Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân lần đầu tiên được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo tổ chức. Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt là đơn vị được giao trực tiếp tổ chức thực hiện. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chủ trì buổi đối thoại quan trọng này. |
Tới tham dự hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam (9.4) hôm nay, còn có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước:
+ Bà Trương Thị Mai- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương;
+ Ông Vũ Đức Đam- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ;
+ Ông Mai Tiến Dũng- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;
+ Ông Nguyễn Xuân Cường- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
+ Ông Trần Tuấn Anh- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương;
+ Ông Nguyễn Chí Dũng- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư;
+ Ông Đào Ngọc Dung- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội;
+ Ông Nguyễn Mạnh Hiển - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương;
+ Bà Nguyễn Thanh Hải- Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội;
+ Ông Nguyễn Đức Hải- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.
Tham dự hội nghị hôm nay, còn có 600 đại biểu, gồm: đại diện lãnh đạo các Ban của Đảng, Quốc hội, lãnh đạo các Bộ; ngành Trung ương và địa phương; lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh Hải Dương; lãnh đạo các Ban, đơn vị của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam; lãnh đạo 63 Hội Nông dân các tỉnh, thành; các chuyên gia, nhà khoa học; các doanh nghiệp đang đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; các cơ quan thông tấn báo chí T.Ư và địa phương.
Đặc biệt, hội nghị có sự hiện diện của 300 nông dân đến từ mọi miền Tổ quốc đã về dự buổi đối thoại giữa Thủ tướng với nông dân ngày hôm nay.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến tham dự cuộc đối thoại từ rất sớm.
Theo Ban Tổ chức, lần đầu tiên, sau rất nhiều năm, có cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân. Điều đó cho thấy Chính phủ hiện tại rất quan tâm tới nông dân.
Tại cuộc đối thoại này, nông dân khắp cả nước được trực tiếp nêu lên những vấn đề bức xúc trong cuộc sống, chính sách của Nhà nước liên quan tới người nông dân như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm nông nghiệp, sản xuất và kinh doanh nông nghiệp… Từ đó, Thủ tướng Chính phủ đưa ra nhưng giải pháp để tháo gỡ những khó khăn để nông dân yên tâm sản xuất và kinh doanh nông nghiệp, phát triển nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng đổi mới, hội nhập sâu rộng với thế giới theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị trung ương 4 khoá XII.
Toàn cảnh buổi hội nghị "Lần đầu tiên, Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam".
Tại hội nghị đối thoại, Thủ tướng có thể sẽ giải quyết trực tiếp một số vấn đề bức thiết ngay của người nông dân. Còn những vấn đề khác, sẽ chỉ đạo các bộ ngành nhanh chóng giải quyết những vướng mắc cho nông dân, doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Qua hội nghị đối thoại này, người đứng đầu Chính phủ cũng sẽ khẳng định những thành tựu giai cấp nông dân, của 30 năm đổi mới nông nghiệp và giải quyết những vướng mắc trong cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Xin mời Quý vị trực tiếp theo dõi buổi đối thoại giữa Thủ tướng với nông dân Việt Nam trên Báo điện tử Dân Việt.
Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Thào Xuân Sùng phát biểu khai mạc.
Phát biểu mở đầu buổi đối thoại, đồng chí Thào Xuân Sùng- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết:
Nông dân Việt Nam với truyền thống yêu nước và cách mạng, đã có những đóng góp to lớn trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Với 70% dân số và khoảng 50% lực lượng lao động xã hội trực tiếp sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp; kinh tế nông nghiệp có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Với sự quan tâm đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nghiên cứu ban hành nhiều chính sách nhằm đầu tư, hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nhất là Bộ NN&PTNT, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... đã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các cơ quan của Quốc hội trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho đồng bào, nông dân để phát triển nông nghiệp, nông thôn ngày càng có hiệu quả. Đến nay, nông nghiệp nước ta đã đạt được mức tăng trưởng nhanh và ổn định, đóng góp khoảng 20% GDP cho nền kinh tế và 23-35% giá trị xuất khẩu.
Nông thôn có những chuyển biến căn bản, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội. Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả và trở thành phong trào sâu, rộng trong cả nước, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo bền vững, đời sống nông dân ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu này, nông nghiệp, nông dân, nông thôn của nước ta đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn, cần được Đảng và Nhà nước nghiên cứu, xem xét, giải quyết.
Để phát huy đầy đủ vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thiết nghĩ cần giải quyết một cách căn cơ một số vấn đề như sau:
Một là, rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế -xã hội đối với sáu vùng chiến lược của đất nước.
Hai là, tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn một cách cụ thể chương trình xây dựng nông thôn mới và tích tụ ruộng đất.
Ba là, xây dựng 3 trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của quốc gia tại ba miền của đất nước ta.
Bốn là, triển khai đề án chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ.
Năm là, tiếp tục tăng cường nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho Quỹ hỗ trợ nông dân và đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn. Sáu là, mặc dù đã có nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng (Ngân hàng Chính sách Xã hội, Agribank) đồng hành và hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho nông dân, nhưng đa phần nông dân đều gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, nhất là nguồn vốn lớn và đầu tư dài hạn.
Trên tinh thần đó, tại hội nghị này đại biểu là hội viên Hội Nông dân và nông dân sẽ nêu các vấn đề được đông đảo bà con quan tâm và đồng chí Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành sẽ đối thoại với các vị đại biểu để cùng tìm tòi suy ngẫm, thống nhất tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức.
Xem toàn văn bài phát biểu của ông Thào Xuân Sùng tại đây
CLIP: Đối thoại với Thủ tướng - cơ hội và kỳ vọng của nông dân
Chủ trì buổi đối thoại hôm nay, gồm có:
1. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
2. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam
3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường
4. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh
5. Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng
6. Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển
7. Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt Lưu Quang Định.
Khoảng 600 đại biểu dự buổi Thủ tướng đối thoại với nông dân.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi đối thoại:
Điều quan trọng nhất của cuộc gặp hôm nay là tháo gỡ trực tiếp những vấn đề khó khăn cho nông dân. Có nhiều câu hỏi cần đặt ra: Tại sao nông dân chưa giàu lên? Tại sao có đến 70% người dân sống ở nông thôn, chiếm trên 43% lao động nhưng chỉ đóng góp cho GDP 18%? nguyên nhân là do năng suất lao động thấp?...
Có nhiều vấn đề đặt ra: Thị trường, vốn và đất đai, công nghệ, đầu vào cho nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bao gồm cả hạ tầng đời sống vật chất tinh thần của người dân, làm sao những truyền thống văn hóa tốt đẹp cần phát huy.
Hôm nay, các thành viên Chính phủ sẽ trực tiếp sẵn sàng trả lời những câu hỏi của nông dân; đồng thời đưa ra tạo ra những thể chế, chính sách mới. Có những điều chưa thể giải quyết ngay nhưng định hướng chính sách là rất quan trọng.
Cũng phải nói thêm rằng, tôi đã đến Hải Dương từ hôm qua, đến thăm 4 công ty cổ phần, họ làm ăn rất tốt, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức lương 7- 8 triệu đồng/người/tháng, những mô hình như thế này rất quan trọng, tạo động lực cho nông thôn phát triển. Trong những mô hình này, con người là yếu tố quan trọng nhất.
Chúng ta đang có thành quả nông nghiệp tốt nhưng như thế chưa đủ, chúng ta còn nhiều tiềm năng để phát triển, phải tìm cách tháo gỡ mọi khó khăn để phát triển nông nghiệp nông thôn, nâng cao đời sống người dân.
Ông Lưu Quang Định- TBT Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt, Phó Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị:
Ngày này tháng trước, tức ngày 9/3 vừa qua, Việt Nam cùng 10 nước đã đặt bút ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiệp định CPTPP được đánh giá là cơ hội lớn cho nông nghiệp Việt Nam.Nhưng những thách thức của người nông dân, của nền nông nghiệp VN vẫn còn rất nhiều.
Hôm nay, bà con nông dân cả nước rất phấn khởi khi lần đầu tiên sau rất nhiều năm, được đối thoại với người đứng đầu Chính phủ.Lời đầu tiên, xin được cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ đã dành thời gian quý báu của mình để đối thoại với nông dân.
Thưa Thủ tướng !
Ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Trung ương Hội nông dân Việt Nam tổ chức cuộc đối thoại với nông dân cả nước để nắm bắt được tâm tư, tình cảm, những vướng mắc khó khăn của người nông dân, Trung ương hội nông dân đã giao cho Báo Nông thôn Ngày nay/ Báo Điện tử Dân Việt triển khai tập hợp các ý kiến của nông dân cả nước. Sau hai tuần triển khai, Ban tổ chức đã nhận được hơn 1.000 câu hỏi.
Ban tổ chức đã chọn lọc những câu hỏi nhiều người quan tâm nhất, gom lại thành 4 nhóm vấn đề lớn: Nhóm vấn đề thứ nhất là thị trường và đầu ra cho nông sản; Nhóm vấn đề thứ hai liên quan đến vốn và đất đai; Nhóm vấn đề thứ ba liên quan đến Công nghệ cho nông nghiệp và Quản lý vật tư nông nghiệp; Và thứ tư là các câu hỏi liên quan đến các vấn đề khác (như môi trường nông thôn, lao động nông thôn, bảo hiểm nông nghiệp, chính sách đối với miền núi – dân tộc và nông thôn mới…).
TBT Báo Nông thôn Ngày nay Lưu Quang Định:
Kính thưa Thủ tướng, đầu tháng 3 vừa qua những người nông dân của ta đã phải ngậm đắng nuối cay khi hàng loạt hàng nông sản rớt giá, như mướp đắng, dưa chuột, đậu cô-ve giá chỉ 2.000-3.000 đồng/kg, hành tím 5.000 đồng/kg, thậm chí cả hoa ly cũng chỉ 2.000 đồng/cành...
Đơn cử như tại huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Hưng Nguyên,... (Nghệ An), nông dân bỏ mặc ruộng rau không thèm thu hoạch. Bởi, su hào rớt giá thê thảm chỉ còn 1.000 đồng/củ, hành hoa 3.000-4.000 đồng/kg, cải bắp hay rau cải các loại 1.000 đồng/kg,...Giá rau rẻ hơn cả cốc trà đá nên mỗi sào rau, người dân chịu lỗ từ 1-2 triệu đồng.
Hay như xã Đại An (Đại Lộc, Quảng Nam), nông dân lao đao khi từ sau Tết đến giờ, dưa chuột giá chỉ còn 500-1.000 đồng/kg, đậu cô-ve, mướp đắng giá chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg.
Rồi Vĩnh Châu (Sóc Trăng), người nông dân đang phải bán giá hành tím ở mức 5.000đ/kg. Tình trạng này đã kéo dài suốt 2 tháng nay…
Phiên đối thoại đầu tiên là về vấn đề có thể nói đang được quan tâm nhất của nông dân - đó là đầu ra cho nông sản. Bán hàng ở đâu, bán như thế nào, làm thế nào để không bị được mùa mất giá, làm thế nào để bán hàng với giá cao nhất, Nhà nước có thể hỗ trợ gì cho việc tìm kiếm đầu ra cho nông sản của nông dân… Đây là chủ đề mà Ban Tổ chức chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi nhất, cũng là chủ đề của phiên đối thoại đầu tiên có chủ đề “Đối thoại về thị trường và đầu ra cho nông sản”.
Lần đầu tiên Thủ tướng đối thoại với nông dân.
Mở đầu, xin mời nông dân Tăng Xuân Trường.
Xin giới thiệu với quý đại biểu, nông dân Tăng Xuân Trường ở thôn Phúc Tân, xã Gia Tân, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Anh Trường vừa vinh dự được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm sáng nay trước khi trở về đây đối thoại với nông dân cả nước.
Anh Trường là một trong những nông dân đầu tiên của khu vực phía Bắc xây dựng vùng trồng rau, củ, quả an toàn với tổng diện tích hàng trăm ha, tiêu thụ khắp các tỉnh, thành phố và trực tiếp đàm phán xuất khẩu rau, củ, quả đi Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Nhà xưởng của anh rộng gần 3ha với đầy đủ hệ thống máy móc, dây chuyền sơ chế, bảo quản rau, củ, quả hiện đại. Doanh thu mỗi năm cả trăm tỷ đồng. Xin mời nông dân Tăng Xuân Trường đặt câu hỏi:
I - Phiên đối thoại về thị trường và đầu ra cho nông sản:
Nông dân Tăng Xuân Trường, thôn Phúc Tân, xã Gia Tân, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương:
Trước tiên, cho tôi được thay mặt những người nông dân có mặt tại đây và hàng chục triệu nông dân cả nước bày tỏ niềm vui mừng và lời cảm ơn đến Thủ tướng Chính phủ đã dành thời gian để trực tiếp lắng nghe ý kiến của những người nông dân chúng tôi.
Thưa Thủ tướng!
Qua theo dõi thông tin trên báo chí những ngày này, Thủ tướng và các vị Bộ trưởng chắc cũng đã nắm được tình trạng dư thừa, ế nông sản xảy ra ở nơi này, nơi kia. Có nơi, người nông dân phải nhổ bỏ củ cải, su hào hay thậm chí đốt bỏ cả mía vì giá quá rẻ mạt.Hay gần đây, ngay tại thủ phủ sản xuất nông sản Đà Lạt, các mặt hàng nông sản như khoai tây, hành tây cũng đang xuống giá. Đó là một thực tế rất đáng buồn đối với ngành nông nghiệp nước ta.
Tôi vừa là người sản xuất vừa là người làm thương mại xuất khẩu rau củ khá lâu và tôi nhận thấy điểm yếu lớn nhất của mình là khâu tổ chức sản xuất.Như tôi, nếu bạn hàng đặt 10 tấn cà chua thì có thể còn lo được với chất lượng mẫu mã giống nhau, nhưng nếu 50 tấn thì không biết mua ở đâu cho đủ.
Tôi được biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NNPTNT xây dựng 1.500 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây là hướng đi rất đúng. Song xin hỏi Thủ tướng, việc liên kết, rồi thành lập HTX chúng ta đã hô hào nhiều rồi và đến bao giờ mới thay đổi được?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trả lời câu hỏi của nông dân Tăng Xuân Trường:
Sáng nay, tôi đã trực tiếp vào thăm nhà máy của anh Trường, tôi rất mừng trước quy mô nhà máy, cơ sở sản xuất mà anh Trường đã xây dựng được. Tuy công nghệ không phải phức tạp, nhưng kho lạnh của nhà máy đảm bảo -16 độ, giúp su hào, bắp cải luôn có chất lượng tốt, màu sắc đẹp. Đây là điều khách hàng Nhật Bản, Hàn Quốc rất ưa thích.Sự thành công của anh Trường, cũng là thành quả lớn mà ngành nông nghiệp Việt Nam đã gây dựng được. Có thể khẳng định chưa bao giờ nông nghiệp có được thành quả lớn như thế, còn những việc nhỏ lẻ như su hào, củ cải nhổ bỏ vì giá giảm, mía phải đốt đi vì không có nhà máy thu mua chỉ là hiện tượng cục bộ, không phải là tình trạng chung của nông nghiệp cả nước.
Từ nông thôn tới đồng bằng, miền núi tới miền xuôi sản xuất nông nghiệp đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhiều loại nông sản xuất khẩu có giá trị cao. Nhưng ở đâu đó, vào thời điểm nào đó, vẫn xuất hiện tình trạng được mùa mất giá nông sản và chúng ta phải tìm cách khắc phục.
Hiện nay, Chính phủ, Bộ NN&PTNT, các bộ ngành liên quan đang tiếp tục hoàn thiện chính sách, chỉnh sửa và bổ sung Nghị định 210 về thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp. Hi vọng chính sách mới này sẽ tạo động lực giúp thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trả lời câu hỏi của nông dân Tăng Xuân Trường:
Thứ hai, chúng ta phải nỗ lực tìm thị trường hơn nữa. Chính phủ, Quốc hội, các đoàn công tác bộ ngành đi đâu cũng tìm thị trường, giới thiệu DN, nông sản củ quả của VN.
Nhiều loại nông sản củ quả của VN đã tham gia các thị trường lớn, việc tìm thị trường Nhà nước phải làm, nhưng DN, người sản xuất cũng có vai trò quan trọng trong nhiệm vụ này, đó là khâu sản xuất phải theo tín hiệu của thị trường; phân phối phải đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng. Tôi quán triệt tinh thần này đến hộ ND, đến HTX, tổ hợp tác và DN.
Chúng ta cần xây dựng quy hoạch sản xuất theo vùng, để làm sao sản xuất phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương chứ không phải làm ào ào. Trước khi gieo hạt xuống phải tính tới việc sản xuất bao nhiêu, bán cho ai.
Thứ ba, phải đẩy mạnh chế biến nông sản hơn nữa. Hiện cả nước mới có 8 nhà máy chế biến nông sản. Vừa rồi đã có thêm nhà máy chế biến nông sản lớn nhất cả nước ở Long An. Chúng ta sản xuất được, nhưng chế biến mới là khâu quan trọng để chủ động điều tiết thị trường, các DN cần tham gia xây dựng nhà máy chế iến để nâng cao giá trị nông sản. Ở các nước, nhờ có nhà máy chế biến nên trái cây, nông sản có thể bảo quản tới 6 tháng.
Nhà báo Lưu Quang Định: Cám ơn anh Trường, xin mời nông dân tiếp theo, chị Đặng Thị Dịu:
Xin giới thiệu với Thủ tướng và các quý đại biểu, nông dân Đặng Thị Dịu ở khu 7, phường Hải Hòa, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Hiện chị Dịu có 30ha tôm thẻ chân trắng, trong đó có 15ha nuôi chuyên canh công nghiệp, tạo việc làm cho hàng chục lao động và đạt doanh thu vài chục tỷ đồng/năm.
Chị Dịu là nông dân xuất sắc 2015 và được tặng Huân chương lao động hạng Ba tại Hội nghị toàn quốc biểu dương nông dân điển hình tiên tiến lần thứ IV (2012).
Nông dân Đặng Thị Dịu, khu 7, phường Hải Hòa, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh có hỏi Thủ tướng:
Với nông dân, thị trường tiêu thụ, đầu ra cho sản phẩm nông sản luôn là nỗi lo lớn.Người nông dân cảm thấy bế tắc khi liên tục rơi vào cảnh trồng ra rồi lại không tiêu thụ được, tìm kiếm thông tin thị trường tiêu thụ thật khó khăn.
Một trong những nguyên nhân khiến cho nông sản khó tiêu thụ, tìm kiếm thị trường xuất khẩu khó khăn là do thiếu định hướng và thiếu thông tin thị trường.
- Xin hỏi Thủ tướng có chính sách gì để các cơ quan chức năng có liên quan làm tốt công tác định hướng và thông tin thị trường giúp cho người nông dân tiêu thụ và xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ định ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NNPTNT trả lời câu hỏi này.
Ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NNPTNT trả lời:
Chưa bao giờ có một cuộc đối thoại giữa Thủ tướng, các lãnh đạo Bộ, ngành trực tiếp với những người sản xuất như hôm nay. Nông nghiệp Việt Nam trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu, phải cảm ơn chính những người nông dân đang ngày đêm trực tiếp sản xuất để đưa đất nước từ từ một nước thiếu ăn sang đủ ăn. Thậm chí, không chỉ đủ ăn mà còn xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt trên 30 tỷ USD.
Hiện tại, chúng ta đang thực hiện tái cơ cấu phấn đấu có thứ hạng trên bản đồ xuất khẩu nông sản. Việt Nam đang đứng thứ 18 trên thế giới về tổng thể, chúng ta có quyền tự hào, người nông dân chúng ta đang thực hiện các chủ trương, định hướng về nông nghiệp là rất tốt không có nhiều nước có thể nuôi tôm, trồng cây cho ra năng suất như của chúng ta hiện nay.
Tuy đạt được nhiều thành tựu nhưng chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Để phát triển hơn nữa, đưa nông sản Việt đi xa hơn nữa cần phải liên kết chặt chẽ với nhau, các chủ thể phải liên kết thành chuỗi. Chẳng hạn như mô hình thành công của anh Tăng Xuân Trường, anh đã tận dụng thành công những lợi thế của địa phương như đất đai, con người .... Đồng thời, liên kết chặt chẽ với người nông dân, đặt hàng cho nông dân với sản phẩm giống đầu vào hữu cơ, chế biến đi xuất khẩu.
Người nông dân có tiền lương 5- 7 triệu tháng, yên tâm đầu ra, không lo được mùa mất giá. Hay như mô hình của anh Cường cũng sẽ không dừng lại như hiện tại, mà phải tiếp tục liên kết thêm nhiều vệ tinh xung quanh, phát triển doanh nghiệp nhỏ, không chỉ xuất rau quả đi Nhật mà còn nhiều nước trên thế giới để giải quyết bài toán thị trường chủ chốt vẫn phải là liên kết chặt chẽ với nhau.
Nông dân Nguyễn Công Thừa, Chủ nhiệm HTX Anh Đào, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng chuyên về sản xuất, chế biến nông sản công nghệ cao có hỏi:
Sản lượng hàng năm của tôi gần 1.000 tấn, doanh thu đạt hơn 100 tỷ đồng/năm. Cái khó của tôi là sản phẩm của HTX đều là hàng chất lượng cao nhưng khi bán thì giá lại bằng các sản phẩm thông thường vì người tiêu dùng không phân biệt được cũng như do hàng Trung Quốc giả mạo rất nhiều.
Xin hỏi Thủ tướng có chỉ đạo gì các cơ quan chức năng để sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được bán với đúng giá trị và làm sao để sản phẩm của mình không mãi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc?
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường:
Lâm Đồng hiện là địa phương áp dụng công nghệ lớn, năng suất cao, nhưng người sản xuất nông sản an toàn chưa được hưởng đúng thành quả của mình. Về vấn đề này, chúng ta cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa; yêu cầu sản xuất phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng cũng như an toàn thực phẩm.
Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, truyền thông về sản phẩm để người tiêu dùng nhận biết. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại và thực hiện truy xuất nguồn gốc. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương trong việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và mở rộng thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tăng cường phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Chính phủ đã phân công cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành thực hiện các giải pháp cụ thể, phù hợp và tổ chức thực hiện kiên quyết, hiệu quả.
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời:
Tôi đồng tình với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, đó là Trung Quốc đang là thị trường lớn nhất, có sức tiêu thụ mạnh nhất. Lợi thế của chúng ta là nước láng giềng, lại có những mặt hàng nông sản mà nước bạn cần. Dẫn chứng cho thấy riêng mặt hàng nông sản tăng trưởng cao nhất, đạt 61%.
Việc một số sản phẩm của chúng ta bị ùn ứ là do chủ yếu tiêu thụ qua kên không chính thống, đặc biệt là đường tiểu ngạch, đây là kênh mà cả ta và nước bạn đều không kiểm soát được chất lượng sản phẩm, không ký kết hợp tác giao thương nên khi nước bạn xiết chặt chúng ta lập tức gặp khó khăn.
Để không bị lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, cách duy nhất là chúng ta phải tích cực tìm kiếm, khai thác nhiều thị trường mới. Để xuất khẩu nông sản bền vững, ổn định, hiệu quả và tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định, Chính phủ đã và đang nỗ lực, kiên trì để mở rộng thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, trong đó có nông thủy sản và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Bà con nông dân cần chủ động nâng cao nhận thức, nắm bắt thông tin, liên kết với doanh nghiệp, sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn, quy định của thị trường nhập khẩu, đảm bảo uy tín chất lượng và sự bền vững cho hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam.
Nông dân Đoàn Xuân An, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang:
Thưa Thủ tướng, trong nhiều năm qua, mặc dù Chính phủ, bộ ngành có nhiều nỗ lực giúp nông dân sản xuất và tiêu thu nông sản, nhưng điệp khúc “Được mùa rớt giá”, “Giải cứu nông sản” vẫn cứ diễn ra, người nông dân chúng tôi lao động vất vả, chẳng thu được đáng là bao, nhiều khi chịu lỗ vốn, phải vải vay nặng lãi để trả nợ. Chúng tôi được biết ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Đài Loan (Trung Quốc) mà tôi được thấy tận mắt trong chuyến đi do Báo NTNN tổ chức vừa qua… Chính phủ hỗ trợ đầu tư các kho bảo quản sản phẩm cho nông dân, khi giá nông sản thấp thì lưu kho, khi giá cao thì đem ra bán.
Ví dụ, tại Hàn Quốc, táo nhiều khi để trong kho bảo quản một năm sau khi được giá mới bán. Bản thân tôi cũng như nhiều nông dân khác ở vùng sản xuất trái cây lớn nhất cả nước rất mong muốn có được những kho bảo quản như vậy, nhưng mong mãi cũng không có.
Xin hỏi Thủ tướng, Chính phủ có chủ trương đầu tư kho bảo quản cho nông dân không? Nếu có thì triển khai đến đâu? Vì sao ở nhiều vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn như tỉnh tôi vẫn chưa có? Liệu Chính phủ có thể đầu tư và giao cho nông dân cùng nhau quản lý kho này không?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời ông Đoàn Xuân An (Hàm Yên - Tuyên Quang):
Hiện nay, Tuyên Quang đang thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp rất tốt, nhiều vùng chuyên canh đã hình thành như vùng chè, cam Hàm Yên (9.000ha); nhưng hiện nay chủ yếu là bán tươi.
Vì vậy, tháng 4 này, Bộ NNPTNT sẽ tổ chức một đoàn chuyên gia, mời lãnh đạo Tuyên Quang và nông dân thăm Nhật Bản, tiếp thu công nghệ bảo quản mát của họ để áp dụng vào thực tiễn, nhất là vùng sản xuất cây có múi.Tôi khẳng định, Chính phủ, các bộ ngành luôn sẵn sàng đồng hành cùng nông nghiệp nông dân.
II- Phiên đối thoại về vốn và đất nông nghiệp:
Nhà báo Lưu Quang Định - TBT Báo Nông thôn Ngày nay:
Kính thưa Thủ tướng, vốn cho nông nghiệp không phải là không có nhưng để tiếp cận được thì rất khó khăn, ví như Nghị định 55 về một số chính sách về tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn quy định hạn mức tín dụng rất bất cập, thủ tục cho vay vẫn còn rườm rà, nhiều tài sản trên đất chưa được định giá, hay như lãi suất với nông dân vẫn rất cao so với tỷ suất lợi nhuận đầu tư vào nông nghiệp.
Năm ngoái, Thủ tướng kêu gọi các Ngân hàng dành một gói tín dụng 100.000 tỷ cho vai nông nghiệp công nghệ cao nhưng đến nay mới giải ngân được hơn 30.000 tỷ. Nông dân cho rằng: Với mặt bằng lãi suất như hiện nay, nông dân khó mà có lãi được.
Nhà báo Lưu Quang Định - TBT Báo Nông thôn Ngày nay:
Thưa Thủ tướng,
Nông dân Tô Hiến Thành hiện ở xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang. Anh có trang trại thịt lợn hữu cơ Organic Việt Nam với diện tích 5,6ha, sản lượng khoảng 1.000 tấn/năm. Mỗi năm doanh thu khoảng 10 – 12 tỷ, lợi nhuận 3 – 3,5 tỷ đồng. Giàu có như vậy nhưng anh vẫn rất khó khăn trong việc vay vốn. Năm ngoái, anh nông dân Tô Hiến Thành đã nổi tiếng khắp nước sau khi viết tâm thư gửi tới 2 tư lệnh ngành là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng và Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường kêu về việc không vay được vốn.
Nông dân Tô Hiến Thành ở xã Danh Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang hỏi:
Đến thời điểm này tôi đã có gần 34 năm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Để có được tài sản như hiện nay, tôi đã thất bại không dưới 4 lần. Ngẫm lại mới thấy sản xuất nông nghiệp ở nước ta vô cùng khó khăn, trong đó cái mà tôi và chắc chắn hầu hết nông dân ngồi đây gặp khó khăn đó là vốn. Để duy trì sản xuất, chúng tôi phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao, thậm chí phải vay tín dụng đen với lãi suất cao gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng.
Xin hỏi Thủ tướng, Chính phủ có chính sách gì hỗ trợ giảm lãi suất cho vay nông nghiệp được không? Chính phủ có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng tín dụng đen đang hoành hành ở nông thôn?
Nông dân Nguyễn Đăng Cường, Thuận Thành, Bắc Ninh hỏi:
Tôi thấy các nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan …. cho nông dân vay vốn với lĩnh vực nông nghiệp lãi suất rất thấp, chỉ bằng 1/2 lãi suất ở lĩnh vực khác. Trong khi ở Việt Nam, sản xuất nông nghiệp rất khó khăn, nguy cơ rủi ro cao, giá cả bấp bênh, thu lời ít, nhưng nông dân vay vốn của các Ngân hàng thương mại với lãi suất rất cao, có khi cao hơn cả Doanh nghiệp. Để giúp nông dân bớt khó khăn, xin hỏi Thủ tướng có giảm 50% lãi suất so với lĩnh vực khác cho nông dân không?
Năm 2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định 55 về cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhưng khi nông dân vay ngân hàng yêu cầu giữ sổ đỏ, trong khi rất nhiều hộ chưa được cấp sổ đỏ, nên không có tài sản thế chấp; hoặc có tài sản ở trang trại, gia trại nhưng không được đưa vào làm tài sản thế chấp nên không vay được vốn. Để giúp nông dân vay vốn được nhanh chóng, thuận tiện, Chính phủ có bỏ quy định này cũng như sửa đổi Nghị định 55 được không?
Nông dân Lương Minh Đồng ở xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam hỏi:
Hiện nay, chúng tôi vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân thấy thuận tiện, không cần sổ đỏ hay thế chấp. Nhưng cả xã tôi mới có khoảng 20 hộ được vay và mỗi hộ vay được từ 30 đến 50 triệu đồng. Khi tôi hỏi thì cán bộ xã nói nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân được rất ít, nên chưa cho nhiều hộ vay.
Chúng tôi được biết Chính phủ đã ban hành Quyết định 673 về việc hàng năm trích ngân sách cấp bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ nông dân. Nhưng nguồn vốn này, khi xem báo cáo của Hội nông dân Việt Nam, từ khi có Quyết định 673, cả nước chỉ mới có chưa được 2 nghìn tỷ đồng. Xin hỏi: Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo tăng thêm nguồn vốn này để nhiều hộ nông dân được vay không?
Nông dân Võ Quan Huy đến từ Long An hỏi:
Thủ tướng và Chính phủ sẽ có quyết sách gì để giải quyết vấn đề đất đai cho nông dân trong bối canh tích tụ ruộng đất mạnh mẽ, làm thế naog đảm bảo cho nông dân có việc làm, thu nhập và cuộc sống ổn định?
Ngoài ra, Chính phủ có chính sách gì để những người như chúng tôi thuận lợi trong việc tích tụ ruộng đất mở rộng ruộng đất?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ định ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời:
Tôi sẽ trực tiếp làm việc cùng anh Thành và các ngân hàng thương mại trong tuần tới để giải quyết những vướng mắc mà anh đang gặp phải. Tuy nhiên, tôi xin thông tin rằng: Chính phủ luôn xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn, từ đó, ban hành, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này.
Cụ thể: Áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có cho vay nông nghiệp nông thôn (hiện nay là 7%/năm, thấp hơn từ 1% - 2% so với mặt bằng lãi suất chung); Ban hành Nghị định riêng về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đồng thời ban hành nhiều chính sách đặc thù đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực mà Việt Nam có lợi thế hoặc có kim ngạch xuất khẩu lớn, như các chính sách về tạm trữ lúa gạo, tái canh cà phê; cho vay khai thác hải sản xa bờ...
Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo sửa đổi Nghị định 55 theo hướng bổ sung một số quy định mới như: Nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm để phù hợp với đặc điểm, chu kỳ sản xuất của từng loại cây trồng, vật nuôi và nhu cầu vốn ngày càng tăng; Ưu đãi cho vay nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt vốn từ 50 triệu đồng sẽ tăng gấp đôi lên 100 triệu đồng.
Riêng về vấn đề tín dụng đen, không phải các ngân hàng không đủ vốn cho người dân, thậm chí hệ thống ngân hàng có chi nhánh rải khắp các tỉnh, thành, xuống tận thôn bản. Tính thanh khoản đang rất dồi dào, nếu thiếu vốn NHNN lập tức bơm vốn nên chắc chắn không có tình trạng thiếu vốn.
Cái khó là người dân không tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng, lý do là tính minh bạch thông tin của người dân. Chính vì thông tin không minh bạch rõ ràng nên các ngân hàng không thể cho vay, bởi rất nhiều người vay vốn nhưng không sử dụng hiệu quả đồng vốn, hoặc sử dụng sai mục đích. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, khiến các ngân hàng xiết chặt quy định cho vay.
Để hạn chế nợ xấu, gần đây Ngân hàng NN&PTNT đang triển khai thí điểm mô hình cho vay lưu động, trực tiếp đến xã. Nếu hiệu quả sẽ triển khai rộng, nhằm hạn chế tối đa tình trạng tín dụng đen.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát, cắt giảm các thủ tục về điều kiện đầu tư kinh doanh trong đó có lĩnh vực tín dụng để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay tại các tổ chức tín dụng; đẩy mạnh tăng cường công tác truyền thông và xử lý nghiêm các vụ việc do tín dụng đen gây ra, thực hiện tín dụng chính sách gắn với các chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời:
Chương trình Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân có thể nói là sáng kiến rất hay. Thời gian qua, ngành ngân hàng đã thường xuyên có đối thoại với doanh nghiệp (DN), nhân sự kiện này, thời gian tới ngoài việc đối thoại với DN thường kì chúng tôi sẽ đối thoại với ND theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, thể hiện mối liên kết 6 nhà chặt chẽ, trong đó có nhà băng.
Tôi cũng xin công bố một vài con số về tình hình cho vay nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay. Hiện, tổng dư nợ cho vay tam nông đã đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 22% tổng dư nợ nền kinh tế; riêng tốc độ tăng trưởng vốn cho vay lĩnh vực tam nông đạt khoảng 20% (tăng trưởng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 7%). Điều đó cho thấy sự quan tâm sát sao của Đảng, Chính phủ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Điển hình như cho vay nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, dư nợ đã đạt 36.000 tỷ đồng, cho vay gần 6.400 khách hàng, trong đó chủ yếu cho vay đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với dư nợ đạt gần 31.286 tỷ đồng.
Một số chương trình tín dụng lớn về cho vay phát triển thuỷ sản, đánh bắt xa bờ cũng đã được các ngân hàng vào cuộc tích cực, với khoảng 10.700 tỷ đồng đã được triển khai ở Chương trình 67; chương trình hỗ trợ giảm tổn thất cũng nhiều hộ được nhận hỗ trợ, giảm lãi với dư nợ 4.829 tỷ đồng.
Gần đây còn có nhiều chủ trương mang tính “khẩn cấp” cũng được Chính phủ, các ngân hàng quan tâm, ví dụ như trong đợt khủng hoảng lợn năm 2017, ngân hàng đã giảm lãi suất, khoanh nợ với giá trị lên tới hơn 3.200 tỷ đồng. Ngoài ra, trong chăn nuôi lợn tập trung các ngân hàng cũng đã cho vay với dư nợ 27.000 tỷ; những hộ nuôi lợn gặp khó khăn cũng được ngân hàng hỗ trợ khoảng 500 tỷ đồng.
Chúng tôi tổng hợp thấy có 9 chương trình lớn của Chính phủ liên quan đến vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Về phía ngân hàng, ví dụ Ngân hàng NNPTNT cũng có hơn 20 chương trình lớn cho vay ở nhiều lĩnh vực nông nghiệp, nhiều vùng kinh tế. NHCSXH cũng có rất nhiều chương trình lớn, bao phủ các vùng miền, với nhiều đối tượng được vay vốn ở những lĩnh vực có trọng tâm, trọng điểm.
Những gì phát sinh trong cuộc sống sẽ được xây dựng mới ngay, hoặc những gì vướng mắc vẫn đang tiếp tục được chỉnh sửa. Ví dụ như Nghị định 55 hiện đang bộc lộ nhiều vấn đề không còn phù hợp, Ngân hàng Nhà nước, Bộ NN&PTNT, các ngành liên quan đang phối hợp chỉnh sửa để hoàn thiện trong thời gian sớm nhất.
Về lãi suất, đến nay đã giảm khoảng hơn 1 nửa so với đầu năm 2013 (từ 14% xuống về dưới 6,5%). Đây là điều tích cực nhằm giảm lãi suất cho vay, nhằm giảm bớt chi phí cho DN, hộ ND.
Riêng về tài sản thế chấp, theo Thông tư 59 mới ban hành thì tài sản thế chấp không phải điều kiện duy nhất để được cho vay mà phải trên cơ sở quản lý dòng tiền. Theo đó, các hộ ND, các hộ vay vốn nếu chứng minh được dòng tiền, chứng minh được đồng vốn phát huy hiệu quả thì có thể được cho vay mà không cần thế chấp.
Về câu hỏi của anh Võ Quan Huy, mấu chốt của vấn đề là quy mô sản xuất, tài sản của anh Huy có đảm bảo để các ngân hàng có cho vay hay không. Cách đây ít ngày, anh Huy cũng đã có buổi gặp đại diện nhiều lãnh đạo ngân hàng anh Huy cũng hỏi như vậy, và hôm nay anh Huy lại tiếp tục đặt lại vấn đề, hẳn là vấn đề của anh Huy chưa được giải quyết thoả đáng. Vì vậy tôi đề nghị ngay trong tuần tới, tôi và các ngân hàng thương mại sẽ ngồi làm việc với anh Huy, anh Tô Hiến Thành, để làm việc rõ ràng xem có vay vốn được hay không, vay được bao nhiêu, nếu không vay được thì lý do vì sao và phải công bố kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nông Trần Văn Chính ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình hỏi:
Chắc Thủ tướng cũng đã biết, ở một số địa phương hiện nay có hiện tượng cán bộ, đảng viên đã lạm dụng quyền hạn, chức vụ để chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông, lâm nghiệp thành đất ở trái quy định của pháp luật. Thậm chí họ còn ngang nhiên xây “biệt thự”, “biệt phủ” trên đất nông, lâm nghiệp. Nhưng khi bị dư luận lên án, họ chỉ bị xử lý kỷ luật, còn “biệt thự”, “biệt phủ” thì vẫn tồn tại. Trong khi đó, người nông dân nếu có vi phạm thì ngoài việc bị xử lý theo pháp luật còn bị cưỡng chế dỡ bỏ ngay…
Xin hỏi, Chính phủ có biện pháp gì để xử lý hiện tượng này nhằm đảm bảo sự công bằng, bình đẳng của mọi người dân trước pháp luật?
Ông Võ Quan Huy đến từ Long An có hỏi:
Do chính sách hạn điền nên tôi phải nhờ người khác đứng tên để có thể sản xuất. Xin hỏi Chính phủ khi nào được công nhận quyền sử dụng đất để chúng tôi yên tâm sản xuất? Hiện nay, đất ở vùng Bắc Tây Nguyên của tôi đã có quy hoạch từ năm 1986, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không được thế chấp vay vốn. Xin kiến nghị Thủ tướng làm rõ điều này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ định ông Phạm Toàn Vượng - Phó Tổng GĐ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (AGRIBANK) trả lời câu hỏi:
Cho vay để phát triển nông nghiệp, nông thôn là cam kết trong hoạt động ngay từ đầu của chúng tôi. Hiện dư nợ cho vay đối với nền kinh tế của Ngân hàng Nông nghiệp là hơn 1 triệu tỷ đồng, trong đó trên 70% vốn vay là dành cho khu vực nông nghiệp nông thôn. Về cho vay phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp CNC, chúng tôi cũng đã triển khai trước gói cho vay hơn 100.000 tỷ của Chính phủ. Nhưng việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn. Ngân hàng hiện không thiếu vốn, còn dư nợ vốn để cho vay. Tuy nhiên đầu tư vào nông nghiệp CNC đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, trong khi đó đầu ra chưa đảm bảo. Đây là rào cản khiến cho việc cho vay bị vướng mắc.
Để tháo gỡ những khó khăn, ngân hàng cũng sẽ cố gắng linh hoạt. Ngân hàng cũng sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu cho vay vốn. Chúng tôi là kênh chủ lực để cho vay vốn lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nhưng hiện cũng đang phải cạnh tranh với rất nhiều ngân hàng khác. Các cán bộ tín dụng ngân hàng cũng được giao chỉ tiêu chặt chẽ và gắt gao. Với những nông dân cho rằng không tiếp cận được nguồn vốn, theo tôi cũng chỉ là một vài cá biệt.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải được chỉ định trả lời câu hỏi có liên quan về vốn:
Đối với câu hỏi thắc mắc về nguồn vốn Quỹ hỗ trợ ND. Hiện trong năm 2017, Bộ Tài chính đã cấp 600 tỷ cho hoạt động của Quỹ hỗ trợ ND. Năm 2018, Hội Nông dân cũng có đề nghị bổ sung chi phí cho hoạt động của Hội. Chúng tôi đã ghi nhận ý kiến, và xem xét báo Thủ tướng chính phủ.
Thứ hai, cũng đề nghị các đề cương quan tâm hỗ trợ chính sách từ địa phương để triển khai thực hiện Quỹ hỗ trợ ND. Đồng thời, đề nghị Hội ND triển khai các dự án cũng phân cấp cho các đơn vị ngành dọc để đảm bảo hiệu quả nguồn vốn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ định Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Nguyễn Phương Hoa trở lời ông Võ Quan Huy:
Vấn đề tích tụ đất đai, Chính phủ đã chỉ đạo nhiều về vấn đề này. Bộ TNMT cũng họp sơ kết NQ TW 19, theo đó, Bộ TNMT được CP giao chủ trì xây dựng sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai trong đó có vấn đề về tích tụ ruộng đất và chuyển nhượng.
Chỉ nhận hạn mức chuyển nhượng của hộ cá nhân còn riêng hạn mức thuê thì không nhận chuyển nhượng. Liên quan đến quyền sử dụng đất NN ko đc thế chấp, thì trừ trường hợp đất có quyết định thu hồi thì không đc thế chấp, còn lại theo quy định pháp Luật đất đai không cấm thế chấp.
Bà Nguyễn Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường:
Pháp luật đất đai đã quy định trường hợp người sử dụng đất tự ý chuyển mục đích sử dụng đất mà không xin phép sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 102/2014/NĐ-CP; ngoài ra, còn chịu xử phạt bổ sung là buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm và buộc nộp số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; nếu không chấp hành xử phạt sẽ bị thu hồi đất theo quy định tại Điều 64 của Luật đất đai;
Trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý tình trạng này trước hết thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, huyện, tỉnh theo Điều 208 của Luật Đất đai; trường hợp phải thu hồi đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định theo Điều 66 của Luật đất đai;
Việc xử lý vi phạm các trường hợp chuyển mục đích trái pháp luật theo quy định của Luật đất đai là công bằng, không phân biệt người vi phạm là tổ chức hay cá nhân, kể cả cán bộ, công chức nhà nước. Việc xử lý các trường hợp có vi phạm trong việc xây dựng biệt phủ mà báo chí đã nêu đều đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kết luận mức độ sai phạm và xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Nếu cơ quan báo chí và người dân còn phát hiện trường hợp kết luận sai phạm chưa đúng hoặc đã kết luận sai phạm mà chưa xử lý thì tiếp tục phản ánh để Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo thanh tra, kiểm tra làm rõ để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
III- Phiên đối thoại về công nghệ và quản lý vật tư cho nông nghiệp:
Nhà báo Lưu Quang Định – TBT Báo Nông thôn Ngày nay:
Thưa Thủ tướng, thương hiệu nông sản là vấn đề được bàn nhiều, nhất là mới đây Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết. Đây là cơ hội cho nông sản Việt Nam. Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản để đạt tiêu chuẩn quốc tế, vào được những thị trường khó tính cần phải được nhân rộng.
Thưa Thủ tướng, nhiều nông dân rất muốn ứng dụng công nghệ hiện đại, nhưng điều kiện cũng khó khăn, nên nhiều nông sản Việt vẫn còn thô sơ, chưa có giá trị cao, chưa có thương hiệu trên thị trường thế giới. Về nội dung này, có rất nhiều câu hỏi được gửi đến. Ban tổ chức chọn lọc ra một vài câu hỏi tiêu biểu. Đầu tiên, xin mời nông dân Phạm Văn Hát
Nông dân Phạm Văn Hát đến từ huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương có hỏi:
Vấn đề thứ nhất: Trong những năm qua tôi đã sáng chế ra một số máy móc trong sản xuất nông nghiệp đã giúp người nông dân giảm thiểu được sức lao động, tăng thu nhập, bản thân đã được Hội Nông dân Việt Nam trao thưởng cho một số sáng chế.
Hiện nay tôi và nhiều nông dân sáng tạo đang gặp khó khăn trong việc đăng ký bản quyền cho các sản phẩm sáng chế. Vì các sáng chế của nông dân chúng tôi thường là vừa sản xuất, vừa bán và vừa lấy ý nông dân để chỉnh sửa cho đạt hiệu quả tối ưu nhưng khi mang đi đăng ký bản quyền sáng chế thì có tiêu chí “bí quyết mà đã công bố cho xã hội biết trước” thì không được chấp nhận. Các Hồ sơ đăng ký cần rất nhiều giấy tờ, các quy định về tài liệu và nội dung viết rất đặc trưng, khó thực hiện nhất là các bản vẽ thiết kế; thời gian đăng ký rất dài qua nhiều năm, chi phí cao làm cho nhiều nông dân sáng tạo chán nản.
Được đại diện cho những nhà nông sáng tạo, tôi đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các ngành chức năng có một cơ chế thật sự “đặc thù riêng” để giúp hàng ngàn người nông dân sáng tạo đăng ký được bản quyền sáng chế.
Nông dân Phạm Văn Hát hỏi vấn đến thứ hai:
Hiện nay các sản phẩm nông sản, đặc sản ở nước ta rất nhiều và thường gắn với địa danh. Nông dân chúng tôi được biết khi một sản phẩm nông sản hàng hóa được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu tập thể, chỉ sau một hoặc hai năm giá bán tăng gấp đôi hoặc 3 lần và rất ổn định.
Tuy nhiên trên thực tế việc xây dựng, đăng ký Chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu tập thể lại chưa nhiều, nguyên nhân chủ yếu là do khi triển khai 1 bộ hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể rất phức tạp vì liên quan đến vấn đề kỹ thuật, pháp lý và nhiều yếu tố, nhiều thủ tục mà nông dân khó làm, không tự làm được, chi phí tốn kém.
Xin hỏi Thủ tướng Chính phủ có giải pháp để hỗ trợ nông dân xây dựng nhãn hiệu tập thể/chỉ dẫn địa chí cho nông sản?
Nông dân Hoàng Bá Êm, thôn Đông Nhà Thờ, xã Dương Quan, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng:
Thưa Thủ tướng, nếu được tiếp cận internet, chúng tôi có thể học mọi lúc, mọi nơi, không phải bỏ làm để tham gia các lớp tập huấn kéo dài. Tôi được biết ở các nước phát triển như Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc người ta áp dụng công nghệ thông tin, internet để giám sát quá trình sản xuất, kiểm tra chất lượng sản phẩm. Ở Israel, với một số nông sản, lượng hàng bán qua internet chiếm trên 60%. Xin hỏi Thủ tướng, Chính phủ có chính sách gì để hỗ trợ người nông dân tiếp cận internet?
Tôi được biết, hiện cả thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Thủ tướng, Chính phủ, đại diện nhiều bộ ngành cũng nêu quyết tâm chúng ta phải sẵn sàng cho cuộc cách mạng này. Theo hiểu biết của tôi, nếu thực hiện cách mạng 4.0 trong lĩnh vực nông nghiệp 4.0 sẽ đòi hỏi rất nhiều yếu tố khoa học, kỹ thuật, công nghệ, vốn... Vậy xin hỏi Thủ tướng, Chính phủ có thể hỗ trợ nông dân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực nông nghiệp như thế nào?
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời:
Hiện nay, nhiều nước đã đạt được công nghệ sản xuất vô cùng hiện đại, với các dự án lien kết sản xuất với nước ngoài như Nhật Bản, chúng ta được chuyển giao công nghệ của họ, làm theo yêu cầu của họ.
Chúng ta là nước đang phát triển vì vậy phải lựa chọn cách làm phù hợp với cách mạng công nghệ 4.0; nhiều vùng nông thôn đã có kết nối điện thoại, internet, đây là một thành quả đáng ghi nhận, là nỗ lực của Chính phủ và nhiều bộ ngành.
Cách mạng 4.0 thực chất là một cuộc cách mạng mới trên nền công nghệ thông tin, ở đó mọi người được kết nối được thông tin với nhau. Tới đây, Chính phủ có chủ trương xây dựng Hệ trí thức Việt số hóa.
Theo đó, tất cả các cách thức làm ăn hiệu quả sẽ được đưa lên đây, tất cả nông dân sẽ được kết nối với nhau thông qua hệ thống này. Đây sẽ là lối đi cho các hộ nông dân riêng lẻ.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời câu hỏi của nông dân Phạm Văn Hát:
Các đại biểu ở đây, những người như anh Hát là đại diện cho một thế hệ nông dân mới, áp dụng sản xuất lớn chưa không phải chân lấm tay bùn. Bản thân chúng tôi cũng rất tự hào về những sáng chế của anh Hát, nhiều lần chúng tôi mang ra khoe nhưng đăng ký sở hữu trí tuệ thì không có sự linh động vì liên quan đến tranh chấp thương mại toàn cầu.
Vì vậy, ai cũng phải chấp hành quy trình đăng ký nghiêm ngặt, hiện nay có 200 doanh nghiệp và 300 cá nhân hỗ trợ việc đăng ký sở hữu trí tuệ. Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Khoa học Công nghệ nên trích một phần kinh phí hỗ trợ các nhà sáng chế không chuyên.
Nhà báo Lưu Quang Định - TBT Báo Nông thôn Ngày nay:
Thưa Thủ tướng, vấn đề chất lượng vật tư nông nghiệp, vấn đề phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng hiện gây nhiều bức xúc cho nông dân.
Hay như vấn nạn về giống cây kém chất lượng nữa thưa Thủ tướng. Nhiều nông dân dở khóc dở cười khi mua phải giống cây kém chất lượng ở những cơ sở sản xuất được cấp phép, khiến họ bị thiệt hại nặng nề.
Về vấn đề này, xin mời nông dân Nguyễn Văn Luật, Kính thưa Thủ tướng, nông dân Nguyễn Văn Luật ở Hải Hậu, Nam Định. Hiện anh đang có trang trại theo mô hình vườn ao chuồng với lợi nhuận 2 tỷ đồng mỗi năm. Xin mời anh Nguyễn Văn Luật.
Nông dân Nguyễn Văn Luật xã Hải Đông, Hải Hậu, Nam Định hỏi:
Hiện, chất lượng giống kém chất lượng tràn lan trên thị trường, không đáp ứng được yêu cầu và phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu. Các cơ quan chức năng đã và sẽ có giải pháp gì để cung cấp đủ nhu cầu giống cây trồng vật nuôi có chất lượng, năng suất cao, phù hợp với lợi thế của từng vùng ? Có chính sách như nào đối với giá, giống, cây trồng vật nuôi để người dân yên tâm sản xuất?
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời: Nói chất lượng giống của chúng ta kém là chưa đúng. Hiện, các giống lúa Việt Nam là đứng đầu thế giới, nhóm cây công nghiệp việt cũng vậy. Nếu giống chúng ta kém làm sao năm vừa qua xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt hơn 30 tỷ được. Nhìn chung chất lượng giống của chúng đủ đáp ứng yêu cầu. Chỉ có một vài loại giống hiện đang yếu như cây quả, cây hoa và rau.
Muốn đáp ứng được xuất khẩu 3,6 tỷ USD rau quả, thời gian tới Bộ đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp như: Tăng cường sở hữu trí tuệ, khuyến khích các nhà khoa học đẩy mạnh thị trường chuyển giao khoa học kĩ thuật, thực hiện nghị định 19, theo đó tất cả các cơ sở nghiên cứu, khoa học tại Việt Nam áp dụng cơ chế mới phối hợp với doanh nghiệp, nông dân, cơ sở sản xuất đưa nhanh nghiên cứu vào đời sống. Trên cơ sở đó làm tiền đề cho chuỗi liên kết từ đầu vào tới đầu ra, đưa nông nghiệp Việt vươn ra với thế giới.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường:
Thời gian qua, nông nghiệp đã phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa hội nhập quốc tế, gia tăng chuyên môn hóa. Sản xuất nông nghiệp không chỉ đáp ứng dồi dào nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu nhiều loại nông sản với quy mô ngày càng lớn, hiệu quả hơn. Giai đoạn 2013 - 2017, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, đạt 157,07 tỷ USD, bình quân tăng 6,99%/năm; năm 2017 đạt 36,37 tỷ USD, tăng 4,19 tỷ USD (tương đương 13,0%) so với năm 2016; 3 tháng đầu năm 2018 đạt 8,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Đạt được những kết quả trên một phần không nhỏ là do đóng góp của việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất, trong đó không thể không nhắc đến những thành tựu trong nghiên cứu của công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch cụ thể:
- Về giảm tổn thất sau thu hoạch: nhờ áp dụng công nghệ sau thu hoạch nên tổn thất sau thu hoạch của lúa gạo đã giảm mức tổn thất từ 11-13% trước đây xuống còn 10% hiện nay và phấn đấu đến năm 2020 xuống còn 5-6%.
- Mức độ cơ giới hóa các khâu làm đất trồng lúa đạt 80%; thu hoạch đạt 35%; sấy lúa chủ động ĐBSCL 45%; tuốt lúa 95%; xay xát lúa, gạo trên 95%; tổn thất khâu gặt giảm từ 5-6% trước đây xuống còn 2% do không phải thu gom, vận chuyển, tuốt đập riêng rẽ.
Nông dân Nguyễn Văn Thế đến từ Hưng Yên có hỏi:
Chúng tôi được biết, trên báo chí và tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIV đánh giá thì có đến gần 50% số mẫu phân bón kiểm nghiệm không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký và công bố trên bao bì. Nạn phân bón giả, kém chất lượng đã gây ra thiệt hại rất lớn về kinh tế cho nông dân.
Mỗi năm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng đã gây thiệt hại hơn 2 tỷ USD với ngành nông nghiệp. Một trong những lý do là chức năng quản lý còn bị buông lỏng, việc điều tra, xử lý còn chậm. Đơn cử như Công ty Thuận Phong (Đồng Nai) đã bị phanh phui vì sản xuất phân bón giả gây thiệt hại rất lớn cho nông dân nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra truy tố trước pháp luật…
Xin Thủ tướng cho biết Chính phủ có biện pháp gì để dẹp nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng hiện nay. Bởi đây chính là nguyên nhân gây thiệt hại rất lớn cho nông nghiệp hiện nay?
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời:
Để tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp nói chung, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nói riêng, các giải pháp đã và đang thực hiện để dẹp nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng như sau:
Ngày 20/9/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón ngày 24/4/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, theo đó đã giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về phân bón cho một đầu mối thực hiện là Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Nghị định quy định cụ thể, chặt chẽ các công đoạn từ khảo nghiệm, công nhận phân bón lưu hành, kiểm nghiệm, sản xuất, buôn bán, nhập khẩu, quản lý chất lượng, ghi nhãn, sử dụng phân bón đồng thời phân cấp cho địa phương thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về phân bón và chịu trách nhiệm về tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng xảy ra trên địa bàn.
Mặt khác, Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón (hiện đang hoàn tất thủ tục để trình Chính phủ ban hành).
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường tiếp tục trả lời:
Trong thời gian qua, để tăng cường quản lý chặt chẽ nhằm phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi sai phạm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành nhiều Chỉ thị, Kế hoạch chỉ đạo công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần hạn chế phân vô cơ bằng cách đưa phân hữu cơ vào sản xuất, điều này cần sự chung tay không chỉ của Nhà nước, người dân mà cả các doanh nghiệp kinh doanh phân bón.
Đồng thời chỉ đạo các Bộ, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tổng kiểm tra, rà soát tất cả các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh phân bón; xác định những doanh nghiệp chấp hành đúng pháp luật, những doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, xác minh làm rõ các vụ việc phức tạp, nổi cộm để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
IV- Phiên đối thoại nhóm vấn đề nông thôn mới:
Nhà báo Lưu Quang Định – TBT Báo Nông thôn Ngày nay: Thưa Thủ tướng, có một thực tế dù có nhiều bạn trẻ đã bắt đầu quan tâm tới nông nghiệp, về quê lập nghiệp nhưng hiện lao động chính ở khu vực nông thôn hiện nay chủ yếu là ông bà già, những người về hưu. Thực tế, chính sách thu hút lao động nông thôn với giới trẻ hiện nay chưa đủ hấp dẫn.
Mở đầu phiên đối thoại này, xin mời nông dân Nguyễn Công Bắc.
Kính thưa Thủ tướng, nông dân Nguyễn Công Bắc đến từ tỉnh Sơn La. Anh Bắc có trang trại chăn nuôi lợn nái, lợn thịt với lợi nhuận đạt khoảng từ 2,6 đến 3,3 tỷ/năm.
Nông dân Nguyễn Công Bắc, phường Chiềng Sinh, TP Sơn La, tỉnh Sơn La có hỏi:
- Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 315/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013. Xin Thủ tướng cho biết, thời gian tới Chính phủ sẽ có những sửa đổi gì trong chính sách bảo hiểm nông nghiệp?
- Luật Bảo hiểm xã hội được ban hành đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cho phép nông dân tham gia đóng và hưởng lương hưu.Về mức đóng: Bắt đầu từ năm 2018, Nhà nước hỗ trợ cho nông dân có mức sống trung bình, cận nghèo và hộ nghèo từ 10% đến 30% mức đóng.
Về hưởng lương hưu: nếu tôi tham gia ở mức đóng tối thiểu thì mức hưởng lương hưu sẽ dưới mức chuẩn nghèo, chỉ vài trăm nghìn đồng/tháng. Rất vô lý.
Chúng tôi được biết ở một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc... đã hỗ trợ cho nông dân tham gia bảo hiểm từ lâu và mức hỗ trợ rất cao, từ 50 đến 80% mức đóng từ ngân sách Trung ương và địa phương.
Trong khi đó, đối với các ngành khác làm việc còn đến tuổi về hưu, còn nông dân chúng tôi, nói thực có khi làm đến chết mới về hưu. 70-80 tuổi vẫn ra đồng gặt lúa, dỡ khoai là chuyện bình thường.
Xin Thủ tướng cho biết: Nhà nước có thể hỗ trợ 30% mức đóng cho nông dân có mức sống trung bình; 40% cho hộ cận nghèo và 60% cho hộ nghèo khi tham gia BHXH tự nguyện, đồng thời nâng mức hưởng lương hưu bằng mức lương tối thiểu theo vùng, để nông dân cũng thực sự được nghỉ hưu?
Nông dân Nguyễn Thị Thêu ở huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc hỏi:
Kính thưa Thủ tướng,
Chính phủ sẽ có chính sách gì để thu hút lực lượng trí thức là con em nông dân quay trở về địa phương công tác trong lĩnh vực nông nghiệp? Như Thủ tướng đã từng nhận định: Trong đội ngũ cán bộ công chức hiện nay, còn có không ít cán bộ “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Trong khi đó, có rất nhiều con em nông dân đã phải vượt qua bao nhiêu khó khăn để lấy được tấm bằng đại học, nhưng rồi lại phải “giấu đi” để đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, tình trạng cử nhân nông dân thất nghiệp như vậy hiện quá nhiều.
Hiện nay, nhiều người nông dân chúng tôi có nhu cầu đào tạo nghề để phát triển kinh tế nhưng lại không nhận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước vì theo quy định của địa phương (nữ trên 55 tuổi, nam trên 60 tuổi) không thuộc diện được hỗ trợ học nghề. Thực tế, những người ở độ tuổi đó vẫn còn đủ sức khỏe để làm việc.
Vì vậy, đề nghị Chính phủ xem xét quy định mở rộng độ tuổi đào tạo nghề cho nông dân, nhất là đối với nhóm nghề nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phù hợp với sức khỏe cho những người như chúng tôi (độ tuổi từ trên 60 tuổi đối với nam và trên 55 tuổi đối với nữ) được hưởng các chính sách của Nhà nước khi tham gia học nghề tại địa phương.
Nhà báo Lưu Quang Định - TBT Báo Nông thôn Ngày nay:
Kính thưa Thủ tướng,
Như vậy vừa qua đã có 4 câu hỏi về chính sách để phát triển nông nghiệp tại khu vực miền núi, về nạn chặt phá rừng, về chạy theo thành tích trong xây dựng nông thôn mới và về bảo vệ môi trường nông thôn. Xin mời Thủ tướng trả lời hoặc yêu cầu đại diện bộ ngành liên quan trả lời.
Ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ LĐTBXH trả lời câu hỏi của nông dân :
Thứ nhất, về câu hỏi Nhà nước, Chính phủ có chính sách gì để thu hút lực lượng thanh niên, trí thức là con em nông dân về địa phương làm việc của nông dân Nguyễn Thị Thêu, tôi xin trả lời như sau:
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách liên quan để khuyến khích thanh niên, trí thức là con em nông dân về nông thôn làm việc, kể cả thu hút con em đi du học ở nước ngoài về nước làm ăn. Thực tế cho thấy, nhiều em đã trở thành tỷ phú, triệu phú khi còn rất trẻ.
Chủ trương chung của chúng ta là khuyến khích trí thức trẻ chủ động tìm về nông thôn, tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp để làm ăn. Những năm gần đây, xu hướng này thể hiện khá rõ, với nhiều thanh niên trí thức về nông thôn làm ăn hiệu quả và chắc chắn trong thời gian tới, tỷ lệ thanh niên trí thức về làm việc ở khu vực tam nông sẽ tăng lên.
Thứ hai, trong Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn quy định rất rõ về lứa tuổi đào tạo nghề, trong đó nữ trên 55 tuổi, nam trên 60 tuổi không thuộc diện được hỗ trợ học nghề. Quy định này là nhằm đảm bảo sức khoẻ, trình độ cho người lao động. Tuy nhiên, đối với phụ nữ trên 55 tuổi hay nam giới trên 60 tuổi cũng có quy định giao cho địa phương có chính sách hỗ trợ đối tượng này đào tạo nghề theo nguyện vọng, khả năng, nhằm tạo việc làm tối đa cho nhiều đối tượng lao động ở khu vực nông thôn.
Thứ ba, về bảo hiểm xã hội (BHXH): Nguyện vọng của bà con là muốn được tăng hỗ trợ phí tham gia bảo hiểm, trong thực tiễn chúng ta đã có chính sách khuyến khích bà con tham gia BHXH, nhằm nâng mức tham gia đối với hộ nghèo là 30%. Chủ tưởng của Bộ LĐTBXH là mở rộng, tiến tới bao phủ toàn dân BHXH, tuy nhiên muốn thực hiện điều này, chúng ta cũng phải làm tốt bảo hiểm đa tầng.
Đó là những người có lương hưu; những người BHXH bắt buộc, có hưởng lương; những người thuộc diện khuyến khích, chủ yếu là ND, lao động phi chính thức. Ở tầng thứ 3, chúng tôi thấy hoàn toàn có thể hỗ trợ được theo hình thức hỗ trợ cho BHYT. Theo đó, hộ nghèo, cận nghèo Nhà nước hỗ trợ 1 phần, đồng thời gia đình người ND cùng đóng góp tham gia. Làm tốt việc này chúng ta mới hoàn thành được chủ trương bảo hiểm toàn dân.
Bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận Trung ương:
Tôi cảm thấy thú vị khi được tham dự buổi đối thoại này. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn khó có thể trả lời hết. Tôi chỉ xin nhấn mạnh vào một số vấn đề:
Làm sao có thể đưa tri thức trẻ về nông thôn và làm thế nào để bạn trẻ học xong trở về nông thôn? Trước hết, tôi mong muốn và kêu gọi các hộ dân hãy khuyến khích, động viên con em mình học hành tới nơi tới chốn và quay về để phục vụ quê hương đất nước mình.
Tôi còn nhớ có một bạn trẻ sau khi làm việc ở thành phố một thời gian đã quyết định về quê để trồng thanh long. Ban đầu cha mẹ bạn trẻ rất bất bình, nhưng sau 2 năm mô hình đó đã chứng minh được tính hiệu quả kinh tế cao, và bạn trẻ đó đã quyết định đúng. Tôi nghĩ tấm gương trên không phải là cá thể, rất nhiều thanh niên quay về nông thôn làm ăn và rất thành công. Điều đáng nói là các bạn trẻ có ăn học đàng hoàng thì cách làm kinh tế cũng khác, hiệu quả hơn rất nhiều.
Khi còn làm Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của QH, tôi đã tới quận 6. TP.HCM và đã hỏi: “Bà con muốn vay bao nhiêu? Và vay bao nhiêu thì thoát nghèo?”. Đa phần bà con trả lời: chỉ vay 10 triệu đồng để có thể mở một gánh chè. Nhưng khi đến Lâm Đồng cùng câu hỏi đó, bà con trả lời: họ cần 50 triệu vì họ trồng cà phê. Từ đó có thể thấy, các ngân hàng cần tiếp cận sâu hơn để hiểu rõ mong muốn của bà con, từ đó có thể chính sách phù hợp hơn với mục đích vay vốn của bà con.
Chính tôi đã từng đề xuất hỗ trợ cho nông dân mua bảo hiểm xã hội, để giảm thiểu tối đa rủi ro cho nông dân. Bởi không ai biết trước đc rủi ro sẽ ập đến bất cứ lúc nào. Hoặc khi người nông dân không còn lao động được nữa thì họ sẽ sống bằng gì? Khi đó lương hưu sẽ là khoản thu nhập để họ sống tốt khi về già.
Với nguồn lực tài chính hiện nay, Chính phủ nên dành 30% ngân sách quốc gia để lập quỹ BHXH cho nông dân. Tôi cũng kêu gọi bà con hãy tham gia BHXN, tham gia quỹ lương hưu để có cuộc sống an nhàn hơn khi về già. Điều này cũng chính là mong muốn của Chính phủ về cuộc sống bình đẳng cho tất cả mọi người.
Ông Nguyễn Mạnh Hiển - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương phát biểu tại hội nghị.
Ông Thào Xuân Sùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu bế mạc hội nghị:
Theo sự điều hành của Ban tổ chức, đến nay các đại biểu tham dự hội nghị đã thảo luận, trao đổi, trả lời các nhóm câu hỏi của các đại biểu nông dân trong cả nước. Đặc biệt Hội nghị đã vinh dự được tiếp nhận, lĩnh hội ý kiến phát biểu, chỉ đạo và biểu dương, ghi nhận của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đối với những kết quả nổi bật của Hội Nông dân Việt Nam, giai cấp nông dân đã đạt được trong hơn 30 năm đổi mới đất nước.
Hội nghị đã tập trung vào các nhóm câu hỏi về: Sản xuất và tiêu thụ nông sản; về vốn; Công nghệ cao cho nông nghiệp; Bảo hiểm nông nghiệp; Lao động nông thôn; Đất đai; Vật tư, phân bón, môi trường nông thôn; Xây dựng nông thôn mới và những mong muốn, chờ đợi những cơ chế, chính sách có tính đột phá đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay.
Đây là những vấn đề nóng, khó khăn và vướng mắc đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay cần được tháo gỡ, khắc phục để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Có thể nói, với hơn 20 câu hỏi, tập trung vào 09 nhóm vấn đề thể hiện niềm mơ ước, khát khao trong tâm tư, nguyện vọng của nông dân, sau nhiều năm ấp ủ, mong chờ đã được Thủ tướng Chính phủ, Người đứng đầu hệ thống hành pháp cùng các bộ, ban, ngành trao đổi thẳng thắn, nhìn nhận thấu đáo, toàn diện.
Qua đó, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Những ý kiến trao đổi, thảo luận, sự định hướng, chỉ đạo của Thủ tướng trong hội nghị hôm nay, sẽ được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đại diện cho giai cấp nông dân xin được trân trọng tiếp thu đầy đủ và nghiêm túc tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:
Đã tham dự nhiều hội nghị, diễn đàn về nông nghiệp, nông thôn nhưng đây là lần đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, tôi trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với đại diện nông dân trong cả nước, với sự tham dự trực tiếp của hơn 600 đại biểu là các nông dân đại diện đến từ mọi miền Tổ quốc và đại diện Hội Nông dân các cấp, cộng đồng doanh nghiệp.
Tôi rất ấn tượng và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trí tuệ, rất thẳng thắn của bà con.
Hôm nay, chúng ta đã thảo luận 4 nhóm vấn đề lớn phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nông thôn mới. Tôi đánh giá cao việc đại diện các Bộ ngành thẳng thắn trao đổi, thảo luận, làm rõ, chia sẻ và nhất trí nhiều vấn đề quan trọng từ định hướng chiến lược đến giải pháp cụ thể về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, tôi không nhắc lại mà nhấn mạnh một số nội dung lớn sau:
Một là, về tầm nhìn phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tôi chia sẻ một số nội hàm sau:
+ Về nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài.
+ Về xây dựng nông thôn, hướng tới nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ.
+ Về người dân nông thôn, tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn; xây dựng lực lượng nông dân có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực.
Hai là, các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Ba là, cần tập trung quyết liệt triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển chế biến sâu, sản phẩm mới, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm.
- Bốn là, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển doanh nghiệp ở khu vực nông thôn.
- Năm là, có giải pháp giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tối đa tình trạng bị động, dư thừa sản phẩm, phải giải cứu như thời gian qua.
- Sáu là, tăng cường dân chủ cơ sở, thường xuyên đối thoại với nông dân, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, nhất là Hội nông dân các cấp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ bà con, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
- Bảy là, các Bộ, ngành, địa phương tăng cường cải cách hành chính, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp, phải sát cơ sở hơn.
- Tám là, khuyến khích các doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh rõ nét, tập trung xây dựng các chuỗi giá trị nông nghiệp, thực tâm thiết lập quan hệ đối tác với nông dân.
Về phía Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm sâu sắc hơn nữa đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân, mở thêm các kênh để lắng nghe được nhiều hơn ý kiến của người dân, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, cũng như tạo điều kiện cho người nông dân phát huy hết khả năng để làm giàu cho bản thân, cho đất nước.
Kết thúc chương trình, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho các nông dân tiêu biểu tham dự chương trình đối thoại.
Sau 4 phiên đối thoại kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ với hàng chục câu hỏi của nông dân về các vấn đề khác nhau, vừa bao quát vừa cụ thể, đã được Thủ tướng và các thành viên Chính phủ trả lời, trong một không khí rất cởi mở, thẳng thắn. Ban Tổ chức chúng tôi nghĩ rằng các đại biểu nông dân tham gia đối thoại cũng như bà con nông dân cả nước đã khá hài lòng về chất lượng cuộc đối thoại. Còn rất nhiều câu hỏi nữa vẫn đang được gửi đến, nhưng thời lượng cuộc đối thoại có hạn. Ban Tổ chức chúng tôi xin tiếp tục tập hợp các câu hỏi này thành văn bản để gửi tới Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Một lần nữa, xin cảm ơn Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã dành thời gian đối thoại với nông dân. |