Cảnh báo: Đây là bài bình luận đáng lo ngại nhất mà tôi từng viết.
Trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, nhiều trường học ở Mỹ đã bỏ hoạt động dạy-học trực tiếp trên lớp trong khi nhiều trường khác vẫn tiếp tục như bình thường.
Việc trường nào đóng, trường nào mở không do khoa học cũng chẳng do nhận thức thông thường quyết định. Đây thực ra là một cuộc cạnh tranh giữa các chính đảng và là cách hành xử vượt tầm kiểm soát của công đoàn giáo viên.
Tình trạng tại Mỹ lúc này là những trẻ em đi học bình thường sẽ phát triển và tiến bộ như bình thường, trong khi những trẻ khác không đến trường sẽ phải hứng chịu những hậu quả về tinh thần, hành vi, cảm xúc, sự phát triển trí tuệ và thể lực.
Nước Mỹ sẽ có một thế hệ trẻ khó mà đạt được những thành tựu gần với những gì mà thế hệ cha mẹ và ông bà của họ đã đạt được.
Ngay từ khi đại dịch COVID-19 vừa diễn ra, lãnh đạo các chính đảng ở cấp liên bang, bang và địa phương đã phải đối mặt với những quyết định quan trọng về việc có nên đóng cửa nền kinh tế, bao gồm cả hệ thống trường học để "làm phẳng đường cong", hạn chế sự lây lan của virus.
Cựu Tổng thống Donald Trump chủ trương giữ nền kinh tế càng mở càng tốt nhằm giảm thiểu thiệt hại về kinh tế và xã hội. Cuối cùng, ông Trump đã phải nhượng bộ trước quyết tâm đóng cửa kinh tế của các chính quyền bang và địa phương.
Trong mớ bòng bong của "khoa học" lẫn kinh nghiệm, các nhà lãnh đạo bối rối không biết nên làm gì. Điều này đã dẫn đến việc cực đoan hoá tất cả những gì liên quan đến ông Trump: các bang Cộng hoà có xu hướng mở cửa kinh tế ở mức độ cao nhất có thể trong khi chủ trương của các bang Dân chủ là đóng cửa càng nhiều càng tốt.
Các cơ quan khoa học — Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Viện y tế quốc gia Hoa Kỳ (NIH) — và những người phát ngôn của các cơ quan này chẳng khiến tình hình tốt hơn. Họ phân vân không biết phải làm gì, sau đó quay đi quay lại với những khuyến cáo trái ngược nhau, khiến cả người dân và các cơ quan chính quyền đều bối rối. Việc này đã diễn ra dưới thời Tổng thống Donald Trump và vẫn đang tiếp diễn dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Điểm quan trọng nhất là: kết quả kiểm soát ảnh hưởng của COVID tại các bang mở cửa tối đa với các bang đóng cửa tối đa không có gì khác nhau. Điều này có nghĩa là: việc đóng cửa nền kinh tế trên diện rộng trong thời gian dài là không cần thiết. Việc ngừng hoạt động trong phạm vi ngắn hạn với các mục tiêu cụ thể mới là việc nên làm.
Ngay từ đầu đại dịch, các giáo viên đã lo ngại rằng họ sẽ bị phơi nhiễm với COVID và tin rằng đối tượng gây lây lan virus chính là trẻ em.
Cùng lúc đó, nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng học sinh là nhóm rất hiếm khi nhiễm COVID. Như thường lệ, các cơ quan y tế và khoa học của chính phủ vẫn không đưa ra được khẳng định nào về việc liệu trẻ em có phải đối tượng gây lây lan COVID hay không. Điều này khiến các giáo viên trở nên bất an hơn.
Giải pháp trước mắt là biến hoạt động dạy-học trên lớp thành hoạt động đào tạo từ xa – cả học sinh và giáo viên đều ở nhà. Sau đó, một số trường bắt đầu thực hiện mô hình: học sinh học hai ngày ở nhà và hai ngày trên lớp. Tại các trường học, trẻ em thực hiện giãn cách xã hội, ngồi trong ô chỗ ngồi được bao quanh bằng Mica, mặt đeo khẩu trang. Các trường học được khử trùng cẩn thận liên tục cả ngày.
Các giáo viên phản đối, yêu cầu họ phải được chủng ngừa thì mới đồng ý lên lớp. Các trường học đồng ý với yêu cầu này. Sau khi được tiêm phòng, các giáo viên lại yêu cầu trường học lắp đặt hệ thống thông gió đắt tiền. Các trường học cũng đã thực hiện.
Các giáo viên tiếp tục yêu cầu các hệ thống trường học cung cấp dịch vụ giữ trẻ ban ngày cho con cái họ để họ có thể dạy học. Trong khi đó các gia đình không được hưởng dịch vụ này mặc dù bố mẹ phải đi làm và trẻ không đến trường. Nhiều trường học đã đáp ứng yêu cầu này.
Tiếp đó, các giáo viên lại yêu cầu học sinh phải được tiêm phòng rồi họ mới quay lại giảng dạy. Các trường học phản đối: chưa có vắc-xin cho trẻ em và trẻ em rất hiếm khi nhiễm COVID nên không thuộc đối tượng tiêm chủng.
Tất cả những việc đó đã dẫn tới tình trạng: Tại rất nhiều trường học, các giờ học được tiến hành dưới hình thức giáo viên ngồi ở nhà giảng dạy trực tuyến, học sinh ngồi tại lớp đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, trong kỳ nghỉ, các giáo viên ở San Diego lại bố trí được thời gian và đủ lòng can đảm để đến giảng dạy trực tiếp cho trẻ em nhập cư không giấy tờ tại các lớp học tạm ở khu vực biên giới. Tại ngôi trường của mình trong thời gian chính khoá, các giáo viên này không chấp nhận đứng lớp trực tiếp cho học sinh của mình.
Thực tế là nhiều hệ thống trường học vẫn chỉ duy trì mở cửa một phần. Các nhà phê bình cho rằng công đoàn giáo viên chỉ đơn thuần là đang dùng "chiêu trò" để các giáo viên của họ có thể ở nhà cả năm hoặc hơn thế.
Điều trớ trêu là phe Dân chủ tại Quốc hội đã thông qua Luật Khẩn cấp về việc nâng cấp điều kiện tại các trường học Mỹ để đối phó với đại dịch, tuy nhiên số tiền phân bổ cho các trường học vẫn chưa được giải ngân. Nhiều người tin rằng thực ra không có cái gọi là "trường hợp khẩn cấp".
Việc đóng cửa trường học sẽ gây ra những tác động lâu dài và vĩnh viễn đối với trẻ em. Việc học từ xa đã được chứng minh là không thể thay thế cho học trực tiếp trên lớp. Giáo viên đã không được chuẩn bị để chuyển đổi bài giảng của họ sang các định dạng trực tuyến. Giáo viên không thể giám sát học sinh và thu hút các em tham gia vào các cuộc trao đổi, đối thoại và tương tác. Một số tài liệu không thể truyền đạt một cách hiệu quả đến nhóm học sinh nhỏ tuổi qua hình thức trực tuyến.
Hầu hết các trường học không có đầy đủ đội ngũ chuyên gia máy tính, chuyên gia lập trình và chuyên gia truyền thông cần thiết để tạo lập và duy trì các hệ thống giảng dạy trực tuyến một cách trơn tru.
Các phụ huynh cũng không được chuẩn bị để giúp con cái của họ. Đáng buồn hơn, một số trường học còn cấm phụ huynh theo dõi việc học trực tuyến của con họ vì sợ rằng gia đình có thể sẽ phản đối nội dung giảng dạy.
Theo Viện Nhi khoa Hoa Kỳ và UNESCO, việc cách ly trẻ ở nhà và tách trẻ khỏi bạn bè và giáo viên có tác động tiêu cực đến sức khỏe, sự phát triển tinh thần, thể chất, cảm xúc, hành vi và trí tuệ của trẻ. Nhiều trẻ em đã không thể thích ứng được với việc nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính suốt 7 tiếng mỗi ngày.
Báo cáo của các trường học cho thấy tình trạng học sinh nghỉ học và bỏ học giữa chừng gia tăng do các em không thể điều chỉnh được với chế độ học trực tuyến.
Thêm vào đó, một số bang đang thông qua luật yêu cầu những học sinh không tham dự lớp đầy đủ sẽ phải học lại một năm. Các em này sẽ còn tụt hậu tiếp.
Trong hệ thống trường học của Mỹ, trẻ em được thụ hưởng các dịch vụ khác nhau để đảm bảo sức khoẻ và tinh thần cho các em. Trẻ em nghèo được cung cấp bữa ăn sáng và ăn trưa tại trường. Trẻ em được sự trợ giúp của y tá, cố vấn và chuyên gia tâm lý tại trường. Trẻ em được tham gia các "chương trình sau giờ học" vì cha mẹ các em phải đi làm và không đón được đúng giờ tan học.
Học sinh nghèo là nhóm đối tượng dễ bị lạm dụng và bỏ bê hơn. Trường học là nơi các em được bảo vệ và hỗ trợ. Giáo viên và nhân viên có "bổn phận quan tâm" để báo cáo lên cơ quan chức năng nếu có việc lạm dụng và bỏ bê xảy ra.
Nhưng với định dạng chương trình như bây giờ, những nhân viên này không làm việc tại trường trong thời gian đóng cửa.
Các trường học đều được trang bị hệ thống máy tính cho học sinh nghèo sử dụng tại trường. Ở nhà, nhiều em không có máy tính và Internet để học trực tuyến.
Các giáo viên và công đoàn giáo viên có thể đã nhận được sự đồng cảm nếu không có một thực tế là các trường tư thục và các trường dòng không thuộc công đoàn giáo viên đã mở cửa để đón học sinh đến trường trong phần lớn thời gian đại dịch. Không hề có đợt bùng phát COVID nào tại các tường học này.
Các tổ chức công đoàn giáo viên tuyên bố rằng điều họ quan tâm là phúc lợi và giáo dục cho trẻ em. Nhiều bậc phụ huynh không nhận thấy điều đó.
Đội ngũ các nhân viên cứu hộ, các chuyên gia y tế, cảnh sát, quân đội, nhân viên phục vụ tại các cửa hàng tạp hóa, công nhân vận chuyển, các nhà sản xuất thực phẩm, và nhiều người khác vẫn tiếp tục làm việc giữa đại dịch, ngay cả khi họ không được tiêm phòng. Các giáo viên đã chọn cách buộc công chúng phải chạy theo những yêu sách của họ, và các yêu sách đó cứ tăng dần sau khi được đáp ứng.
Chính hành động này của công đoàn đã làm dấy lên một phong trào kêu gọi cải cách hệ thống trường học. Có lẽ nên cắt giảm các trường công lập và thay vào đó phát triển thêm trường tư thục và trường dòng. Hình thức học tại nhà dường như đang gia tăng. Phụ huynh đang đoàn kết lại với nhau để đối phó với các hội đồng nhà trường, những người do chính họ bầu chọn ra, cố gắng loại bỏ các thành viên có cùng quan điểm với công đoàn.
Những người có tư tưởng cực đoan thì đặt ra câu hỏi: tại sao lại cần phải duy trì nhiều giáo viên như vậy nếu thực hiện học trực tuyến, rằng chỉ một giáo viên là có thể dạy cho hàng nghìn học sinh ngồi trước màn hình.
Thật trớ trêu khi việc trường học đóng cửa lại làm tổn thương những học sinh dễ bị tổn thương nhất: đó là những học sinh người da màu. Tình hình tới đây là nhiều khả năng nhóm học sinh này sẽ bị tụt hậu xa hơn nữa.
Không biết những phản ứng dữ dội đối với các giáo viên có tiếp tục kéo dài đến cuộc bầu cử giữa kỳ 2022 hay không. Nếu vẫn tiếp tục, rất có thể các quan chức ủng hộ công đoàn sẽ không giữ được chiếc ghế của họ.