UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp với UBND TP.HCM triển khai dự án theo đúng quy định hiện hành. Được biết, lưu lượng xe ra vào cảng Cát Lái hiện vượt gần gấp đôi năng lực của các tuyến đường xung quanh. Khu vực này hiện có cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, nối TP.HCM với Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tuy nhiên, tuyến cao tốc này đang chịu áp lực giao thông rất lớn và lại chỉ dành cho ôtô lưu thông. Vì vậy, nhu cầu đi lại, kết nối giữa quận 2, TP.HCM với Đồng Nai cùng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phụ thuộc nhiều vào phà Cát Lái. Nhưng lưu lượng xe qua phà cũng quá tải. Tình trạng trên khiến kẹt xe cục bộ thường xuyên xảy ra ở cả 2 đầu phà. Dự án sân bay quốc tế Long Thành sắp được thực hiện nhưng khu vực phà Cát Lái không bắt kịp tốc độ phát triển.
Ngoài ra, việc xây cầu Cát Lái kết nối Đồng Nai – TP.HCM còn giúp năng lực vận tải từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến cả các tỉnh miền Tây tăng mạnh. Cầu Cát Lái được mong chờ giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông tại khu vực cửa ngõ phía đông TP.HCM.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép Đồng Nai chủ trì, phối hợp với TP.HCM thực hiện các thủ tục để triển khai dự án xây dựng cầu Cát Lái thay cho phà Cát Lái hiện hữu.Theo đó, Đồng Nai muốn chia dự án đầu tư xây dựng cây cầu này làm 3 dự án thành phần.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, do tổng mức đầu tư của dự án lớn (hơn 7.200 tỷ đồng) nên việc triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) cho toàn bộ dự án sẽ không khả thi, vì vậy cho phép tách dự án ra làm 3 dự án thành phần.
Cụ thể, phần đường dẫn phía TP.HCM dài 623m, quy mô mặt cắt ngang rộng 60m, Chính phủ giao cho TP.HCM thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao); phần đường dẫn phía Đồng Nai dài 263m, rộng 56m do UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện theo hình thức BT.
Riêng phần cầu chính, Chính phủ giao tỉnh Đồng Nai thực hiện theo hình thức BOT. Trong quá trình nghiên cứu, nếu việc thực hiện theo hình thức BOT không khả thi sẽ chuyển sang phương án BOT kết hợp BT. Phần đất để thực hiện BT sẽ nghiên cứu sử dụng từ quỹ đất trên địa bàn Đồng Nai.
Dự án xây dựng cầu Cát Lái thay thế cho phà Cát Lái đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung Quy hoạch phát triển giao thông - vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 theo đề nghị của Bộ Giao thông - vận tải. Cầu Cát Lái bắc qua sông Đồng Nai nối quận 2 (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai).
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, sở đã kiến nghị UBND TP.HCM đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện các thủ tục để triển khai thực hiện dự án cầu thay phà Cát Lái nhằm kết nối giao thông liên vùng TPHCM, đồng thời tạo động lực trong việc phát triển đô thị mới Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai).
Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, kết nối giao thông với tỉnh Đồng Nai hướng vào trung tâm đô thị mới Nhơn Trạch giữ nguyên là phà như hiện hữu.
Thế nhưng, trên cơ sở đề xuất đầu tư của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng 194 và báo cáo của Sở Giao thông vận tải, UBND TP.HCM đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng cầu thay thế phà Cát Lái. Theo đó, tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 4,5km, quy mô mặt cắt ngang đảm bảo 6 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp.
Trong tình trạng "sốt ruột", tỉnh Đồng Nai đã chủ động làm việc với TP.HCM để đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông liên kết vùng. Cụ thể, Tỉnh Đồng Nai đã chủ động đề xuất đứng ra xây dựng và trực tiếp mời gọi các nhà đầu tư tham gia phát triển dự án cầu Cát Lái 7.200 tỷ đồng nối huyện Nhơn Trạch với quận 2 của TP.HCM.
Bởi, theo quan điểm của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, chỉ cách trung tâm quận 1 của TP.HCM khoảng 20km, nhưng hàng loạt dự án bất động sản ở Nhơn Trạch đã trở thành khu đô thị "ma" gần 20 năm qua là điều rất khó hiểu. Theo đó, tỉnh này đang làm việc với một số nhà đầu tư tiềm năng cùng bàn thảo phương án đầu tư, dự kiến Cầu Cát Lái khởi công từ năm 2020.