Chiều 17/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về tình hình Tết, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết và công tác phòng chống dịch Covid-19.
Cơ quan, đơn vị, địa phương không tổ chức liên hoan, đi chúc Tết
Tại đây, Thủ tướng đặc biệt nêu việc chuẩn bị lượng hàng hóa cần thiết, hỗ trợ các vùng khó khăn, quan tâm an sinh xã hội cho người nghèo, vùng thiên tai, hỗ trợ gần 9.000 tấn gạo cho các vùng khó khăn để người dân không thiếu cơm lạt muối, đứt bữa. Công tác chăm sóc sức khỏe người dân cũng được tăng cường.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị, tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương trở lại làm việc bình thường, không tổ chức liên hoan, đi chúc Tết, cần tập trung xử lý công việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên, nhất là xử lý xong công việc tồn đọng do nghỉ Tết. Các bộ, cơ quan chuẩn bị tốt các cuộc họp, các hoạt động của lãnh đạo Chính phủ theo lịch công tác.
Ngoài ra, Bộ Y tế, VPCP, các địa phương trọng điểm như tỉnh Hải Dương, TP. Hà Nội, TP. HCM và các địa phương khác bám sát tình hình dịch bệnh COVID-19 và tình hình kinh tế - xã hội của đất nước để kịp thời tham mưu cho Thủ tướng, cũng như Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ về các giải pháp ứng phó hiệu quả, phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh.
Thủ tướng nói thêm, tất cả cán bộ, công chức cần phát huy tinh thần trách nhiệm, tận tụy, gương mẫu, đặc biệt không đi lễ hội trong giờ hành chính. Các cơ quan truyền thông tuyên truyền động viên người dân, doanh nghiệp ra quân đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu nhưng chú ý phòng chống dịch.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc vận động người dân cài đặt phần mềm Bluezone, thực hiện Thông điệp 5K của ngành y tế, bảo đảm an toàn, không để lây nhiễm dịch bệnh ở các khu vực như trường học, khu chợ, siêu thị, bệnh viện... Các cơ sở kinh doanh, nhất là cơ sở có đông người, đều phải có phương án cụ thể phòng chống dịch bệnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về tình hình Tết, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết và công tác phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: VGP.
5 cân đối lớn cần tập trung xử lý
Liên quan đến những thành tựu trong 5 năm qua, đặc biệt là năm 2020, theo Thủ tướng, cần có đầy đủ quyết tâm, tinh thần hành động và ý chí lớn mạnh hơn bao giờ hết, ngay từ quý I này, phải quyết tâm tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII ở bộ, ở địa phương.
"Chúng ta phải tập trung chỉ đạo, xử lý 5 cân đối lớn trong phát triển đất nước, nhất là trong 6 tháng đầu năm 2021 và cả năm 2021, không chỉ thế mà còn dài hơi trong kế hoạch 5 năm", Thủ tướng nói.
Thứ nhất, đó là cân đối giữa việc mở cửa, đổi mới, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội với việc củng cố nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, nói cách khác là cân đối giữa đổi mới, ổn định và phát triển, giữa tuân theo các quy luật thị trường và đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa, giữa nhà nước, thị trường và xã hội, giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, giữa tiến bộ xã hội với bảo vệ môi trường, giữa tính độc lập và hội nhập.
Thứ hai là cân đối giữa phát triển kinh tế nhanh với việc bảo đảm tiến bộ công bằng xã hội, trong đó có vấn đề gìn giữ môi trường, bảo vệ bản sắc văn hóa của dân tộc, "ví dụ như trong phòng dịch phải gắn với đời sống và giải phóng hàng hóa".
Thủ tướng lý giải: "Ý nói là phải phát triển cân bằng, hài hòa, bao trùm không ai bỏ lại phía sau, không để địa phương nào bị tụt lại, đánh mất cơ hội phát triển, nhất là địa phương có điều kiện phát triển".
Thứ ba, cân đối giữa nội lực và ngoại lực, giữa kinh tế trong nước với kinh tế nước ngoài, giữa nội thương với ngoại thương, giữa xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ với mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế khu vực cũng như toàn cầu.
Ví dụ về điều này, Thủ tướng đề cập đến vấn đề mua vaccine ở nước ngoài, đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất trong nước, xây dựng nền kinh tế tự cường, hội nhập sâu rộng, giữa thu hút FDI mạnh mẽ với phát triển kinh tế tư nhân.
Thứ tư là cân đối giữa ưu tiên ngắn hạn với những mục tiêu dài hạn. Thủ tướng lưu ý: "Chúng ta không được chủ quan, tránh chạy theo mục tiêu ngắn hạn thiếu tính bền vững, bỏ mục tiêu dài hạn, có tính xuyên suốt".
Cuối cùng cân đối nguồn lực tài chính quốc gia, cán cân ngân sách, nợ công, cán cân thanh toán quốc tế và nhiều cân đối vĩ mô khác. Thủ tướng phát biểu: "Bây giờ chúng ta đang có một hệ thống chỉ tiêu vĩ mô tốt, nhưng phải bảo đảm ngày càng vững chắc hơn, thậm chí năm sau phải tốt hơn năm trước".
Thủ tướng cho rằng, cần thảo luận vấn đề lớn này để phát triển bền vững đất nước, "không để nóng đâu phủi đấy". Cuối cùng, Thủ tướng giao VPCP chuẩn bị một Chỉ thị của Thủ tướng về các nhiệm vụ sau Tết để các bộ, ngành, địa phương triển khai tốt hơn ngay từ ngày đầu, tháng đầu, không để tình trạng "tháng Giêng là tháng ăn chơi" mà tháng Giêng là tháng làm việc cật lực để bắt tay ngay vào nhiệm vụ năm 2021.