Theo đó, đến năm 2030, tổng giá trị sản xuất của Khu kinh tế Vân Đồn đạt 5,6 tỷ USD. Mục tiêu tổng quát đến 2030: Xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; là trung tâm kinh tế và văn hóa của khu vực.
Về kinh tế, đến năm 2030, tổng giá trị sản xuất đạt 5,6 tỷ USD, tương ứng GRDP đạt 1,6 tỷ USD; đóng góp vào ngân sách nhà nước 10% giá trị xuất khẩu. Về xã hội, tốc độ tăng dân số trung bình trong các giai đoạn đến 2020, 2021 – 2025, 2026 – 2030 tương ứng là 6%, 11% và 8%. Quy mô dân số tăng từ 52 nghìn người năm 2019 lên 140 nghìn người vào năm 2030. Đến năm 2030, tạo khoảng 89 nghìn việc làm; phấn đấu đến năm 2030 đạt 15 bác sỹ/1 vạn dân và 03 dược sỹ/1 vạn dân;
Ngoài ra, mục tiêu đến 2050, xây dựng và phát triển Khu kinh tế Vân đồn trở thành một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của Việt nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương..
Được biết, để tạo động lực phát triển cho địa bàn nhiều tiềm năng phát triển Vân Đồn, từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Đồn đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Ở thời điểm đó Vân Đồn đã được xác định là KKT tổng hợp được vận hành theo quy chế riêng nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh và vùng Duyên hải Bắc Bộ; là trung tâm du lịch biển đảo chất lượng cao, dịch vụ vui chơi giải trí vùng Bắc Bộ; là đầu mối giao thương quốc tế, động lực chính để phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Đông Bắc của Tổ quốc.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chủ trương của Đảng về xây dựng các trụ cột năng lực phát triển của quốc gia, với định hướng xây dựng các khu kinh tế đặc biệt ở 3 miền của đất nước, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đồng ý chủ trương cho tỉnh Quảng Ninh được lập lại Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội và Quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Đồn theo định hướng là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Tỉnh Quảng Ninh đã thuê đơn vị tư vấn tiến hành việc nghiên cứu, tư vấn xây dựng quy hoạch.
Theo đó, quan điểm chung là xây dựng phát triển Vân Đồn là một điểm đến xanh, năng động là trung tâm phát triển kinh tế, văn hóa của vùng, đảm bảo sự phát triển bền vững, có đủ khả năng thu hút các nhà đầu tư chiến lược cũng như nhân tài tới sinh sống và làm việc; xây dựng các sáng kiến xã hội nhằm đảm bảo mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân.
Vân Đồn trong tầm nhìn quy hoạch đến năm 2050 là ưu tiên phát triển các ngành nghề dịch vụ chất lượng cao, dành chủ yếu quỹ đất cho phát triển dịch vụ chứ không phải cho kinh doanh đô thị. Vân Đồn sẽ nằm trong mối liên kết với các địa phương lân cận của tỉnh Quảng Ninh nhằm tạo sự phát triển tương hỗ bền vững, hiệu quả. Các dự án, nhà đầu tư xác định thu hút vào Vân Đồn là nhà đầu tư có năng lực, đảm bảo tầm vươn quốc tế…
Trong giải pháp về đầu tư vốn thực hiện phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế Vân Đồn từ năm 2018 đến 2050, UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, dựa trên các kịch bản phát triển và tỷ lệ tăng vốn đầu ra của ngành và tăng trưởng GRDP yêu cầu, tổng nhu cầu vốn đầu tư dự kiến là khoảng 70,2 tỉ USD.
UBND tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết, Khu kinh tế Vân Đồn sẽ sử dụng các chính sách huy động vốn đầu tư và chính sách xúc tiến đầu tư.
Cụ thể, vốn đầu tư sẽ được huy động từ nguồn tư nhân và ngân sách quốc gia cũng như vốn đầu tư nước ngoài, vốn từ đất đai. Trong đó, tại khu vực tư nhân, Sun Group được đánh giá là nhà đầu tư chiến lược xây dựng sân bay quốc tế Vân Đồn. Các nhà đầu tư khác được điểm tên như FLC, CEO, MBland, Crytal Bay và HD Mon...
Riêng về phát triển du lịch, Vân Đồn định hướng phát triển du lịch sinh thái và văn hóa cao cấp. Trong đó, đáng lưu ý, Vân Đồn sẽ có phát triển các dịch vụ giải trí có casino; phát triển các khách sạn 3-5 sao; phát triển du lịch tâm linh; phát triển các gói du lịch biển từ bình dân đến cao cấp.
Trong tương lai, Vân Đồn sẽ nghiên cứu xây dựng một sân bay trực thăng (taxi trực thăng) ở cụm đảo Cái Bầu, Quan Lạn và Thắng Lợi. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng loại hình thủy phi cơ phục vụ vận chuyển du lịch và hàng hóa, phù hợp với địa hình của Khu kinh tế Vân Đồn.
Về đường bộ, sẽ xây dựng cầu Vân Tiên nối Khu kinh tế Vân Đồn với Khu kinh tế Tiên Yên, gần khu vực Cảng Mũi Chùa, nằm trong mạng lưới đường bộ quốc gia (Quốc lộ 4B). Cùng với việc xây dựng tuyến đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái, hoàn thiện xây dựng tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Trong giai đoạn ngoài 2050 xây dựng tuyến đường sắt cao tốc kết nối Khu kinh tế Vân Đồn với các khu vực trong cả nước và quốc tế…
Về đường sắt trên cao, trong giai đoạn 2030 – 2050 sẽ hoàn thành tuyến đường sắt trên cao kết nối các khu chức năng trong khu vực đảo Cái Bầu.