Chiều 4/11, tại Thượng Hải, nhân dịp dự Hội chợ CIIE 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo một số bộ, ngành đã có cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc trong các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, năng lượng, tài chính ngân hàng, quỹ đầu tư, cơ sở hạ tầng, thương mại... Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường nhập khẩu sản phẩm của Việt Nam, trước hết là sản phẩm nông nghiệp, để hướng đến cân bằng thương mại giữa hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội chợ CIIE 2018 tại Thượng Hải, Trung Quốc.
Đánh giá mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đang phát triển tích cực, Thủ tướng cho rằng, đây là nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - thương mại hai bên. Trong đó, theo thống kê của Trung Quốc, quy mô kim ngạch thương mại song phương đã lên đến 120 tỷ USD. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.Hoan nghênh các nhà đầu tư Trung Quốc tham gia buổi tọa đàm, Thủ tướng cho rằng, đây là dịp tốt để Thủ tướng và các bộ, ngành Việt Nam lắng nghe ý kiến, khuyến nghị, giải đáp các vấn đề nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm, qua đó thúc đẩy các doanh nghiệp Trung Quốc hợp tác đầu tư với Việt Nam.
Thông tin đến các nhà đầu tư Trung Quốc, Thủ tướng cho biết, Việt Nam có tình hình chính trị - xã hội ổn định. Cũng như Trung Quốc, kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao liên tục nhiều năm và đó là mặt mạnh của cả hai nước. Riêng năm nay, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt khoảng 7%. Cùng với đó, Chính phủ đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và mọi loại hình doanh nghiệp đều được tạo điều kiện phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã giới thiệu về thế mạnh sản xuất nông nghiệp của Việt Nam với 20 mặt hàng nông sản xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó, nhiều sản phẩm rất được thị trường Trung Quốc yêu thích. Việt Nam đang là nước xuất khẩu nông sản lớn thứ 15 trên thế giới và đứng thứ 2 trong các nước ASEAN. Nhiều nông sản của Việt Nam giữ vị trí tốp đầu trên thế giới như lúa gạo, hồ tiêu, cà phê, điều, cá basa, tôm. Việt Nam cũng có nhiều chuỗi cung ứng trái cây như thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, bưởi, dưa hấu… thực hành theo quy trình nông nghiệp sạch, thông minh và xuất khẩu đi nhiều nước có tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt như Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… Thủ tướng nhấn mạnh, đây chính là lĩnh vực rất tiềm năng trong hợp tác của doanh nghiệp hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. |
Thủ tướng cho biết: "Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản năm nay ước đạt trên 35 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2017. Tôi xin nhấn mạnh là nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam được người Trung Quốc rất ưa chuộng. Tuy vậy những nông sản thực phẩm chưa đi sâu vào thị trường nội địa Trung Quốc, mà chủ yếu ở phía Nam Trung Quốc là các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây. Điều đó cho thấy chúng ta chưa có sự hợp tác tốt. Việt Nam là nước nhập siêu lớn của Trung Quốc, các bạn cần nhập khẩu sản phẩm của Việt Nam, trước hết là sản phẩm nông nghiệp, để hướng đến cân bằng thương mại giữa hai nước. Điều đó thực hiện theo chủ trương của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, nhiều lần nói với chúng tôi là rất muốn tiến đến cân bằng thương mại hai nước". |
Phát biểu tại buổi tọa đàm, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp của Trung Quốc, trong đó có cả những doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam, đều đánh giá cao tiềm năng đầu tư vào Việt Nam. Các nhà đầu tư Trung Quốc phát biểu đều thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới lĩnh nông nghiệp, chế biến xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc và thế giới. Ông Pu Jian, lãnh đạo Tập đoàn CITIC International Asset Management khu vực Hồng Công, cho biết.
Ông Pu Jian khẳng định: "Chúng tôi có chi nhánh ở Hồng Công đã có lịch sử 100 năm nay, chuyên làm về nhập khẩu, trong đó có nhiều mặt hàng, gạo, hoa quả và nhiều sản phẩm khác. Chúng tôi hy vọng công ty này sẽ đưa các mặt hàng của Việt Nam đi sâu vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra tập đoàn cũng chiếm cổ phần lớn của McDonald’s ở Trung Quốc và hiện McDonald’s có khoảng 3.500 cửa hàng. Nếu qua kênh này thì cũng có thể tiêu thụ hàng nông sản của Việt Nam ở khắp thị trường Trung Quốc".
Còn ông Johnson Choi, Giám đốc điều hành Tập đoàn Sunwah Group cho biết tập đoàn cũng là doanh nghiệp nhập khẩu lớn và đang phối hợp với một số tập đoàn lớn của Trung Quốc để sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực cà phê, trong đó mong muốn đưa sản phẩm cà phê của Việt Nam đến khắp thị trường Trung Quốc. Đánh giá tiềm năng đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp là rất lớn nên ngoài những lĩnh vực đang đầu tư tại Việt Nam, Tập đoàn này mong muốn đầu tư vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp xanh ở Việt Nam.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Xây dựng Trung Quốc, một trong những nhà thầu xây dựng lớn của Trung Quốc, Tập đoàn đang hợp tác với Tập đoàn Sunwa đầu tư xây dựng một tòa nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, từ nhà thầu, Tập đoàn đã trở thành đối tác đầu tư tại Việt Nam và mong muốn đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng tại Việt Nam như các khu công nghiệp, cảng biển thông qua các hình thức hợp tác như BOT, EPC…
Hoan nghênh Tập đoàn Xây dựng Trung Quốc chuyển từ vai trò nhà thầu thành một nhà đầu tư tại Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh, trung bình mỗi năm Việt Nam cần 25 tỷ USD cho phát triển cơ sở hạ tầng và cần tới 138 tỷ USD vốn cho đầu tư nguồn và lưới điện vào năm 2030. Theo đó, vốn sẽ được huy động từ nhiều nguồn, trong đó có khu vực tư nhân trong và ngoài nước. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư Trung Quốc.
Đại diện Ngân hàng ICBC khu vực châu Á cho biết đã có văn phòng đại diện ở Việt Nam để hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, và bày tỏ đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã có nhiều giải pháp để tạo môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn. Điều đó cũng góp phần giúp các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn. Đại diện ngân hàng này tin tưởng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam sẽ đạt hiệu quả tích cực hơn nữa và mong muốn thúc đẩy hợp tác với các ngân hàng của Việt Nam tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư.
Hoan nghênh các nhà đầu tư Trung Quốc muốn đầu tư vào Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ đang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các nhà đầu tư đầu tư tại Việt Nam, trong đó có các nhà đầu tư Trung Quốc. Thủ tướng nêu rõ, tiềm năng hợp tác của hai nước còn rất lớn, cả về thương mại, đầu tư và du lịch. Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam bằng những công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo vệ môi trường./.