Thư từ nước Mỹ: Giữa u ám chết chóc, vẫn luôn có một thứ "vũ khí" giúp nước Mỹ duy trì vị thế đáng gờm

04/01/2021 13:58
Có lẽ đại dịch Covid đã thay đổi vĩnh viễn nhiều mảng dịch vụ như: y tế, nhà hàng, siêu thị, phòng tập gym… – hầu hết là theo chiều hướng tốt hơn.

Nhìn lại những bài viết trong mục Thư từ nước Mỹ , được viết trong đại dịch Covid-19, tôi nhận thấy một màu sắc u ám bao trùm. Cả báo chí chính thống và truyền thông xã hội đều quanh quẩn trong sự bế tắc bởi đời sống chính trị tiêu cực cùng với những bi kịch của các gia đình do đại dịch gây ra. Chính vì vậy, cuộc sống năm 2020 bị bao trùm dưới bóng đen u ám mang tên Covid cũng là điều đương nhiên.

Nhưng nếu chúng ta gạt bỏ yếu tố chính trị sang một bên thì sẽ thấy rằng chính giữa đại dịch, đời sống Mỹ vẫn không thiếu những điều tích cực.

01. Tự cách ly và cách ly bắt buộc không hoàn toàn là điều tồi tệ

Covid khiến nền kinh tế Mỹ phải đóng cửa ở nhiều phương diện: đóng cửa trường học, nhà hàng, doanh nghiệp, nhà thờ và hơn thế nữa; cùng với hàng triệu người dân, trong đó có bản thân tôi phải tự cách ly - tất cả những điều này đã khiến người ta tư duy hướng nội hơn.

Người ta có thể cho rằng tư duy hướng ngoại bao giờ cũng được chuộng hơn nhưng thực tế là tư duy hướng nội có rất nhiều điểm tích cực.

Mỹ là đất nước của tinh thần "tự thân vận động". Khi kinh tế đóng cửa, người Mỹ không ngồi yên. Nhiều người bắt tay vào sửa chữa, nâng cấp nhà cửa, cơ sở kinh doanh. Doanh thu của các siêu thị, cửa hàng vật liệu xây dựng tăng rõ rệt nhờ lượng lớn khách đến mua sơn, búa, đinh…. Rồi tiếp đó, nhu cầu thuê thợ sửa chữa chuyên nghiệp, có tay nghề tăng vọt bởi các gia đình sau khi tự làm thì nhận ra rằng mọi thứ cần được chỉnh trang lại bằng bàn tay chuyên nghiệp hơn. Và tất nhiên, các khoa cấp cứu của bệnh viện, phòng khám cũng tấp nập hơn với một lượng bệnh nhân là những nạn nhân của các dự án sửa chữa nghiệp dư tại gia.

Trong thời gian bị cách ly, rất nhiều người quay sang đọc sách để khỏi phải chịu đựng các bộ phim và các chương trình truyền hình dở ẹc được phát đi phát lại trên ti vi. Đã gần 10 năm nay, mỗi năm tôi chỉ về Mỹ thăm nhà một hoặc hai lần. Trong thời gian ở Việt Nam, tôi đã đặt mua hàng trăm cuốn sách – tất nhiên sách mua ở Mỹ nên chuyển thẳng về căn nhà tại Mỹ cho đỡ cước vận chuyển. Thành ra giờ đây tôi đang có trong tay một tủ sách đủ để đọc trong 20 năm nếu trời thương cho tôi thọ. Bao năm qua, sách cứ được chuyển về nhà và nằm đó – thời gian thăm nhà chỉ đủ cho tôi chiêm ngưỡng những cuốn sách còn chưa được mở đang yên vị trên giá sách – chỉ để tôi cảm thấy mình thật uyên bác.

Thư từ nước Mỹ: Giữa u ám chết chóc, vẫn luôn có một thứ vũ khí giúp nước Mỹ duy trì vị thế đáng gờm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: insurancejournal

Tình trạng bị cô lập trong căn nhà khép kín cũng khiến người ta có nhu cầu kết nối với những người bạn đã nhiều năm không gặp và bạn bè hiện tại. Điều may mắn nhất là chúng ta có cơ hội liên lạc miễn phí qua Viber, Facetime hoặc WhatsAp. Ngày nào tôi cũng trò chuyện với gia đình mình ở Việt Nam khoảng 2 tiếng: cứ thử hình dung nếu không có các dịch vụ này thì phí gọi điện thoại đường dài từ Mỹ về Việt Nam trong cả năm qua sẽ thế nào đây?

Ngoài ra, các nền tảng khác như Facebook, Instagram, Snapchat, Twitter… cũng chứng kiến lượng sử dụng tăng mạnh khi con người cô đơn hơn. Nhiều người từng cho rằng đây là những công nghệ chết chóc, đẩy thế giới đến ngày hủy diệt. Nhưng hiện tại thì những nền tảng này quả thực đang cứu vãn thế giới – dù là vô tình hay cố ý.

Dĩ nhiên, khi tận hưởng những điều kỳ diệu mà công nghệ mang lại thì chúng ta cũng đừng quên cái giá phải trả là sự theo dõi 24/7. Ý tôi không nói đến Trung Quốc hay Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ. Chỉ là sớm muộn kiểu gì bạn cũng nhận được quảng cáo bán hàng trên Amazon hay Facebook – bạn quan tâm gì, thích gì không còn là bí mật cá nhân nữa.

02. Sự thay đổi tích cực ở nhiều lĩnh vực

Có lẽ đại dịch Covid đã thay đổi vĩnh viễn nhiều mảng dịch vụ như: y tế, nhà hàng, siêu thị, phòng tập gym… – hầu hết là theo chiều hướng tốt hơn.

Những người gặp phải vấn đề sức khoẻ cảm thấy lo sợ khi phải đến gặp bác sỹ hoặc phải đến bệnh viện vì lo nhiễm Covid. Hiện tại, 40% - 50% các "cuộc hẹn" với bác sỹ được thực hiện từ xa. Bác sĩ chẩn đoán, điều trị và kê đơn qua điện thoại hoặc các thiết bị cầm tay như Iphone, Ipad. Quy trình này ít tốn kém hơn, thuận tiện hơn và an toàn hơn. Không còn cảnh xếp hàng dài tại các cơ sở y tế nữa. Điều tuyệt vời nhất từ ​​trước đến nay là bạn có thể ngồi nhà trong bộ đồ ngủ để trao đổi với bác sỹ.

Nhiều người đã ngừng đến các phòng tập Gym vì sợ Covid. Sự thực là các phòng tập Gym ở Mỹ khá an toàn. Nhưng những người đang phải cách ly đã tìm ra được cách tập luyện tại gia. Hãng NordicTrack và Peloton vừa cho ra mắt sản phẩm xe đạp thể dục, máy chạy bộ và các thiết bị tập luyện tại gia khác được kết nối với các nhóm tập thể dục thông qua màn hình máy tính và bộ điều khiển. Người dùng sẽ có trải nghiệm tương tự như đang tham gia giải đua xe đạp đường trường chuyên nghiệp Tour de France. Cũng không hoàn toàn đến mức như vậy!

Còn khi đói bụng thì sẽ có ngay các công ty cung cấp đồ ăn như UberEats, DoorDash và GrubHub với dịch vụ "không cần tiếp xúc" nhanh chóng và ít tốn kém. Tương tự như vậy, gần như tất cả các siêu thị đều có dịch vụ đặt hàng trực tuyến và giao hàng tận nhà miễn phí hoặc nhận hàng bên ngoài cửa siêu thị. Hầu hết các chuỗi thức ăn nhanh và nhà hàng lớn cũng có dịch vụ giao đồ ăn tại nhà miễn phí.

Thư từ nước Mỹ: Giữa u ám chết chóc, vẫn luôn có một thứ vũ khí giúp nước Mỹ duy trì vị thế đáng gờm - Ảnh 2.

Mảng mua sắm trực tuyến trên Amazon.com phát triển mạnh đến mức công ty này bắt đầu sử dụng đội xe gồm 30,000 đầu xe với sự hỗ trợ của 50 máy bay phản lực thân rộng Boeing 767 phục vụ công tác giao hàng, bao gồm cả mặt hàng thực phẩm. Họ dự định tới đây sẽ tăng số lượng xe lên 100.000.

Xu hướng mới nhất là tổ chức các cuộc họp của doanh nghiệp, các lớp học và các cuộc đoàn viên gia đình qua các nền tảng hội nghị truyền hình như Zoom. Nhiều người không khỏi cảm thấy miễn cưỡng khi không còn được tiếp xúc trực tiếp nhưng Covid đã buộc con người phải thay đổi để làm quen với hình thức mới này.

Nhiều doanh nghiệp và chính phủ hiện đang cho phép người lao động được lựa chọn làm việc từ xa. Tùy chọn mới này giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí từ không gian văn phòng và các tiện nghi khác. Còn chưa kể đến khoản tiết kiệm lớn từ chi phí đi lại, ô nhiễm, bãi đậu xe và những thứ tương tự. Lấy ví dụ như ở thủ đô Washington, phí đỗ xe cho một chiếc ô tô trong nội thành là 5.500 đô la/năm.

Công bằng mà nói, các tổ chức truyền thống không thể hoặc không muốn thích ứng với "thế giới mới đầy táo bạo" sẽ gặp phải sự gián đoạn. Như ông Peter Drucker, cha đẻ của ngành quản trị kinh doanh hiện đại đã tuyên bố: "đổi mới hay là chết". Khắc nghiệt nhưng có lẽ đúng là như vậy.

03. Những dấu ấn lớn trong đại dịch

Nhiều người theo thuyết vị lai, trong đó có người sáng lập Microsoft, Bill Gates, trong nhiều năm qua đã đưa ra dự đoán về một đại dịch toàn cầu khiến thế giới trở tay không kịp. Rồi Covid ập đến đến y như cách con cá hồi vừa bắt được quẫy thẳng vào mặt anh ngư phủ.

Có một điểm tích cực là thế giới sẽ không mất cảnh giác một lần nữa khi có đại dịch khác xảy ra trong tương lai. Ít nhất có thể hy vọng là như vậy.

Bất chấp tất cả những chỉ trích, phán xét và phủ nhận, cách thức nước Mỹ đối phó với đại dịch Covid sẽ là mô hình cho các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Tổng thống Donald Trump đã điều động rất nhiều các cơ quan liên bang cùng xử lý đại dịch, với cách tiếp cận toàn chính phủ ở quy mô lần đầu tiên được thực hiện – thậm chí Tổ chức Y tế Thế giới đã phải khen ngợi điều này.

Với nguồn lực khổng lồ của quân đội và các cơ quan ứng phó thảm họa, nước Mỹ đã có thêm hàng ngàn giường bệnh chuyên dụng, đảm bảo quần áo, đồ dùng bảo hộ, bao gồm cả khẩu trang được chuyển về từ khắp nơi trên thế giới, các loại thuốc điều trị và máy thở đã cứu sống rất nhiều người. Nước Mỹ cũng đã thiết lập được chuỗi cung ứng toàn cầu khổng lồ nhằm đảm bảo sẵn sàng mọi nguồn lực cần thiết để chống dịch.

Tổng thống Trump đã thu hút được sự tham gia của khu vực tư nhân theo mô hình Đối tác Công – Tư ở quy mô chưa từng có kể từ sau Thế chiến II: các công ty dược phẩm, các nhà cung cấp dịch vụ y tế, các doanh nghiệp giao thông vận tải, các ngành công nghiệp cơ bản…

Khi nguồn cung máy thở khan hiếm, ngành công nghiệp ô tô đã đầu tư lại trang thiết bị cho các nhà máy của họ để sản xuất máy thở với số lượng lớn. Số lượng sản xuất ra thậm chí còn đủ để Mỹ có thể phân phối cho các nước khác có nhu cầu. Khi thiếu hụt nước rửa tay khô, một số nhà máy bia của Mỹ đã ngừng sản xuất bia và sử dụng nguyên liệu sản xuất bia rượu để chế nước rửa tay khô.

Tiếp đó là sự thiếu hụt khẩu trang, bởi thông thường người Mỹ không dùng khẩu trang nên thị trường không có sẵn. Các công ty và cá nhân lập tức bắt tay vào sản xuất. Giờ thì đi đâu cũng thấy người Mỹ đeo khẩu trang. Tuy nhiên, điều thú vị nhất là thiết kế khẩu trang giờ lại đắt hàng với đủ loại kiểu dáng. Và việc đeo khẩu trang thực sự đã góp phần ngăn chặn lây lan virus.

Dấu ấn đậm nét nhất trong năm dại dịch là Chiến dịch Vắc xin thần tốc. Nhiều người tin rằng Chiến dịch này sẽ đi vào lịch sử như một thành tựu y học vĩ đại nhất. Chính phủ Mỹ đã hợp tác với các công ty sản xuất vắc-xin để đảm bảo thế giới có vắc xin vào tháng 12/2020. Thông thường, phải mất 5-10 năm để một chế phẩm vắc xin được đưa vào cuộc sống. Nhưng vắc xin phòng ngừa Covid-19 được bắt đầu bào chế vào mùa hè và đến cuối năm thì người dân đã bắt đầu được tiêm phòng.

04. Những anh hùng thầm lặng trong đại dịch

Tôi cho rằng một đóng góp đáng khâm phục nhất cho nhân loại khi đại dịch hoành hành chính là khả năng chống chọi của ngành công nghiệp thực phẩm và đội ngũ nhân sự. Họ là một trong những anh hùng thực sự trong đại dịch, và thật đáng buồn khi những đóng góp và hy sinh của họ chưa được ghi nhận một cách thoả đáng.

Chúng ta hãy thử nghĩ thế này: khi đại dịch bùng phát vượt tầm kiểm soát vào tháng 3, người dân nào cũng lo sợ rằng nguồn cung cấp thực phẩm của nước Mỹ sẽ bị cắt. Người người đổ xô đến các siêu thị, cửa hàng vơ vét, tích luỹ thực phẩm, đồ thiết yếu. Nhưng thật may mắn, điều họ sợ hãi đã không xảy ra.

Các hộ nông dân tái cơ cấu lại sản xuất để đảm bảo đủ lương thực cung cấp cho thị trường.

Các nhà máy đóng gói thịt, ban đầu là điểm nóng do đặc thù của ngành này là dây chuyền sản xuất buộc công nhân phải đứng liền kề sát nhau khi làm việc và virus có thể tồn tại trên sản phẩm thịt. Bất chấp nguy cơ cao, đội ngũ công nhân vẫn tiếp tục làm việc tại các nhà máy trong khi ban lãnh đạo tìm mọi cách bảo vệ công nhân của mình và bảo vệ nguồn cung sản phẩm cho người dân.

Những người lái xe tải đã không mệt mỏi rong ruổi trên từng cây số để đưa nông sản đến các trung tâm phân phối và siêu thị, cửa hàng. Lái xe tải là công việc rủi ro rất cao: người lái xe phải lấy hàng hóa từ các nhà máy- rất có thể chính là ổ virus, rồi sau đó vận chuyển số hàng hoá này đến các thành phố như New York, nơi dịch bệnh đang lan tràn.

Nhân viên làm việc tại các siêu thị, cửa hàng tạp hoá cũng phải đối mặt với rủi ro cao. Hàng ngày, họ phải tiếp xúc với rất nhiều khách hàng đến mua thực phẩm. Nguy cơ nhiễm virus rất cao, nhưng họ vẫn có mặt làm việc không thiếu ngày nào.

Còn biết bao người xứng đáng được ghi nhận trong cuộc khủng hoảng này: đó là những công nhân vệ sinh, những nhân viên bưu tá, những bác sỹ, y tá, cảnh sát và lính cứu hỏa, các nhân viên cứu thương, những nhân viên cứu hộ khẩn cấp, và rất nhiều người khác nữa. Bất chấp đại dịch không ngừng cướp đi biết bao sinh mệnh, những người này luôn có mặt tại vị trí công việc của mình.

Tôi hy vọng rằng người Mỹ sẽ không không bao giờ quên những gì mà họ đã làm cho đất nước.

05. Nhìn về tương lai

Tương lai sẽ tươi sáng khi người ta kiến tạo nó bằng cái tâm. Nền kinh tế đã tổn thương nặng nề nhưng vẫn đang duy trì sản xuất ở mức kỷ lục. Khi đại dịch kết thúc, chắc chắc kinh tế sẽ có đà nhảy vọt.

Đại dịch đã cho thấy một tinh thần doanh nghiệp mạnh mẽ và năng lực đổi mới sáng tạo không giới hạn của nước Mỹ. Chắc chắn điều này sẽ tiếp tục trong tương lai khi con người đã quen như vậy.

Người Mỹ đã học cách sống khác, và có lẽ cũng là cách sống tốt hơn sau đại dịch. Nước Mỹ xứng đáng tự hào về cách người dân cùng nhau vượt qua và vươn lên trong đại dịch. Và sẽ không ai quên những người đồng bào của mình đã thiệt mạng trong cơn khủng hoảng.

Trong bối cảnh nước Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức lớn, bao gồm cả những thách thức chưa ai hình dung ra được thì kinh nghiệm đối phó đại dịch trong năm qua sẽ giúp vực dậy tinh thần Mỹ để nước Mỹ mãi là một đối thủ đáng gờm trong tương lai. Người Mỹ không bao giờ được quên tinh thần này!

* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Tin mới

iPhone của bạn sắp thành "đồ cổ"? Đây là điều bạn cần biết!
9 giờ trước
Mọi sản phẩm công nghệ đều có giới hạn vòng đời. Apple cam kết hỗ trợ các thiết bị của mình ít nhất 5 năm sau khi ngừng bán, nhưng sau mốc thời gian này, chúng có thể bị phân loại là “hàng cũ”.
"Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hoà là đẩy lùi sinh hoạt 40-50 năm"
8 giờ trước
Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất loại điều hoà nhiệt độ khỏi danh mục mặt hàng chịu thuế trong dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Cuộc chạy đua robot của các 'ông lớn' công nghệ ngày càng nóng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vừa nhanh chóng tham gia
8 giờ trước
Thị trường này được dự báo sẽ đạt 38 tỷ USD vào năm 2035, với gần 1,4 triệu lô hàng.
FWD Việt Nam: Điểm sáng trong bảng xếp hạng môi trường làm việc 2024
7 giờ trước
Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD tiếp tục được vinh danh trong bảng xếp hạng Top 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2024, khẳng định vị thế hàng đầu trong thị trường lao động.
Doanh số tại Việt Nam tăng mạnh, Yamaha kiếm được bao nhiêu tiền?
7 giờ trước
Trong Quý III/2024, Việt Nam là thị trường có tăng trưởng doanh số cao thứ 2 trên toàn thế giới của Yamaha.

Tin cùng chuyên mục

Trung Quốc vừa 'mở khóa' kho báu siêu khủng chứa hơn 1.000 tấn vàng, nguy cơ làm rung chuyển thị trường vàng thế giới
6 giờ trước
Mỏ vàng vừa phát hiện tại Trung Quốc ước tính chứa hơn 1.000 tấn vàng, trị giá 83 tỉ USD.
Hàng trăm nghìn tấn báu vật từ Canada đổ bộ Việt Nam với giá rẻ bất ngờ: Chi hàng tỷ USD nhập khẩu, nước ta tiêu thụ 10,4 triệu tấn mỗi năm
1 ngày trước
Nhập khẩu mặt hàng này từ Canada đã tăng mạnh 128% trong 9 tháng đầu năm.
Chỉ mất 3 năm để làm được điều Elon Musk cố gắng suốt 12 năm mới đạt được, Xiaomi làm rung chuyển ngành ô tô toàn thế giới
2 ngày trước
Xe điện của Xiaomi đang khiến cả thế giới ô tô phải bàn tán.
Giá cà phê đã có nhịp điều chỉnh giảm
2 ngày trước
Sau khi tăng vọt vào đầu tuần trước, giá cà phê đã có nhịp điều chỉnh giảm trong phiên giao dịch đầu tuần.