Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ những kết quả đạt được trong các lĩnh vực quản lý. Trong nhiệm kỳ 2016-2020, Bộ đã bãi bỏ 7 ngành nghề kinh doanh có điều kiện; cắt giảm, đơn giản hóa 157/254 điều kiện kinh doanh; cắt giảm 52% danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành.
Bộ Xây dựng cũng là một trong những Bộ đầu tiên thành lập bộ phận một cửa; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 – 4, đạt tỷ lệ 67,3%, đã tập trung thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đến năm 2020, cả nước đã và đang triển khai thực hiện khoảng 5.000 dự án nhà ở, khu đô thị mới (tăng gần gấp 3 lần so với năm 2010).
Thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu bất thường, cực đoan lớn, chỉ xuất hiện tình trạng sốt giá cục bộ ở một số phân khúc và một số địa phương nhưng đã được kiểm soát kịp thời. Tuy nhiên, vẫn còn những lĩnh vực chưa đạt kết quả đề ra như tỷ lệ thu gom và xử lý nước thải tại các đô thị mới đạt khoảng 15%. Nhà ở xã hội còn thiếu gay gắt, phát triển nhà ở xã hội mới đạt 41,7% so với mục tiêu đề ra. Tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ còn chậm…
Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm, trước hết là xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật. Tập trung cho công tác quản lý phát triển đô thị. Đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản; nhất là tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình.
Bộ đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo giữa Bộ Xây dựng và các Bộ ngành khác; xem xét, sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2017/NĐ-CP để kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho rằng, ngành xây dựng có bước phát triển vượt bậc trong những năm qua, nhất là nhiều tổng thầu xây dựng của Việt Nam có thể sánh ngang tầm với thế giới. Lĩnh vực vật liệu xây dựng cũng phát triển mạnh, sản xuất được những loại vật liệu cao cấp nhất.
Bộ trưởng lưu ý trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cần thực hiện nhiệm vụ quy hoạch đô thị, phát triển nhà ở xã hội, xây lại chung cư cũ, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước… tránh tình trạng quy hoạch xây dựng một thành phố thì rất chặt chẽ, nhưng điều chỉnh lại đơn giản theo đề nghị của nhà đầu tư, phá vỡ quy hoạch chung, gây sức ép lên hạ tầng, người dân không đồng tình.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý, với trung tâm các thành phố lớn, có hai chỉ tiêu rất khó thực hiện là diện tích cây xanh và đất dành cho giao thông, nếu không quản lý tốt thì đất cây xanh sẽ ngày càng hẹp đi. Các chung cư cũ có mật độ dân số rất đông, phần lớn cư dân là hộ nghèo, nhiều gia đình chính sách, vì thế, cần xác định việc cải tạo các chung cư cũ không chỉ vì mục đích kinh doanh mà còn hướng tới an sinh xã hội, bảo đảm và nâng cao đời sống người dân.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, các ý kiến đều đánh giá cao Bộ Xây dựng đã tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Công tác quản lý quy hoạch kiến trúc có nhiều cố gắng. Công tác phát triển đô thị, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị nói chung được quan tâm, coi trọng và đầu tư phát triển. Việc phát triển nhà ở trong nhiều năm qua đạt kết quả tương đối khả quan, nhất là trong nhiệm kỳ 2016-2020.
Song, Thủ tướng cũng chỉ ra 8 hạn chế, yếu kém của ngành xây dựng.
Trước hết, thể chế, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập; cần mạnh dạn phân cấp, phân quyền với tư duy đổi mới. Công tác quy hoạch đã đạt một số kết quả nhưng chưa được thực hiện bài bản, nền nếp, "chưa ăn sâu vào tiềm thức của người lãnh đạo", cả về tư tưởng quy hoạch, không gian quy hoạch, hiệu quả quy hoạch, định hướng quy hoạch. Luật Quy hoạch đã có, Bộ phải tập trung, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế cho công tác quy hoạch.
Thủ tướng yêu cầu, quy hoạch phải xứng tầm với sự phát triển kinh tế, văn hóa và trình độ, năng lực của đất nước, xu thế của thời đại. Quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, có lớp lang, vừa khắc phục những nhược điểm.
Thời gian vừa qua, phát triển đô thị chưa bài bản, chưa dựa trên nền tảng vững chắc về xã hội, tự nhiên, nhu cầu thực tiễn và chưa theo kịp xu thế phát triển của thế giới.
Việc phân cấp quản lý nhà nước cần mạnh mẽ hơn; trong đó Thủ tướng lưu ý việc phân cấp cho các địa phương về thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quản lý xây dựng. "Bộ không nên quản lý trực tiếp các công trình xây dựng, rất mệt mỏi, rất mất thời gian. Cách làm này trong thời bao cấp thì phù hợp, nhưng hiện nay không còn phù hợp nữa", Thủ tướng gợi mở.
Thị trường bất động sản chưa thực sự được kiểm soát, chưa có chiến lược cụ thể, chưa gắn với chiến lược phát triển nhà ở một cách hài hòa, hợp lý. Dòng tiền đang chủ yếu hướng vào phân khúc bất động sản dành cho người giàu, trong khi phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp còn thiếu.
Ngoài ra, các khu chung cư cũ đang chiếm một nguồn lực lớn của xã hội nhưng chưa có cơ chế hiệu quả, phù hợp để cải tạo, xây dựng lại, giải phóng các nguồn lực này.
Chưa thực hiện tốt quy định dành 20% quỹ đất tại các dự án để phát triển nhà ở xã hội. Công tác quản lý nhà nước ở địa phương còn nhiều bất cập; trình tự, thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, cản trở quá trình phát triển.
Thủ tướng yêu cầu Bộ phải có bước đi đồng bộ, cụ thể để khắc phục các hạn chế, yếu kém này, mà trước hết phải thay đổi tư duy và nhận thức.