Thông tin được đưa ra tại Hội thảo công bố báo cáo: "Đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp và thời gian thực hiện thủ tục hành chính qua cơ chế MCQG", sáng 22/6.
Báo cáo nhằm thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp thông qua việc xác định các vấn đề cụ thể trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu.
Đại diện cho nhóm nghiên cứu, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết báo cáo phản ánh gần 3.100 doanh nghiệp về 12 thủ tục hành chính có tần suất thực hiện nhiều nhất trên Cổng MCQG.
Những thủ tục này thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 5 bộ, ngành gồm: Bộ Công thương, Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT, Bộ KHCN và Bộ Y tế.
Theo ông Tuấn, đa số các doanh nghiệp cho biết các chức năng cơ bản trên Cổng MCQG hoạt động tốt. Cụ thể như các tính năng "tạo tài khoản và đăng nhập", "xem và in hồ sơ". Tỷ lệ đánh giá tốt lần lượt là 95% và 93%.
Khảo sát cũng cho thấy các thủ tục thuộc Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT dễ thực hiện hơn so với các thủ tục thuộc 3 bộ còn lại. Thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi C/O và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa là 2 thủ tục dễ tiến hành nhất với chỉ 15% doanh nghiệp gặp khó khăn. 26% doanh nghiệp gặp trở ngại với thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu.
Trong đó, một vài thủ tục của Bộ Y tế không thay đổi số ngày làm việc như thủ tục "cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế" vẫn ở mức 30 ngày, 10/12 thủ tục còn lại đã giảm được số thời gian xử lý giao động từ 1 – 3 ngày. Theo ông Tuấn, cơ bản việc triển khai cơ chế MCQG đã mang tại những thay đổi tích cực về thời gian cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự thay đổi này không đồng đều ở các bộ ngành.
Điều này cũng đúng ở khía cạnh chi phí. Một lần nữa thủ tục của Bộ Y tế được nhắc đến khi doanh nghiệp cho biết "cấp phép nhập khẩu trang thiết bị y tế" là thủ tục duy nhất có chi phí không giảm đi sau khi được đưa lên cổng.
Bên cạnh đó, tại lễ công bố báo cáo, ông Đậu Anh Tuấn cho biết các doanh nghiệp đang kiến nghị cần đẩy nhanh việc triển khai thanh toán điện tử, khắc phục các khó khăn của doanh nghiệp khi sử dụng chữ ký số và nâng cấp các chứng năng giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính cũng như cung cấp thêm một số tiện ích hỗ trợ doanh nghiêp trên cổng.
Các Bộ ngành cần tiếp tục triển khai thực chất việc cải cách hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục cải thiện tính minh bạch trong cung cấp thông tin tiến độ giảu quyết hồ sơ, công khai kết quả giải quyết thủ tục, thống nhất đơn giản hoá các biểu mẫu...