Thủ tướng đề nghị Apple hỗ trợ hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực, nhất là trong chương trình đào tạo 100.000 kỹ sư chất lượng cao, trong đó có 50.000 kỹ sư chất lượng cao trong ngành bán dẫn…
Từ năm 2019, Apple là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam (trên 16 tỷ USD), thông qua nhiều hình thức khác nhau.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Apple chú trọng đầu tư phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, xác định Việt Nam là một cứ điểm của Apple trên toàn cầu; tiếp tục có tiếng nói thúc đẩy các nhà cung ứng nằm trong chuỗi cung ứng của Apple mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh ông Tim Cook lần đầu tiên tới Việt Nam; cảm ơn ông đã nhận lời mời thăm Việt Nam của Thủ tướng khi Thủ tướng đến thăm Apple trong chuyến công tác tại Mỹ vào tháng 5/2022; chúc mừng và đánh giá cao những thành công của Apple trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam thời gian qua.
Thủ tướng cũng cảm ơn đóng góp quan trọng của Apple và các đối tác vào sự phát triển của Việt Nam, tạo việc làm cho người dân, đưa Việt Nam tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple, có vị thế ngày càng quan trọng trong chiến lược phát triển của Apple.
Theo Thủ tướng, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang tiếp tục phát triển tốt đẹp, hai nước vừa nâng cấp lên Đối tác Chiến lược toàn diện (tháng 9/2023); tạo nền tảng cho thúc đẩy hợp tác ngày càng hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, các lĩnh vực hợp tác trọng tâm là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bán dẫn, chuyển đổi số và chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, môi trường và y tế chất lượng cao. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nhiều loại hàng hóa cho thị trường Hoa Kỳ.
Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; xây dựng kết cấu hạ tầng (về giao thông, công nghệ thông tin, hạ tầng y tế, giáo dục, xã hội…), đẩy mạnh chuyển đổi số, số hóa thủ tục và cải cách thủ tục hành chính để đáp ứng yêu cầu, hỗ trợ các nhà đầu tư.
Việt Nam đang nỗ lực làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu… trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Theo Thủ tướng, dư địa hợp tác giữa Việt Nam và Apple còn rất lớn trên nền tảng quan hệ hai nước. Việt Nam cũng có thị trường tiêu thụ nội địa lớn với dân số 100 triệu người, nhiều người dân Việt Nam rất thích và quen thuộc với các sản phẩm của Apple. Việt Nam cũng tham gia 17 FTA song phương và đa phương với khoảng 60 nền kinh tế lớn trên thế giới.
Thủ tướng ghi nhận những đề xuất của Apple để thúc đẩy tiếp cận năng lượng sạch cho các nhà sản xuất của Apple tại Việt Nam; cho biết Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch Điện VIII và ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII theo hướng phát triển mạnh năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các cơ quan đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp, phát triển điện mái nhà "tự sản tự tiêu"…
CEO Tim Cook của Apple kiến nghị một số nội dung hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực.
CEO Apple cho biết, các hoạt động của Apple đã tạo hơn 200 nghìn việc làm tại Việt Nam. Hãng cũng đã chi khoảng 400 nghìn tỷ đồng cho khoảng 150 nhà cung cấp tại Việt Nam từ năm 2019 tới nay.
"Tôi hết sức hài lòng và không thể nào vui mừng hơn về những thành tựu hợp tác mà chúng ta đã đạt được, là ví dụ của quan hệ hai bên cùng thắng, cùng có lợi; và hết sức kỳ vọng vào những việc mà chúng ta có thể cùng làm để đạt những thành tựu lớn hơn nữa trong tương lai", ông Tim Cook nói
Giám đốc điều hành cho hay Apple cam kết mua nhiều hơn các linh phụ kiện do các đối tác sản xuất tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo; tăng cường khoản chi cho nhà cung cấp tại Việt Nam; mở rộng chương trình đào tạo nghề cho người khuyết tật để thúc đẩy sự hòa nhập, mang đến cơ hội lớn hơn cho họ trong chuỗi cung ứng.