Bước đi này diễn ra một ngày sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson chứng kiến 2 thất bại nặng tại quốc hội trong diễn biến đe dọa khiến chính trường trong nước và tiến trình Brexit thêm hỗn loạn.
Đầu tiên, các nghị sĩ hạ viện đã bỏ phiếu thông qua dự luật có nội dung ngăn ông Johnson hiện thực hóa kịch bản một Brexit không thỏa thuận vào ngày 31-10 tới. Cụ thể, theo Reuters, nhà lãnh đạo này phải đề nghị EU dời hạn chót "chia tay" thêm 3 tháng nếu hai bên không đạt được thỏa thuận về vấn đề này vào ngày 19-10.
Trước đó, ông Johnson tuyên bố phản đối việc gia hạn này và sẵn sàng đưa Anh khỏi EU ngay cả khi không có thỏa thuận nào đạt được, nếu cần. Dự luật này nhiều khả năng được Thượng viện Anh thông qua và sau đó được Nữ hoàng Anh phê chuẩn để trở thành luật trước khi quốc hội Anh dừng hoạt động vào tuần tới.
Một người ủng hộ và một người chống Brexit biểu tình bên ngoài trụ sở quốc hội Anh ở thủ đô London hôm 5-9 Ảnh: Reuters
Sau khi trúng đòn đầu tiên, ông Johnson đã đề xuất tổ chức bầu cử sớm vào ngày 15-10 nhưng không nhận được sự ủng hộ của 2/3 nghị sĩ hạ viện. Đáng chú ý, các nghị sĩ của Công đảng đối lập đã bỏ phiếu trắng đối với đề xuất này. Các thủ lĩnh của đảng này tuyên bố họ chỉ ủng hộ bầu cử sớm nếu dự luật nói trên được ký ban hành thành luật.
Diễn biến trên không có gì quá bất ngờ, nhất là sau khi Đảng Bảo thủ cầm quyền mất thế đa số tại hạ viện do một số nghị sĩ đảng này "đào tẩu". "Đây là kỳ trăng mật ngắn ngủi nhất trong lịch sử chính trị Anh" - ông Jon Tonge, chuyên gia tại Trường ĐH Liverpool (Anh), nhận định với báo The Washington Post về những gì ông Johnson trải qua sau khi nắm quyền được 6 tuần.
Giới chức ngoại giao EU có lẽ cũng ít nhiều thất vọng khi thấy tình cảnh của ông Johnson lúc này. Họ từng hy vọng nhà lãnh đạo này thành công hơn người tiền nhiệm Theresa May trong việc tìm kiếm sự ủng hộ của quốc hội đối với một thỏa thuận Brexit. Dù vậy, các nhà thương thảo EU nói thêm họ vẫn đang chờ những đề xuất mới từ chính quyền ông Johnson về vấn đề Brexit.