Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị - Ảnh: DANH KHANG
Đó là nhận định của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Hội nghị quốc tế ngành cà phê Việt Nam năm 2022 do Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị tổ chức ngày 11-12.
Theo ông Phùng Đức Tiến - thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hết tháng 11-2022, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn cà phê, đạt trên 3,55 tỉ USD (tăng 31,3% so với cùng kỳ). Đây là mức kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong những niên vụ vừa qua, khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về cà phê.
"Dự kiến hết năm 2022, xuất khẩu cà phê có thể đạt từ 3,9 - 4 tỉ USD", ông Tiến nêu nhận định.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá dù đạt nhiều thành tựu nhưng ngành cà phê phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức như tăng trưởng cao chưa bền vững, tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều rủi ro, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế.
Đặc biệt, cơ sở hạ tầng và quy trình sơ chế, chế biến, chế biến sâu còn yếu dù đã có những nhà máy quy mô tới 500 tỉ đồng.
Do vậy, việc tiếp tục mời gọi đầu tư đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn của các thị trường quốc tế phải được đẩy mạnh. Đồng thời, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam và các bên liên quan tiếp tục rà soát quy mô trồng cà phê và quy chuẩn chế biến song song nghiên cứu lựa chọn, tạo giống có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, chống chọi sâu bệnh, phù hợp thổ nhưỡng.
Còn ông Lê Hoàng Tài - phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - đánh giá hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp ngành cà phê Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp chuẩn bị xuất khẩu cà phê và các doanh nghiệp có tiềm năng gặp gỡ, tiếp xúc với các đối tác tiềm năng.
Đây cũng là dịp để các hợp tác xã, các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu tìm kiếm cơ hội liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài có mong muốn xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, tạo đầu ra ổn định cho người nông dân và tận dụng công nghệ tiên tiến.
Vị này nhận định tuy xuất khẩu cà phê tăng nhưng doanh nghiệp Việt phải tiếp tục tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và có kế hoạch hóa giải các thách thức như bất ổn chính trị, chiến tranh thương mại, lạm phát gia tăng, sức mua giảm, cạnh tranh từ Brazil, Ấn Độ, Colombia…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt lưu ý thách thức đan xen cơ hội khi ngày 6-12 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận cấm nhập khẩu một số sản phẩm thúc đẩy phá rừng như cà phê, ca cao.
Ông Lê Hoàng Tài - phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - Ảnh: DANH KHANG
Sản lượng cà phê sắp tới giảm 10 - 15%
Tại hội nghị, ông Đỗ Hải Nam - phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, chủ tịch HĐQT Intimex Group - cho biết trong vụ 2021 - 2022, tổng xuất khẩu ước lượng khoảng 1,7 triệu tấn (bao gồm Arabica và thành phẩm), tăng 13% so với vụ trước do giá sàn cà phê London giữ ở mức cao khiến bà con hài lòng khi bán ra, không chịu sự cạnh tranh từ cà phê robusta Brazil.
Trái ngược với 6 tháng đầu vụ, xuất khẩu cà phê liên tục tăng (trừ tháng 2 Tết) với gần 1 triệu tấn thì 6 tháng cuối năm 2022, lượng xuất khẩu giảm do người dân chỉ bán với mức cao và cạnh tranh từ cà phê robusta Indonesia.
Về vụ cà phê 2022 - 2023, chủ tịch HĐQT Intimex Group dự báo sản lượng trong nước giảm 10 - 15% so với vụ trước. Nguyên do là diện tích trồng cà phê có xu hướng giảm do người dân chuyển đổi sang các cây trồng khác có hiệu quả hơn (sầu riêng, bơ, hạt tiêu…), phơi sấy cà phê chậm do mưa nhiều như tại Đắk Lắk và Lâm Đồng, giá nhân công thu hái tăng cao (hơn 300.000 đồng/ngày)...
Trong vài năm tới, lượng tiêu thụ nội địa dự kiến tăng ở mức 5 - 10% do nhiều nhà máy chế biến cà phê hòa tan đã và đang được xây mới; nhiều hệ thống chuỗi, quán cà phê mới được khai trương hoặc mở lại.
Tại hội nghị, các đại biểu trong và ngoài nước cũng chia sẻ về thách thức và giải pháp về vấn đề tăng lãi suất của các ngân hàng, cơ giới hóa nông nghiệp, xây dựng lại vùng trồng nguyên liệu, lao động trẻ có xu hướng rời quê, nhiều hộ nông dân bán đất trồng cây, tiêu thụ cà phê trong nội địa, áp lực từ doanh nghiệp FDI và miếng bánh thị phần.