Như tôi đã từng thổ lộ là bản thân tôi thích đeo khẩu trang , mọi lúc mọi nơi: khi tắm, khi ngủ, khi chạy marathon và nhất là nếu có dịp đi cướp ngân hàng (tôi đùa thôi!). Mà để có một chiếc khẩu trang thì đâu có tốn kém gì mấy, trừ khi bạn u mê móc túi ra tờ 100 đô la để nhận về một phiên bản nhái khẩu trang N95 của mấy kẻ buôn bán vô đạo đức trên mạng. Khẩu trang lại còn hợp thời trang chứ: tôi còn in cả hình của vợ tôi lên khẩu trang. Và khẩu trang còn có tác dụng hoá trang khi bạn có thể giấu bộ râu ria xồm xoàm không chịu cạo thường xuyên hoặc khuôn mặt phẫu thuật thẩm mỹ mới thất bại gần đây. Vậy đấy, có hại gì đâu!
Chính phủ Mỹ (hoặc Tổ chức Y tế Thế giới, lạy trời!) không cần phải ra lệnh bắt buộc tôi đeo khẩu trang, không cần phải có hẳn một chương trình quảng cáo đáng ghét trên truyền hình để khiến tôi cảm thấy xấu hổ mà phải đeo khẩu trang, cũng không cần phải mượn hàng xóm đến tận cửa nhà tôi để kiểm tra xem tôi có chịu đeo khẩu trang hay không. Và càng chẳng cần phải viện đến các đội quân ảo tấn công tôi trên Twitter với khẩu hiệu không đeo khẩu trang là chống đối xã hội. Tôi tự đeo khẩu trang một cách thật thoải mái và sảng khoái. Hiển nhiên, tôi làm việc đó như một nghĩa vụ của người ái quốc, giống như thời thanh niên tôi xung phong nhập ngũ, giờ chỉ khác là đeo khẩu trang chứ không mặc đồng phục.
Nhưng thực tế lúc này ra sao rồi? Đại dịch Covid-19 đã bị khuất phục trước hành động ái quốc của hàng triệu người Mỹ: đeo khẩu trang. Vậy có lẽ cuối cùng đã đến lúc người Mỹ quẳng những chiếc khẩu trang đi được rồi nhỉ? Ồ gượm đã, không nhanh vậy đâu!
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), việc bỏ khẩu trang là nói như vậy nhưng không hoàn toàn như vậy - phải có các điều kiện đi kèm. Bạn có thể thoái mái không đeo khẩu trang khi ở trong nhà với điều kiện là cả gia đình đều đã tiêm phòng đầy đủ. Nếu không, bạn mà bỏ khẩu trang ra thì đồng nghĩa với việc là ông bà và tụi nhỏ dưới 12 tuổi sẽ phải dạt xuống tầng hầm (có khi ở hẳn dưới đó luôn). Rồi bạn cũng có thể không đeo khẩu trang khi ra ngoài đường nhưng lại có điều kiện: trời phải lặng gió, nếu có gió thổi với vận tốc từ 5km/giờ trở lên thì hãy nhớ chỉ đi xuôi theo chiều gió cho an toàn. Mà nếu đúng lúc đó lại có người hút thuốc cũng đi xuôi chiều gió về phía bạn thì nhớ phải đảm bảo là người ta đang hút loại thuốc lá có đầu lọc.
Phó Tổng thống Kamala Harris có bổ sung thêm một ý vào cảnh báo của CDC: khi bạn và vợ/chồng mình đều đã tiêm chủng đầy đủ, và cả hai đều đeo khẩu trang, muốn hôn nhau thì cứ thoải mái, nhưng đừng bỏ khẩu trang ra.
Những quy tắc này, cộng với rất nhiều quy tắc khác liên quan đến khẩu trang, đã được tóm tắt trong một tài liệu dày 10.000 trang viết tay bằng thứ ngôn ngữ Tiếng Anh dành cho trẻ ở độ tuổi mẫu giáo, đi kèm tranh minh hoạ. Tất nhiên, để tìm được tài liệu này trên trang web của CDC, bạn lại phải có trình độ của một kỹ sư hệ thống mới làm được. Đây chính là lý do vì sao bộ tài liệu này nhận được rất ít lượt "like" và "share".
Trẻ em là nhóm đối tượng được quan tâm đặc biệt. Mặc dù trẻ em ở độ tuổi nhỏ ít có nguy cơ mắc Covid nhưng nhóm trẻ này lại có thể trở thành nạn nhân của những kẻ bắt cóc từ các hành tinh khác; rồi của tổ chức công đoàn giáo viên, những người đặt quyền lợi của trẻ lên trên hết nhưng lại cũng chính là những người đang yêu cầu trẻ em phải tiếp tục đeo khẩu trang trong suốt thời gian ở trường học bất chấp khuyến cáo mới nhất của CDC. Còn nếu trẻ học tại nhà thì việc đeo khẩu trang vẫn phải được tuân thủ khi trẻ ngồi trước màn hình máy tính. Bởi việc đeo khẩu trang như vậy là để thể hiện tinh thần đoàn kết với các bạn đang ngồi học trực tiếp tại lớp.
Vừa mới đây, một học sinh lớp 4 đã lên sóng truyền hình quốc gia và nói lên nỗi bức xúc của bản thân: cậu bé nói rằng cậu đã chuyển đến học ở một ngôi trường suốt cả một năm vừa rồi mà vẫn không biết mặt của bất kỳ bạn nào trong lớp. Lần duy nhất cậu bé gặp trực tiếp một bạn cùng lớp là khi bạn đó ngã ra bất tỉnh vì đeo hai khẩu trang một lúc khi chơi bóng đá trong giờ học thể dục. Cậu bé học sinh lớp 4 có thắc mắc là tại sao cậu bị khiển trách chỉ vì kéo khẩu trang xuống để xì mũi trong khi các thầy cô giáo của cậu lại thường xuyên tháo khẩu trang ra để uống café và nói chuyện điện thoại, và rằng tại sao thầy cô lại được ngồi dạy ở nhà chứ không phải đến lớp như học sinh. Quả là một cậu bé thông minh! Dễ đây chính là Tổng thống tương lai của nước Mỹ lắm!
Tất nhiên, nếu bạn là một chính trị gia, các quy tắc rõ ràng hơn nhiều. Người quyền lực thứ hai trong chính phủ Mỹ, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, là tấm gương điển hình để những người Mỹ noi theo trong việc tuân thủ đeo khẩu trang. Gần đây, bà Pelosi đã ra lệnh cho các thành viên Hạ viện phải đeo khẩu trang khi ở Điện Capitol. Bà ấy đã phạt 5 thành viên đảng Cộng hòa vì bất tuân chỉ thị này của bà. Ngay sau đó, bà Pelosi đi dự một bữa tiệc chiêu đãi tại Nhà Trắng với hàng chục người khác, đều là đảng viên đảng Dân chủ, và tất cả đều không đeo khẩu trang. Họ gặp nhau, chào hỏi, ôm hôn, uống rượu cả buổi chiều. Ống kính máy quay đã bắt trọn sự việc này và phát trên sóng truyền hình quốc gia.
Và hoá ra là CDC cứ việc đưa ra mọi hướng dẫn họ muốn về việc đeo khẩu trang, còn Thống đốc các tiểu bang mới là người thực sự có quyền quyết định về việc người dân ở tiểu bang của họ có cần phải tuân thủ các khuyến cáo này hay không. Điều này đã khiến khẩu trang bị chính trị hoá. Nếu bạn sống ở "bang xanh" (nghĩa là bạn là một người cuồng tả) thì rất có thể bạn sẽ vĩnh viễn đeo khẩu trang trọn đời. Kể cả sau khi đại dịch tan.
Còn nếu bạn sống ở "bang đỏ" (nghĩa là bạn theo chủ nghĩa hợp hiến, phản đối mọi nỗ lực xâm phạm quyền tự do không đeo khẩu trang của mình) thì bạn sẽ không chỉ từ chối đeo khẩu trang mà còn kéo theo cả một ê kip quay phim rồng rắn nhau đến đồn cảnh sát và tháo khẩu trang thách thức cả nhóm cảnh sát có vũ trang xem ai làm gì được bạn. Rồi như chưa đủ, bạn còn hét to: Allahu Akbar! (Thánh Allah vĩ đại! - Đây là câu nói mà những kẻ Hồi giáo cực đoan thường hét vang trước khi thực hiện những cuộc tàn sát).
Rồi kết quả là nước Mỹ chia thành hai nửa: một nửa đeo khẩu trang, một nửa không. Những người vào quán Starbucks uống café sẽ đeo khẩu trang trong khi những người vào Walmart mua sắm thì không.
Nếu bạn không chắc chắn là mình đang ở "bang xanh" hay "bang đỏ" thì có một mẹo đơn giản thế này: hãy quan sát bãi đậu xe của một trung tâm mua sắm. Nếu thấy có khẩu trang bị vứt rải rác trong bãi đậu xe, chắc chắc bạn đang ở lãnh thổ của "bang đỏ". Còn nếu bạn nhìn thấy một tốp thanh thiếu niên mặc đồng phục đang thu gom những chiếc khẩu trang đã qua sử dụng để mang về tái chế và cố gắng đi truy tìm xem ai đã cả gan vứt khẩu trang xuống đất thì không còn nghi ngờ gì nữa: bạn đang ở "bang xanh".
Nếu từ đầu đến giờ những gì tôi viết khiến bạn thấy rối hết đầu óc, chả hiểu việc đeo khẩu trang ở Mỹ vậy là thế nào thì đây, có ngay cứu tinh cho bạn: Bác sỹ Anthony Fauci, một chuyên gia hàng đầu về tất cả mọi bệnh truyền nhiễm trong vũ trụ. Ông là người vô cùng uy tín với mức lương cao nhất trong chính phủ Mỹ, cao hơn cả Tổng thống. Trong suốt thời gian đại dịch, mỗi khuyến cáo ông ấy đưa ra đều là "khuôn vàng, thước ngọc": "Không cần đeo khẩu trang", "Chỉ phải đeo khẩu trang trong vài tuần tới đây thôi", "Việc đeo khẩu trang không đem lại hiệu quả", "Đeo hai khẩu trang một lúc sẽ tốt hơn một khẩu trang", "Cứ đeo khẩu trang nhưng thực sự thì không cần thiết"… và tuyên bố mới đây nhất của bác sỹ Fauci: "Ồ, đó giờ tôi đeo khẩu trang chủ yếu để làm vì thôi!" Đó, giờ có lẽ bạn đã thấy mọi thứ rõ như ban ngày!
Nếu bạn có kế hoạch đến Mỹ vì lý do công việc hoặc đi nghỉ, tôi có một lời khuyên rất đơn giản thế này. Hãy đeo khẩu trang nhưng chỉ che miệng chứ đừng che mũi. Khi làm như vậy thì dù bạn đến "bang xanh" hay "bang đỏ" bạn đều làm đúng. Làm sao có rắc rối gì được!