Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 ngành công thương tổ chức sáng 27/12, Thủ tướng giao ba mục tiêu quan trọng cho ngành trong năm tới: xuất khẩu đạt 300 tỷ USD, xuất siêu đạt 15-17% tỷ USD và tăng trưởng bán lẻ đạt 20%.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, người đứng đầu Chính phủ đề nghị ngành công thương phải bám sát sản xuất và thị trường, kịp thời để xuất, tháo gỡ vướng mắc sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu.
Đồng thời, ngành cần triển khai đồng bộ các hiệp định thương mại tự do và thị trường tiềm năng, chú ý các thị trường ngoài Mỹ như EU và những thị trường thành viên Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Đi liền với đó là hoàn thiện thể chế, tiếp tục đổi mới phương thức quản lý nhà nước, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đơn giản hóa quy trình thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng.
Đặc biệt, trong 5 vấn đề Thủ tướng giao Bộ Công Thương thực hiện, có nhiệm vụ quan trọng là lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới sáng tạo, trọng tâm phát triển của ngành, và tiếp tục tạo ra sự thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh, tạo môi trường làm việc thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2020, bộ sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ và hoàn thành giai đoạn hai chương trình cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh.
Đồng thời, ông cũng khẳng định 2020 là năm công tác về cải cách, hoàn thiện thể chế, xây dựng pháp luật và tham mưu, điều hành chính sách, hướng tới một mục tiêu duy nhất phục vụ cộng đồng doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.
Báo cáo Bộ Công Thương cho thấy, năm 2019, Việt Nam là nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 516 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng đạt 15%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2019, trong đó, có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.