Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là tuyến cuối cùng được hoàn thành của tuyến đường cao tốc xuyên tỉnh Quảng Ninh dài 176 km; chiếm 16,8% tổng chiều dài đường cao tốc hiện có của cả nước. Tổng vốn đầu tư 44.000 tỉ đồng do vốn của tỉnh và các nhà đầu tư tư nhân trong nước bỏ ra (trong đó vốn đầu tư của tỉnh là 15.607 tỉ đồng chiếm 35,5%, vốn các doanh nghiệp tư nhân là 28.229 tỉ đồng chiếm 64,5%).
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự Lễ khánh thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái
Quá trình lập dự án, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thi công tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc do thể chế, cơ chế, chính sách chưa được hoàn thiện; các cơ quan chức năng còn có ý kiến khác nhau; đường quốc lộ nhưng do địa phương, doanh nghiệp thực hiện...
Bên cạnh đó, các vấn đề kỹ thuật; việc triển khai đoạn cuối của tuyến cao tốc trong điều kiện có dịch Covid-19, vấn đề giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn...
Tuy nhiên, tất cả những khó khăn đó đã được tỉnh Quảng Ninh đề xuất và Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các nhà tư vấn, nhà đầu tư, nhà thầu, Hội đồng thẩm định nhà nước cùng nhau chung tay tháo gỡ, vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật... để đến hôm nay tuyến cao tốc này được khánh thành và thông xe toàn tuyến.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khánh thành
Theo Thủ tướng, tuyến đường cao tốc kết nối vùng rộng lớn, đưa Quảng Ninh ngày càng trở thành điểm trung chuyển chiến lược trong khu vực Đông Á - Đông Nam Á, ASEAN - Trung Quốc, Khu vực hợp tác "hai hành lang một vành đai kinh tế" Việt - Trung, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy liên kết vùng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng.
Thủ tướng nhấn mạnh việc hoàn thành tuyến đường cao tốc cuối cùng để kết nối vùng là thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển hạ tầng giao thông nhất là xây dựng hệ thống đường cao tốc; góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về giao thông.
Tuyến đường có vai trò, ý nghĩa tạo động lực, không gian phát triển mới cho vùng trung du miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, trong đó có tỉnh Quảng Ninh; thực hiện thành công mô hình hợp tác công tư về đầu tư phát triển hạ tầng ở một địa phương; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ, du lịch, phát triển khu công nghiệp, khu đô thị nơi có đường cao tốc đi qua, nâng cao đời sống cho người dân; phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và các tỉnh, thành phố có tuyến cao tốc đi qua, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh, phát triển nhanh, phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, góp phần nâng cao năng lực, quản lý, điều hành của các cán bộ, nhân viên liên quan đến công trình, dự án đường bộ cao tốc và của UBND tỉnh Quảng Ninh; góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của Nhân dân nơi có đường cao tốc đi qua; góp phần xây dựng khu vực phòng thủ về quốc phòng, an ninh; phòng tuyến hợp tác kinh tế quốc tế ở khu vực biên giới. Cũng thông qua dự án, các doanh nghiệp đầu tư, thiết kế, giám sát, nhà thầu, có thêm nhiều kinh nghiệm khi tham gia xây dựng đường cao tốc.
Theo Thủ tướng Chính phủ, từ kết quả và ý nghĩa nêu trên cho thấy nhiều bài học. Theo đó, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. Trung ương, Chính phủ, các Bộ, ngành tin tưởng và giao cho địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện việc xây dựng đường cao tốc và thiết kế công cụ để kiểm tra giám sát, kiểm soát quyền lực. Địa phương phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, lợi ích của vùng, của đất nước; đồng thời cũng phải tranh thủ được sự giúp đỡ của Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương.
Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác công tư để phát triển hạ tầng giao thông là rất cần thiết trong điều kiện nguồn lực nhà nước còn hạn chế. Các nhà đầu tư phải tuân thủ pháp luật, có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, kiên trì, kiên quyết thực hiện nhất là khi gặp khó khăn, phức tạp liên quan đến giải phóng mặt bằng, cơ chế chính sách...
"Các địa phương phải phát huy tự lực tự cường, từ bàn tay khối óc chân trời cửa biển, không trông chờ ỷ lại. Lúc nào cũng đi xin đi cho thì không làm được. Đầu tư công phân bổ hết rồi, nếu trông chờ vào nhà nước thì không có, phải lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, muốn thế thì phải dám nghĩ dám làm. Nhiều địa phương đang được Trung ương giao làm cao tốc Bắc - Nam, sân bay. Hôm nay đến Quảng Ninh thấy “tiền tươi thóc thật”, làm được thật, có thêm kinh nghiệm và sự tự tin khi được Trung ương tin tưởng”- Thủ tướng nói.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Quảng Ninh tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ thủ tục để quản lý tuyến cao tốc 176 km theo quy định của pháp luật; các bộ, ngành phối hợp với địa phương rà soát lại các quy định, thủ tục, khẩn trương hoàn thiện theo quy định của pháp luật; các địa phương phối hợp với nhau để khai thác kết nối tuyến đường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ phát triển xanh, nhanh và bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố khánh thành; cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện nghi thức khánh thành tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cắt băng khánh thành tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn cho biết quá trình triển khai thi công dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái gặp rất nhiều khó khăn do khối lượng thi công lớn trong điều kiện địa chất, thủy văn hết sức phức tạp, địa hình thi công liên tục thay đổi, khối lượng của dự án rất lớn, gần 15 triệu m3 đất đá, xây dựng 35 cầu trên tuyến chính với tổng chiều dài 7,9 km, 4 nút giao, 3 cầu vượt nút giao (trong đó Cầu Vân Tiên là cầu vượt biển, có chiều dài lớn nhất trên địa bàn tỉnh với 1.515 m, lập kỷ lục mới về tiến độ thi công với 11 tháng), 17 cầu vượt, 47 hầm chui dân sinh, 291 cống các loại…
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn phát biểu
Các nhà thầu đã phải huy động trên 1.000 máy móc, thiết bị, gần 3.000 kỹ sư tham gia thi công. Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều đơn vị thi công ở lại trên công trường liên tục xuyên qua 2 dịp Tết nguyên đán cổ truyền Canh Tý và Nhâm Dần… Sau 25 tháng thi công, đến nay Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã hoàn thành và khánh thành đưa vào sử dụng.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường nhấn mạnh với chất lượng, quy mô và hiện đại bậc nhất hiện nay, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sau khi kết nối đồng bộ với cao tốc Vân Đồn - Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai là tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam gần 600 km, và cũng là tuyến cao tốc duy nhất ở Việt Nam kết nối 3 sân bay (Nội Bài - Cát Bi - Vân Đồn), 3 khu kinh tế với 2 cửa khẩu Quốc tế.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường phát biểu
Đây không chỉ là mảnh ghép cuối cùng hoàn thiện trục cao tốc xuyên tỉnh, đưa Quảng Ninh thành địa phương có số km đường cao tốc nhiều nhất cả nước mà còn nối dài khát vọng đưa vùng di sản trở thành một trong những trung tâm phát triển kinh tế năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được thiết kế đường dài 79,38 km, rộng 25,25 m, 4 làn xe, vận tốc tối đa 120 km/giờ, có 35 cầu trên toàn tuyến. Đây là tuyến đường hoàn toàn mới, đi qua các địa phương Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái.
Tổng mức đầu tư ban đầu 12.771,765 tỉ đồng. Trong đó tuyến Vân Đồn - Tiên Yên dài 16 km đầu tư bằng vốn ngân sách tỉnh Quảng Ninh. Tuyến Tiên Yên - Móng Cái được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư dài gần 64 km.
Sau khi đưa vào hoạt động, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ kết nối đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể với cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, tạo thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam (gần 600 km). Và Quảng Ninh là tỉnh có số km cao tốc lớn nhất cả nước (176/1.046 km), đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển liên vùng.
Một số hình ảnh: