"Phát triển bền vững bao hàm không chỉ sự phát triển về kinh tế mà còn gắn liền với việc giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường", Thứ trưởng KHĐT Lê Quang Mạnh nói tại Diễn đàn phát triển bền vững Việt Nam 2019.
Theo ông, điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế tiến triển ngày càng nhanh và mạnh mẽ, mang lại những cơ hội phát triển, nhưng đồng thời cũng đi kèm với những thách thức về môi trường, xã hội.
Việt Nam, trong hơn 30 năm đổi mới đã có những diện mạo mới. Đời sống người dân được cải thiện, tỷ lệ nghèo đói giảm mạnh, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. "Đến nay, tầm vóc, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế từng bước cải thiện, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao", ông nói và cho biết nền kinh tế những năm tới hứa hẹn cả những thách thức và cơ hội đan xen.
Theo đó, giai đoạn 2011 – 2020, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã xác định ba khâu đột phá mang tính chiến lược, tạo tiền đề cấu trúc lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển theo hướng bền vững.
"Phát triển bền vững đã trở thành một phương thức phát triển tổng hợp đa ngành, liên ngành, thành chương trình hành động với nhiều tiêu chí ngày càng được cụ thể và rõ nét", ông nhấn mạnh.
Ông cho biết để bảo đảm bền vững trong dài hạn, việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng và phù hợp là chìa khóa của thành công.
Điều này đặc biệt đúng trong môi trường khoa học công nghệ thay đổi liên tục và sự ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế, có thể đưa đến thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế, lao động và phương thức sản xuất.
Mặt khác, để chính sách phát triển bền vững đi vào cuộc sống cần sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của mọi người dân, doanh nghiệp, cơ quan tổ chức và chính quyền. Các giải pháp, những cách làm tốt nhất đến từ kinh nghiệm trong và ngoài nước cần được chia sẻ, thảo luận và đưa vào thực tiễn. Việt Nam đang ở một thời điểm rất quan trọng, ông nhấn mạnh.
Chính sách phát triển bền vững của Việt Nam cần có các giải pháp đủ mạnh trong các lĩnh vực mang tính quyết định như nguồn nhân lực; Chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu; Nông nghiệp thông minh; Giải pháp về môi trường; và công nghiệp 4.0.