Sáng 2-5, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 bắt đầu khai mạc với 6 chuyên đề.
Trong đó, chuyên đề “Chủ động và khai thác có hiệu quả CPTPP để phát triển bứt phá” thu hút nhiều ý kiến tranh luận giữa Hiệp hội Dệt May, Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam và các quan chức nhà nước, đặc biệt là Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh.
Quy hoạch dệt may rất… lạc hậu
Sau phát biểu đề dẫn của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phiên thảo luận bắt đầu. Điều phối chương trình là bà Bùi Kim Thùy, Hội đồng kinh doanh Hoa kỳ - Asean. Bà Thùy hồi còn làm ở Bộ Công Thương là thành viên đoàn đàm phán nhiều Hiệp định tự do thương mại của Việt Nam với các nước và khu vực, trong đó có Hiệp định CPTPP.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam là người đầu tiên nêu ý kiến. Theo ông Giang, quy hoạch dệt may của Việt Nam hiện đã lạc hậu, nhiều địa phương “kỳ thị” ngành này dù đây là ngành “thâm dụng” lao động. Nhân lực cho ngành này cũng rất yếu nên khó tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ hiện nay.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam nói: Dệt may đến nay đã đạt kim ngạch xuất khẩu tới 40 tỷ USD, nên quy hoạch dệt may đã rất lạc hậu. Vì quy hoạch ấy chỉ đặt ra đến năm 2020 dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD.
Từ đó, ông Giang kiến nghị nhà nước cần phải xây dựng quy hoạch ngành dệt may đến năm 2035, trong đó đặt ra vai trò của Chính phủ với các địa phương về quy hoạch dệt, nhuộm.
Ông Giang cũng kiến nghị Bộ Công Thương phải là trụ cột xây dựng nền tảng chuỗi cung ứng dịch vụ không để các doanh nghiệp “mạnh ông nào ông ấy làm”
“Cuối cùng là vấn đề minh bạch. Các bộ, ngành phải thấm nhuần tinh thần minh bạch này, phải lăn xả với ngành dệt may thì ngành mới phát triển bền vững. Bởi doanh nghiệp Việt Nam hiện đã đủ lực để đầu tư”, ông Giang nói.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội bông sợi Việt Nam cho hay, nhu cầu vải đối với dệt may Việt Nam là rất lớn, mỗi năm nhập khẩu hơn 6,5 tỷ USD vải
“Có hay không có CPTPP thì các doanh nghiệp vẫn phải làm. Nhưng quan trọng nhất là để nhà đầu tư trong nước làm chủ tình hình”, ông Tuấn nói và đưa ra nhiều kiến nghị về đất đai dành cho sản xuất vải, thủ tục pháp lý cho công nghệ của ngành dệt, nhuộm.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch hiệp hội bông sợi Việt Nam nói cần có khoảng 4.500 hec-ta đất cho phát triển ngành vải Việt Nam, vì nhu cầu vải phục vụ cho ngành dệt may những năm tới là rất lớn.
Dệt may thiếu vải do đâu?
Trao đổi lại với hai “ông lớn” ngành dệt may Việt Nam, Thứ trưởng Khánh nói rằng: “Ngành chưa đủ lớn để đầu tư vào dệt đâu. Mỗi nhà máy dệt là mấy trăm triệu USD. Khi đàm phán TPP, thì đã có những nhà đầu tư rất lớn đến đàm phán để đầu tư vào ngành này. Nhưng rồi Tổng thống Donald Trump rút lui khỏi TPP… Đầu tư vào vải đang chững lại”.
Thứ trưởng Khánh cũng nói rằng: dù các doanh nghiệp làm ra vải, nhưng không bán được cho khâu may là bởi vì các doanh nghiệp phải mua vải theo chỉ định của khách hàng. Nên điều quan trọng là phải liên hệ được với khách hàng để họ chỉ định mua vải mà mình làm ra.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng: Một trong những lý do khiến Việt Nam thiếu vải là vì khách hàng nước ngoài chỉ định vải. Nên ông nói doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm sao để nước ngoài chọn vải của mình
“Tới đây, nếu có EVFTA tì không cần nhà nước khuyến khích cũng có nhà đầu tư ngay. Việt Nam cần phải có đầu tàu trong lĩnh vực này để tạo ra động lực”, Thứ trưởng Khánh nói.
Về ý kiến của Hiệp hội bông, sợi Việt Nam cho rằng Việt Nam đang thiếu vải, Thứ trưởng Khánh nói: “Không có vải là vì Hiệp hội Dệt May đang khuyến khích nhập khẩu vải. Nếu nhập thì không phải chịu thuế nhập khẩu, không có VAT. Nếu dùng vải trong nước thì vừa phải bỏ tiền tươi ra mua vải, vừa nộp luôn VAT. Vậy các DN lựa chọn thế nào?”.
Theo Thứ trưởng Khánh, Bộ Tài chính đã nhìn thấy chuyện này nên đề nghị đánh thuế nhập khẩu đối với vải, các doanh nghiệp phải nộp VAT, khi nào xuất khẩu xong thì mới hoàn thuế VAT .
“Không chỉ vải, mà thùng carton, cúc, chỉ… cũng trong tình trạng như vậy. Nhưng Hiệp hội Dệt May phản đối”, Thứ trưởng Khánh nói.
Sau khi Thứ trưởng Khánh dứt lời, ông Vũ Đức Giang tranh luận lại ngay.
“Thứ trưởng Khánh nói đúng về thuế. VAT chẳng hạn, vấn đề nộp VAT thì doanh nghiệp sẵn sàng ngay. Nhưng khi nào được hoàn lại thì là vấn đề. Mọi chi phí như điện, vận tải, nước… đều tăng, nhưng giá sản phẩm dệt may thì vẫn thế”, ông Giang nói.
Ông Giang vẫn cho rằng nút thắt nằm ở thể chế, ở cách hiểu về đầu tư cho các khâu của ngành dệt may từ Chính phủ cho đến các địa phương chưa thống nhất.
“Thuế cứ thắt lại như vậy là rất khó. Chúng tôi đang kiến nghị Bộ Tài chính về VAT khi nhập thiết bị, công nghệ về để sản xuất đưa sản phẩm đi xuất khẩu. Doanh nghiệp có bán trong nước đâu, chỉ xuất khẩu sao lại phải đóng VAT?”, ông Giang đặt câu hỏi. Đồng thời, ông lưu ý rằng: những lời ích từ CPTPP đối với dệt may là “một chiếc bánh như chia làm mấy phần, mỗi “ông” một tí.
“Phải có một tranh luận, phân tích thấu đáo để nhận định tình hình”, ông Giang nói.
Bà Bùi Kim Thùy sau khi ông Giang dứt tranh luận có hỏi Thứ trưởng Khánh xem còn ý kiến gì không. Thứ trưởng Khánh lắc đầu.