Khi còn là một cậu thanh niên mới lớn ở Mỹ vào những năm 1960, ước mơ duy nhất của tôi là được sở hữu một chiếc xe ngầu nhất, nhanh nhất, ồn ào nhất và ngốn nhiên liệu "ác liệt" nhất thời bấy giờ. Sau khi cố gắng làm việc ngày đêm suốt nhiều năm liền, tôi đã may mắn trở thành chủ nhân của một chiếc Pontiac GTO đời 1969, và tôi đặt nó biệt danh "Người phán xử". Sở dĩ chiếc xe đó được coi là chiếc xe cơ bắp "đẳng cấp nhất" thời bấy giờ là bởi vì chỉ những người đàn ông siêu ngầu mới có thể điều khiển được nó.
Thế nhưng, những chiếc xe cơ bắp đã gần như bị "tuyệt chủng" trên thị trường hiện nay. Thế chỗ là những chiếc xe gia đình hay đơn giản là do sự phủ sóng rộng rãi của dòng xe SUV. Và vào một ngày không xa, tất cả các loại xe sẽ bị lu mờ và trở thành bàn đạp để xe điện lên ngôi. Liệu một chiếc xe chạy bằng điện có thể mang lại cảm giác lái xe khó tả và khiến người lái phải rùng mình như một chiếc xe cơ bắp không, hay chúng chỉ cho thấy một điều là chủ nhân của chúng đã từ bỏ nhịp sống sôi động và không còn để ý gì đến danh tiếng của những anh chàng siêu ngầu ngày nào nữa? Hãy cứ chờ thêm xem sao!
Thời đó, việc sở hữu một chiếc xe cơ bắp là sự thỏa mãn cái tôi ở mức độ tuyệt đỉnh; khiến cho những cậu thanh niên khác ai nhìn vào cũng phải ghen tị; thậm chí còn thu hút tụi con gái quanh quẩn trầm trồ, xuýt xoa, có khi mê chiếc xe hơn mê anh chàng chủ nhân; và không thể không nhắc đến những người lớn tuổi luôn miệng càu nhàu về đám thanh niên cầm lái bởi thế hệ của họ không đề cao những giá trị như vậy.
Riêng bố mẹ tôi thì chỉ ngay ngáy lo sợ rằng tôi có thể kết liễu cuộc đời của không chỉ chính tôi mà cả những người khác nếu gặp phải tai nạn khiến xe bốc cháy. Đó mới chỉ là một nửa của nỗi thích thú khi sở hữu một chiếc xe cơ bắp, một nửa còn lại là cảm giác đùa giỡn với tử thần tại một góc cua nào đó. Với tư duy của một cậu thanh niên mới lớn còn vô lo vô nghĩ thì gói bảo hiểm với giá trị lên đến cả triệu đô thừa sức lo hậu quả.
Ngày nào tôi cũng chỉ ngóng đến lúc được lái chiếc xe ra ngoài đường. Mục tiêu luôn luôn là để "làm màu". Còn gì có thể vui hơn khi dừng đèn đỏ bên cạnh một chiếc xe tải nhỏ, loại xe dành cho gia đình, với bộ dàn loa stereo được tùy chỉnh âm thanh lên cực đại. [Chắc sau khi nghe tiếng ồn phát ra từ dàn loa này thì hai màng nhĩ sẽ không thể nghe được bất kì tiếng động nào nữa, hay nói ngắn gọn là bị điếc.]
Nếu dàn loa đó là chưa đủ, thì có ngay trợ thủ là âm thanh "du dương" của động cơ, thứ tiếng ồn mà bạn có thể nghe thấy rõ mồn một dù cho có đang cách xa nhiều cây số - chắc chắn sẽ khiến bạn cực kì khó chịu. Khi đèn giao thông chuyển xanh, tôi phóng đi với tốc độ 200 dặm, hay khoảng 321km/h, bào mòn gần như toàn bộ phần cao su của lốp xe, kèm theo đó là một làn khói không mấy dễ chịu từ ống xả. Buồn thay, sự phấn khích không trụ được quá lâu khi xe chạm vạch đèn đỏ tiếp theo. Để rồi nghi thức xuất phát lại được lặp lại như chặng trước.
Tôi nhớ rằng dù cho đó là chiếc xe "đập hộp", tôi vẫn lôi nó ra "độ". Tôi đã thay đổi gần như hoàn toàn động cơ của chiếc xe với những bộ phận được mạ chrome dù cho không ai có thể thấy được vì động cơ được đặt dưới nắp ca-pô.
Tôi nhớ những đêm ngủ trong chiếc xe và tận hưởng từng giây phút được ở cùng chiếc xe.
Một đặc điểm nổi bật của dòng xe cơ bắp nói chung chính là ngốn xăng hơn uống nước – gần 4 lít xăng cho chưa quá 2 cây số. Vì vậy, mỗi lần đi mua thực phẩm ở siêu thị, tôi luôn phải đổ xăng từ 4 đến 5 lần cho 1 chiều đi. Và điều tuyệt vời của việc đổ xăng chính là được hít căng lồng ngực thứ mùi vô cùng độc hại ở các trạm bơm xăng. Dù biết rằng việc đó có thể sẽ khiến tôi mất mạng trong tương lai, nhưng tuổi trẻ ngông cuồng đã khiến tôi thấy thứ mùi đó dễ thương chẳng khác gì mùi thơm của một loại nước hoa.
Ôi những kỉ niệm đáng nhớ!
Mẫu xe Pontiac GTO 1969 mà tác giả đặt biệt danh là "Người phán xử". Ảnh: Mecum
Trong thời đại mà nhà nhà đều sở hữu ô tô riêng, xe điện ngày càng trở nên phổ biến và được ưa chuộng với tần suất ra mẫu xe mới liên tục, những trạm sạc pin xe điện xuất hiện nay càng nhiều hơn, giá cả cũng không còn quá đắt đỏ, và những chiếc xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch bắt đầu bị cấm lưu thông.
Lần đầu tiên tôi chạm mặt với một chiếc xe điện là ở bãi đỗ xe của siêu thị khi tôi đang chuẩn bị đeo khẩu trang lên để sẵn sàng cho việc giành giật đồ dùng thiết yếu thời Covid 4.0 năm 2021. Lúc đó, tôi đang chuẩn bị bước xuống khỏi chiếc Honda Civic, lòng thầm mong đừng có ai để ý đến nó, và khi quay mặt ra cửa kính, đập vào mắt tôi là chiếc Tesla Model S. Nó lừ lừ dừng lại và đỗ ngay cạnh xe tôi mà không hề gây ra bất kì tiếng động nào. Chủ nhân của chiếc xe liếc nhìn tôi bằng ánh mắt khinh khỉnh và quay lưng bước đi. Tôi lập tức nhận ra ngay một điều: người cầm lái thì vẫn nguyên dáng vẻ khó chịu y như những anh chàng ngồi trên xe cơ bắp ngày xa xưa, còn chiếc xe thì quả thật là mãn nhãn.
Tôi quyết định tìm hiểu kỹ hơn về chiếc xe này. Giá bán của Model S rơi vào khoảng 81,000 đô la Mỹ với bản bình thường, và có thể lên đến 157,000 đô la với bản tùy chỉnh, khiến dòng xe này càng trở nên hấp dẫn đối với tầng lớp thượng lưu và cả những thanh thiếu niên vẫn còn ăn bám tiền của bố mẹ. Chiếc xe được trang bị 3 động cơ điện với công suất 1020 mã lực, cho phép kim đồng hồ nhảy từ 0 đến 60 dặm/ giờ chỉ trong vòng 2 giây ngắn ngủi.
Thử làm phép so sánh chiếc xe điện Model S với chiếc cơ bắp GTO của tôi – giá con xe GTO lúc đó vào khoảng 28,000 đô la tính bằng giá trị tiền bây giờ, công suất động cơ là 366 mã lực, và vận tốc xuất phát 60 dặm/giờ trong 6.2 giây – thế mới thấy chiếc Model S của Tesla quả là một con "quái vật"!
Vậy liệu chiếc Model S có thu hút mọi ánh nhìn trên đường như chiếc GTO của những năm 1960 hay không? Câu trả lời là chắc chắn rồi, nhất là khi giá bán của chiếc xe vẫn còn được dán nguyên trên kính chắn gió: tuy trông hơi lem nhem nhưng lại cực kì hiệu quả. Chiếc Model S còn có cửa xe được thiết kế để mở lên trên như cánh chim chứ không chỉ mở bên hông. Các cánh cửa cũng được trang bị hệ thống cảm biến bằng radar để tránh trường hợp va phải các phương tiện khác.
Chiếc Model S mà tôi đã gặp khoác trên mình một màu đen bóng với cửa kính mờ. Lớp sơn màu đen có giá khoảng 1,500 đô la và không hề có một chi tiết nào mạ crôm. Trông chiếc xe như một sản phẩm của tương lai bước ra từ chuỗi phim giả tưởng "Chiến tranh giữa các vì sao". Bảng đồng hồ của xe là màn hình cảm ứng, kèm theo một cái màn hình máy tính và tay cầm chơi game. Vô lăng của chiếc xe có thiết kế như của xe công thức 1. Xe còn được tích hợp 22 chiếc loa gắn xung quanh, kèm theo dàn âm thanh công suất 960 watt. Ngoài ra, xe được lập trình hoàn toàn, nên khả năng bị kẻ trộm xâm nhập hệ thống và lái đi mất mà không gây ra một tiếng động nào là có thể xảy ra.
Chiếc Model S thậm chí có thể chuẩn bị đầy đủ 3 bữa sáng, trưa, tối cho chủ nhân của mình; hay cung cấp dịch vụ massage toàn thân; và thậm chí cả lăn bánh dưới nước như tàu ngầm.
Tiêu thụ năng lượng của chiếc Model S là hơn 400 dặm cho 1 lần sạc pin - tương dương với chiếc GTO khi đổ đầy bình xăng. Điều bất tiện duy nhất của việc sở hữu một chiếc xe điện là chưa có sẵn nhiều trạm sạc pin. Nhưng Tesla rất hiểu tâm lí người tiêu dùng khi tặng kèm khách hàng một bộ dây sạc rất dài, đề phòng trường hợp khẩn cấp.
Tôi có một ý tưởng để có thể "nâng cấp" trải nghiệm dòng xe Model S. Thực sự là chả thấy sướng khi dừng đỗ cạnh một chiếc xe khác mà không hề gây ra bất kì tiếng động nào. Dàn loa thì không vấn đề gì rồi, nhưng cái còn thiếu ở đây là âm thanh của động cơ. Vậy sao không lập trình để dàn loa đó có thể mô phỏng âm thanh "nghe tiếng là biết luôn xe gì" giống như thứ âm thanh gây điếc tai của chiếc GTO những năm 1960 khi không lắp bộ phận giảm thanh ở ống xả? Cũng chỉ là một ý tưởng thôi!
Tôi ghét phải thừa nhận điều này, nhưng quả thực chiếc Model S tỏa ra một vẻ huyền bí khiến bất kì mẫu xe cơ bắp nào của những thập kỉ trước cũng phải "tâm phục, khẩu phục". Lợi thế lớn nhất là sử dụng năng lượng "xanh" và thân thiện với môi trường. Đó cũng là lợi điểm bán hàng độc nhất của dòng xe này!
Tôi đã hạ quyết tâm phải sở hữu một chiếc Model S! Theo tính toán của tôi, nếu có thể viết được 150,000 bài báo một năm thì chỉ trong vòng 40 năm nữa, tôi sẽ có thể nghênh ngang ngồi sau tay lái của chiếc xế hộp tuyệt vời này!
Đã đến lúc gạt xe cơ bắp khỏi suy nghĩ được rồi!
Tôi không biết chắc chu kỳ tiếp theo của dòng xe điện sẽ là gì: có thể sẽ là dòng xe "lái tự động". Nếu đúng như vậy thì lại chả khác gì việc đi taxi cả. Thế nên, chắc là tôi vẫn sẽ gọi "xe ôm" đi cho lành!