Hội nghị sẽ tập trung giới thiệu, mời gọi nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội 118 danh mục dự án, gồm: Du lịch (14 dự án), nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (19 dự án), sản xuất công nghiệp (17 dự án).
Đây được xem là thời điểm tốt nhất để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với các dự án mà Kiên Giang đang mời gọi đầu tư, khi mà các cấp chính quyền tỉnh đang nỗ lực hết mình trong việc hoàn chỉnh các quy hoạch; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư dựa trên khung chính sách chung và đặc thù của địa phương; cải cách thủ tục hành chính… Cùng với hệ thống hạ tầng giao thông kết nối hiện có, các công trình mới cũng đang được triển khai rất khẩn trương.
Kiên Giang có diện tích tự nhiên lớn nhất vùng ĐBSCL và dân số đứng thứ 2/13 tỉnh, thành phố trong khu vực. Với vị trí cửa ngõ phía Tây của vùng và thông ra vịnh Thái Lan, Kiên Giang có vùng biển rộng hơn 63.000 km2, gấp 10 lần diện tích đất liền của tỉnh; có đường biên giới giáp Campuchia dài hơn 58 km với cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, cùng một số cửa khẩu quốc gia. Điều này giúp Kiên Giang có lợi thế nhất định trong phát triển kinh tế biển, kinh tế cửa khẩu cũng như kết nối giao thông đường biển, trên bộ nội vùng và các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Kiên Giang có đồng bằng rộng lớn và có đầy đủ các yếu tố đặc thù của địa phương vùng sông nước. Ngoài ra, Kiên Giang còn có những yếu tố đặc trưng riêng mà ít địa phương đồng bằng ven biển nào có được như rừng nguyên sinh, sông, suối, hải đảo…
Kỳ vọng một nguồn lực mới từ các nhà đầu tư để đánh thức tiềm năng của Kiên Giang, ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định:
“ Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể với mục tiêu cao nhất là hỗ trợ tốt hơn, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Kiên Giang”.
Cổng TTĐT Chính phủ sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về Hội nghị này.