Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 5/2, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc chứng khoán Việt Nam liên tục giảm điểm mạnh trong những ngày đầu năm và giải pháp của Bộ Tài chính về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, trong hai phiên giao dịch ngày 30 và 31/1, thị trường chứng khoán liên tục giảm điểm mạnh, giảm khoảng 4,54%.
Theo Thứ trưởng Mai đây là mức giảm khá sâu do yếu tố cộng dồn sau kỳ nghỉ Tết và một phần do ảnh hưởng tâm lý dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona.
Tuy nhiên, bà Mai cho rằng mức giảm điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam tương đương với nhiều nước và thấp hơn một số nước sớm phát hiện những ca nhiễm bệnh.
Tính chung trong hai tuần cuối tháng 1 khi dịch lan rộng, mức giảm điểm của các thị trường chứng khoán châu Á khá mạnh, như Hong Kong giảm 9,4%, Hàn Quốc giảm 5,8%, Thái Lan giảm 5,4%, bà Mai dẫn chứng.
Bắt đầu từ tháng 2, thị trường chứng khoán Việt Nam đã thu hẹp đà giảm. Tính chung 2 phiên đầu tháng 2, chỉ số VN-Index chỉ giảm có 0,8%, đứng ở mức 929 điểm. Riêng ngày 4/2, sắc xanh đã quay trở lại và tăng 0,95 điểm so với phiên liền trước.
Thứ trưởng Mai cho biết, trước tình hình chứng khoán giảm điểm sau Tết, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tích cực tuyên truyền để ổn định tâm lý nhà đầu tư. Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã yêu cầu hai sở giao dịch chứng khoán HNX và HoSE, các công ty chứng khoán báo cáo hàng ngày về giao dịch, tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động của thị trường, chống hiện tượng lợi dụng dịch bệnh để làm giá chứng khoán.
Với các giải pháp nêu trên, thị trường chứng khoán Việt Nam trong vài ba ngày qua đã phục hồi trở lại và có xu hướng tăng điểm.
Về giải pháp trong ngắn hạn, bà Mai cho biết Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo, chủ động theo dõi diễn biến của thị trường quốc tế, diễn biến của thị trường trong nước hàng ngày, yêu cầu hai sở giao dịch chứng khoán cũng như Trung tâm lưu ký chứng khoán tăng cường công tác giám sát, thực hiện báo cáo hàng ngày và phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các hành vi trục lợi và tung tin đồn.
Yêu cầu các công ty chứng khoán thực hiện báo cáo hằng ngày, đặc biệt là tình hình giao dịch quỹ, ký quỹ, tuân thủ nghiêm các quy định về giao dịch.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền và cung cấp thông tin cho báo chí để dư luận nắm bắt, hiểu đúng tình hình và không bị tác động về tâm lý.
Về giải pháp trung và dài hạn, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện thể chế và ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực vào đầu năm 2021.
Ngoài ra, bộ sẽ tập trung đẩy mạnh, cơ cấu lại thị trường chứng khoán để phát triển hiệu quả hơn, năng động hơn. Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát các vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật thị trường, tạo dựng lòng tin cho công chúng đầu tư, giúp thị trường phát triển ổn định và bền vững.