Tại buổi làm việc, Bộ NN&PTNT cho biết, từ tháng 12/2019 cho đến nay, ở một số khu vực, mặn đã xâm nhập vào sâu hơn cùng kỳ năm 2016. Dự báo, trong thời gian tới, mặn sẽ tiếp tục lên cao và duy trì ở mức cao đến tháng 4.
Diện tích lúa ở tỉnh Bến Tre thiệt hại do xâm nhập mặn
Theo thống kê, hiện có khoảng 95.600 hộ dân đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Ngành chức năng các địa phương đang tích cực cung cấp nước cho người dân.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, từ dự báo năm nay tình hình hạn mặn gay gắt hơn năm 2016 nên từ tháng 9/2019, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng, chống hạn mặn. Từ đó, đã hạn chế tối đa thiệt hại.
Tuy nhiên, thời gian tới, tình hình sẽ còn gay gắt nên Thủ tướng đề nghị các địa phương cùng với các bộ, ngành có liên quan tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu theo tinh thần Nghị quyết 120 và Chỉ thị 04 về giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Đồng thời, cân đối nguồn nước, cấp bách giải quyết vấn đề thiếu nước sinh hoạt cho người dân, không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là hộ nghèo, gia đình chính sách. Riêng Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT tiếp tục theo dõi, dự báo nguồn nước thượng nguồn sông Mê Kông, nguồn nước về ĐBSCL để thông tin kịp thời tới các cấp, các ngành.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ kinh phí từ ngân sách trung ương cho 5 địa phương ở ĐBSCL (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau) đã công bố tình huống khẩn cấp về hạn, mặn.
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo mục đích của việc hỗ trợ nhằm bơm nước, nạo vét kênh rạch, xây đập ngăn mặn trữ ngọt, đào ao, kéo dài đường ống, hỗ trợ thiết bị lọc, trữ nước.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN&PTNT cùng Bộ Tài Chính rà soát các nội dung cấp bách cần hỗ trợ, có đề xuất cụ thể để trình Thủ tướng Chính phủ sớm có quyết định để các địa phương triển khai. Riêng các địa phương phải chủ động bố trí ngân sách hỗ trợ đúng đối tượng, không để thất thoát ngân sách, tiêu cực xảy ra.