Chiều nay (24/7), trong khuôn khổ Kỳ họp thứ nhất - Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
Nếu cứ manh mún thì không làm được gì lớn
Tại phiên thảo luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, hiện chúng ta đã hoàn thiện thể chế trong vấn đề này song "ai cũng thấy có những cái còn lãng phí". Chúng ta quán triệt phải tiết kiệm nhưng chưa có kỷ luật về tiết kiệm cho chặt chẽ hơn.
Theo Thủ tướng, trong vấn đề này, cần phải có giáo dục, nâng cao nhận thức, vừa phải có thể chế, kỷ luật kỷ cương mới có thể tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu quả được.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, Nghị quyết 45 của Chính phủ hồi tháng 5 vừa qua nêu rõ tiết kiệm 10% chi tiêu thường xuyên trong những tháng còn lại của năm 2021 để chi cho phòng chống COVID-19 và những việc đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra. Do đó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính phải tính toán ngay từ khi cấp ngân sách.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (phải) trong phiên thảo luận tổ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 trong khuôn khổ kỳ họp thứ nhất - Quốc hội khóa XV
Về vấn đề chống lãng phí, Thủ tướng chia sẻ với nhiều ý kiến về việc nhiều dự án đầu tư còn kéo dài, gây lãng phí. Chính phủ cũng đang suy nghĩ về giải pháp khắc phục.
Theo Thủ tướng, với số vốn đầu tư công trung hạn 5 năm hơn 2,8 triệu tỉ đồng chưa thấm vào đâu so với nhu cầu các bộ, ngành, địa phương đưa lên vì nơi nào cũng muốn có các dự án. Điều này dẫn tới manh mún, lãng phí.
Thủ tướng dẫn chứng vào thời điểm năm 2011, khi còn làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông đã chỉ đạo Hội đồng Nhân dân tỉnh rà soát 3.650 dự án với mức đầu tư chỉ có 3.000 tỉ đồng. Tức mỗi dự án được đầu tư chưa đến 1 tỉ đồng nên rất manh mún và chia cắt, dẫn đến kéo dài, lãng phí nguồn lực.
"Vừa qua, các tỉnh có lên trao đổi với tôi. Có những con đường 400 - 500 tỉ thôi mà 13 đời bộ trưởng rồi vẫn chưa xong. Lần này nếu bố trí như thế này cũng chưa xong", Thủ tướng nói và cho biết, chính những dự án kéo dài đã gây lãng phí không nhỏ.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm tới, các bộ, ngành địa phương trình lên 11.100 dự án nhưng Chính phủ đã quyết định là rà soát cắt còn dưới 5.000 và còn cắt nữa.
"Điều này rất quan trọng lắm. Nếu cứ chia cắt, manh mún thì không làm được cái gì lớn. Cái gì cũng một tí mà như thế thì kéo dài, không tạo ra được động lực", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Giải quyết triệt để các "đại dự án" gây lãng phí
Cũng trong buổi thảo luận tổ chiều nay, các "đại dự án" gây lãng phí một lần nữa được các đại biểu Quốc hội đưa ra thảo luận.
Đại biểu Nguyễn Văn Hùng (đoàn Kon Tum) - Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho rằng, những năm gần, đặc biệt là năm 2020, nhờ hoàn thiện pháp luật đã giúp các cơ quan quản lý ngày càng có ý thức tiết kiệm tốt hơn.
Kết quả đạt được không chỉ con số trên định tính mà còn trên cả con số lượng hóa, ví dụ như 55.000 tỉ đồng tiết kiệm được trong năm 2020, đúng chỉ tiêu Quốc hội giao.
Về các giải pháp để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt hiệu quả hơn nữa, đại biểu Nguyễn Văn Hùng cho rằng, cần phải tập trung giải quyết triệt để, căn cơ các đại dự án mà pháp luật đã chỉ ra đang gây lãng phí.
"Đây là vấn đề rất nhức nhối, hàng nghìn tỉ đồng đang nằm phơi nắng, phơi sương" - đại biểu trăn trở và cho rằng, nếu chúng ta xử lý được việc này, đưa được một dự án vào hoạt động thì con số tiết kiệm được không chỉ dừng lại ở 55.000 tỉ đồng.
Trong phiên thảo luận tổ hôm 22/7, đại biểu Đôn Tuấn Phong (Đoàn An Giang) cho rằng với các đại dự án thua lỗ kéo dài thì mong rằng Chính phủ quyết liệt giải quyết, cái nào cần thêm đầu tư để khởi động được thì tập trung.
"Cái nào cần thêm đầu tư để khởi động được thì tập trung, nhưng cái nào thực sự không thể vận hành được thì đau cũng phải cắt, nếu không thua lỗ kéo dài", đại biểu Phong nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Văn Hùng (đoàn Kon Tum) - Bộ trưởng Bộ VHTTDL
Nói thêm về dư địa trong thực hành tiết kiệm, vị đại biểu đoàn Kon Tum cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục rà soát, sử dụng tốt đất đai, tài sản công thì còn phải có chế tài để sử dụng nó, nếu không sẽ dễ xảy ra tình trạng lợi dụng "kẽ hở".
Vấn đề thứ ba mà đại biểu Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh đó là, Quốc hội nên có chính sách, nghị quyết hay bộ luật để huy động được nguồn rất lớn trong nhân dân.
"Tiền nhàn rỗi, nguồn lực trong nhân dân lớn nhưng làm thể nào để huy động được thì buộc chúng ta phải nghiên cứu" - đại biểu Hùng đặt vấn đề.
Ngoài ra, đại biểu đoàn Kon Tum cũng cho rằng, cần phải kêu gọi được các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển. Muốn làm được điều này, phải có chính sách nhất quán, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước - doanh nghiệp - nhân dân.