Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, xử lý thông đến phản ánh của cơ quan báo chí về việc "Chậm làm sổ đỏ cho cư dân phạt 1 tỷ đồng: Còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe?"
Theo phản ánh, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng quy định của Nghị định 91 xử lý khá nghiêm khắc các vi phạm để góp phần lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, mức phạt tiền tối đa chỉ đến 1 tỷ đồng với dự án bất động sản chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn việc chậm làm thủ tục cấp sổ đỏ cho khách hàng...
“Thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã chuyển thông tin đến Bộ Tài nguyên và Môi trường xét xét, xử lý trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước”, văn bản nêu rõ.
Như Tiền Phong thông tin, trong văn bản mới nhất gửi UBND TP.HCM và các cơ quan liên quan về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo Nghị định số 91/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 5/1/2020, HoREA cho rằng mức phạt trên vẫn còn "nhẹ".
Theo Nghị định 91, hành vi phân lô, bán nền chưa đủ điều kiện; lấn, chiếm đất hay việc chậm làm thủ tục cấp “sổ đỏ” cho khách hàng sẽ bị phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng…
Bên cạnh các hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung, còn quy định 17 biện pháp khắc phục hậu quả, như: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu trước khi vi phạm; buộc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai; hoàn thành việc đầu tư xây dựng; buộc thực hiện đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản...
HoREA cho rằng, mức phạt tiền tối đa chỉ đến 1 tỷ đồng, chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn các hành vi chuyển nhượng đất nền trái phép hoặc chậm làm thủ tục để cấp “sổ đỏ” cho khách hàng và cần các biện pháp mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh đó, HoREA cũng cho rằng quy định xử phạt hành chính đối với hành vi chiếm đất tại Khoản (2.d) Điều 3 và Điều 14 Nghị định 91 có các bất cập.
Ví dụ, như việc giải thích hành vi "chiếm đất" của Nghị định (Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật) là chưa phù hợp với quy định tại khoản (1.b) Điều 169 và khoản 2 Điều 191 Luật Đất đai 2013.
Luật Đất đai 2013 cho phép tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trong trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.