Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính – ngân sách Nhà nước năm 2017 và triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách Nhà nước năm 2018, sáng 8/1.
Thủ tướng, sau khi dự và lắng nghe nhiều ý kiến, đã đưa ra một số nhận xét liên quan đến vấn đề thuế.
Thứ nhất, Thủ tướng nói rằng chính sách thuế đang thay đổi nhanh, quá nhiều, dẫn đến các hệ luỵ cho người dân cũng như doanh nghiệp. Người đứng đầu Chính phủ thẳng thắn khi cho biết bên cạnh nhiều doanh nghiệp bị bắt lỗi đúng sau khi kiểm tra, thanh tra thuế thì nhiều doanh nghiệp đã bị oan sai do chính sách. “Đấy là lỗi từ cơ quan quản lý nhà nước”, ông nhấn mạnh.
Do đó, cần phải đưa ra được chính sách dài hơi hơn. Những thay đổi nhanh là minh chứng cho việc xây dựng chính sách chưa theo kịp phát triển đời sống, kinh tế - xã hội đất nước, cũng như chưa đánh giá kỹ tác động, thiếu chiều sâu, thiếu lắng nghe.
“Bộ Tài chính và các bộ cần lưu ý khi thẩm tra dự án Luật”, Thủ tướng nhắc nhở.
Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra việc cơ quan quản lý khi làm luật vẫn đang tư duy có lợi cho mình, chưa hướng đến bảo vệ quyền lợi người nộp thuế. Theo đó, các cơ quan nhà nước đang có quá nhiều quyền như phong toả tài khoản, đình chỉ hoá đơn,... trong khi đó, người nộp thuế (chủ yếu là doanh nghiệp, người dân) quyền của họ thì ít.
“Chính sách thuế của ta luôn được giải thích theo hướng có lợi cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân kêu cũng bị áp đặt là vi phạm”, Thủ tướng cho biết và nhấn mạnh việc quyền lợi của nhóm nộp thuế ít được quan tâm.
Do đó, Thủ tướng đề nghị cần sửa đổi các điều khoản, quy định bảo vệ cho người nộp thuế. Việc này nhằm tạo điều kiện phát triển cho nền kinh tế nói chung.
Vấn đề thứ hai được Thủ tướng lưu ý là thu thuế mà theo ông là vẫn tư duy theo hướng coi trọng tăng thuế hơn mở rộng cơ sở thuế. Trong làn sóng 4.0 với sự xuất hiện nhiều lĩnh vực mới như liên kết toàn cầu, nền kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, dịch vụ trực tuyến, Thủ tướng nhận định các loại hình mới này sẽ là nguồn thu mới.
“Uber, Grab, Google, Facebook,... là những mỏ vàng mở rộng cơ sở thuế”, Thủ tướng cho biết.
Tuy nhiên, Việt Nam đã đi chậm, thiếu kinh nghiệm, lúng túng trong hoạch định để quản lý và khai thác các nguồn thu này. Do đó, người đứng đầu Chính phủ cho rằng phải coi trọng, chỉ đạo mở rộng cơ sở thu thuế, kết hợp điều chỉnh thuế suất không gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế đất nước.
Ngoài vấn đề lúng túng trong quản lý các loại hình mới, Thủ tướng cũng cho rằng chính sách hội nhập tài chính còn chậm, chưa theo kịp được các nước phát triển.
Nhắc lại phiên họp của Bộ trưởng Tài chính tại APEC 2017 với chủ đề chống xói mòn cơ sở thuế, Thủ tướng nhấn mạnh cần so sánh với chuẩn mực OECD để kịp tương thích chính sách thuế. Đấy là vấn đề toàn cầu, nếu không làm được thì Việt Nam sẽ luôn đi sau.
Cuối cùng là bài toán cân đối ngân sách Nhà nước chưa vững, chưa được khoa học. Thủ tướng nhận xét mặc dù thu ngân sách năm nào cũng vượt nhưng phải đến phút 90 mới có thể biết có đảm bảo thu hay không.
Theo đó, việc cân đối ngân sách trung ương là chủ lực của ngân sách nhà nước Việt Nam chưa làm được, đấy là vấn đề cần được bàn thảo để khắc phục và thực hiện đúng.