ xác đáng.
“Luật mới buộc các bên ngồi lại với nhau từ trước chứ không phải đợi có chuyện rồi mới tranh luận với nhau”, theo ông Đông.
Gỡ bỏ sự không thống nhất này, theo ông Đông là một cách thức khiến cho doanh nghiệp được thuận lợi trong làm ăn vì ngay cả doanh nghiệp nhà nước cũng không thoát khỏi cảnh một cổ đôi ba tròng quy hoạch.
“Nhiều dự án của nhà nước cũng bị ảnh hưởng chứ, được luật của chuyên ngành này đồng ý, chuyên ngành khác lại phủ nhận. Ví dụ như dự án làm cầu mà tôi từng biết, ngành giao thông thì bảo cần thiết nhưng sát đến khi thi công thì bên thuỷ lợi tuýt còi vì gây ảnh hưởng đến dòng chảy, tiêu thoát lũ. Dự án đành dừng lại 1 năm trời để chỉnh sửa”, ông nói và nhấn mạnh điều này sẽ không còn nữa.
Luật này, theo ông Đông gần như là luật cuối cùng về kinh tế, hoàn thiện được khung pháp lý về kinh tế, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.
Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua sáng nay, bao gồm 6 Chương, 59 Điều và 3 Phụ lục. Luật quy định việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; quản lý nhà nước trong hoạt động quy hoạch. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.