Trong bài phát biểu tại hội nghị diễn ra chiều nay, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói, hiện nay, hạ tầng viễn thông không chỉ là hạ tầng thông tin liên lạc, mà đã trở thành hạ tầng của kinh tế số, xã hội số, hạ tầng của CMCN 4.0, hạ tầng kết nối vạn vật.
Theo ông Hùng, phổ cập smartphone và dịch vụ di động băng rộng sẽ thay cho phổ cập điện thoại. Việt Nam muốn đi đầu trong cuộc cách mạnh số thì đầu tiên phải là phổ cập smartphone, đây là nền tảng để đưa các ứng dụng đến mọi người dân. Cấp phép tần số 4G, thử nghiệm 5G là để tăng dung lượng, tăng sử dụng data trên mỗi người dân, tăng chất lượng mạng di động băng rộng.
Việt Nam phải đi cùng nhịp với thế giới về các công nghệ mới, chúng ta sẽ không chậm chân 8 năm, 10 năm như là đối với 3G và 4G nữa. Thứ hạng viễn thông Việt Nam trên thế giới từ vị trí 108 phải về thứ hạng 30 đến 50.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông biết, sẽ đề xuất thí điểm mobile money, cho phép khách hàng chuyển tiền, mua sắm thông qua tài khoản viễn thông. Điều này sẽ giúp thanh toán điện tử đến được mọi người dân dù ở bất kỳ đâu, và kích thích kinh tế tăng trưởng.
Trong phần phát biểu kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ đồng ý cho thí điểm sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán các khoản nhỏ lẻ, trước hết cho thí điểm ở một đơn vị viễn thông.
"Tại hội nghị ASEM vừa rồi ông Tập Cận Bình nói rằng "ở Trung Quốc thanh toán điện tử chiếm tới 84%", còn Việt Nam mình thì ngược lại. Jack Ma của Alibaba nói với tôi là một năm kiếm mấy chục tỷ đôla nhờ làm thanh toán điện tử trong dân. Mình phải nhanh chóng làm cái này, vừa chống tham nhũng, tiêu cực vừa nhanh chóng tiện lợi cho người dân ở vùng sâu vùng xa. Chính phủ đồng ý chủ trương dùng tài khoản viễn thông để thanh toán nhằm thúc đẩy nhanh, mạnh hơn thanh toán điện tử chứ không chỉ ngân hàng làm điều này", Thủ tướng nhấn mạnh.
Tháng 9/2018, tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo các doanh nghiệp viễn thông đã kiến nghị Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép tham gia vào các khâu trong thanh toán điện tử.
Tại buổi gặp, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cho biết, trên thế giới đã thúc đẩy thanh toán không tiền mặt từ rất lâu, ở Việt Nam triển khai khá chậm, bởi vì để thanh toán không dùng tiền mặt thì người dân cần có tài khoản ngân hang. Vì thế, việc phổ cập dịch vụ ngân hàng tới 100% dân số là khá khó khăn.
Hiện tại, các nhà mạng có kênh thẻ cào phủ rất rộng, nếu sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán một số dịch vụ sẽ tiện lợi. Hiện tại, tài khoản viễn thông có vùng phủ xấp xỉ 100% dân số trong khi tài khoản ngân hàng chỉ có độ phủ 30-40%.
Chính vì vậy ông Long đã đề xuất Chính phủ cần sớm có chính sách cho doanh nghiệp viễn thông tham gia vào lĩnh vực thanh toán điện tử.
Cũng trong buổi làm việc này, ông Tào Đức Thắng - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, cũng có đề nghị tương tự vì nếu Chính phủ cho phép thì chỉ ngay ngày hôm sau ngân hàng điện tử có thể phủ tới 100% dân.