11 quốc gia, dẫn đầu là Việt Nam và Nhật Bản, đã đạt được một thỏa thuận chung về việc theo đuổi hiệp ước thương mại ngay cả khi không có sự tham gia của Washington. Phiên bản mới có tên đầy đủ là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
"Đàm phán TPP 11 thành công là kết quả tâm huyết của Nhật Bản và Việt Nam, vì cả 2 bên đều đóng một vai trò khó khăn là đồng chủ trì", Thủ tướng chia sẻ. Thủ tướng nhấn mạnh Tokyo và Hà Nội phải tiếp tục phấn đấu để đạt được một thỏa thuận toàn diện.
Trước thoả thuận CPTPP, Thủ tướng có nhận được một bức thư của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Mối quan hệ gần gũi của 2 nhà lãnh đạo đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các cuộc hội đàm tại Hội nghị thượng đỉnh về Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vừa kết thúc tại Đà Nẵng cho dù các nước tham gia gặp phải rất nhiều xung đột.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời phỏng vấn tờ Nikkei hôm thứ 4 tại Hà Nội
Thủ tướng cũng cho biết ông là người đề xướng cuộc họp với bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Toshimitsu Motegi, nhà thương thuyết TPP của Nhật. Khi Motegi hỏi tại sao Việt Nam muốn dốc hết sức vì thỏa thuận thương mại này, Thủ tướng giải thích rằng đây là vì mối quan hệ thân thiết của mình với ông Abe.
Hai bên cũng bàn về cách thuyết phục tổng thống Mỹ Donald Trump quay trở lại với TPP. Với sự góp mặt của cường quốc này, các thành viên của hiệp định sẽ chiếm 37,5% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới, 11,3% dân số toàn cầu và 25,7% tổng số thương mại - tăng gấp đôi so với con số của CPTPP.
Tuy ông Trump dường như khó thay đổi ý định, Nhật Bản và Việt Nam vẫn có kế hoạch kêu gọi các nước khác tham gia vào nỗ lực thuyết phục nhà lãnh đạo Mỹ.
Trong hội nghị APEC, ông Trump nhấn mạnh sự cần thiết của "thương mại công bằng và đối ứng". Trong bối cảnh Việt Nam là nước có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ ở châu Á, nhà lãnh đạo này có thể sẽ đưa ra các điều khoản khắc nghiệt trong đàm phán về một hiệp định thương mại song phương giữa 2 bên.