Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ảnh VGP).
Trong phát biểu kết luận, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “sắp tới phải làm quyết liệt hơn nữa, làm sao trong 15-20 ngày tới, có thể trong vòng 1 tháng, không để dịch Covid-19 bùng nổ nặng nề ở Việt Nam. Muốn như vậy, cả hệ thống chính trị phải đoàn kết, muôn người như một, quyết tâm cao”.
Nhắc lại chủ trương cách ly trong xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh đây không phải là chuyện “ngăn sông, cấm chợ”, không phải ngăn cấm giao thông, không phải hạn chế sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cần thiết, không phải là dừng các công trình xây dựng mà quan trọng là bảo đảm an toàn cho công nhân, người lao động. Nhắc tới việc vận dụng cho đúng các biện pháp trong Chỉ thị 16, Thủ tướng yêu cầu thực hiện quyết liệt Chỉ thị này.
Thủ tướng cũng nêu rõ tinh thần chống dịch là tiếp tục “khóa chặt bên ngoài”, trừ trường hợp đặc biệt, và kiên quyết khoanh các ổ dịch bên trong, phát hiện rốt ráo, tìm dấu vết, cách ly nghiêm túc, đủ thời gian, đồng thời phải điều trị tốt, hạn chế tử vong.
Trong số các công việc trong quý II, Thủ tướng nhấn mạnh việc phải lo cho an sinh xã hội, bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 như lao động bị mất việc, người nghèo… Bên cạnh đó, cần quan tâm bảo đảm an ninh trật tự cho người dân.
Đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và quý I/2020, Thủ tướng cho rằng tăng trưởng đạt 3,82% là một cố gắng trong bối cảnh nhiều nước tăng trưởng âm hoặc bằng không.
Thủ tướng cho biết các nước hiện triển khai 3 chính sách chủ yếu, đó là nới lỏng tiền tệ, thông qua giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng, hoãn, giãn nợ. Việc này Việt Nam cũng đã thực hiện thông qua ban hành Chỉ thị 11. Nhưng Thủ tướng cho rằng, gói hỗ trợ này không chỉ 250.000 tỷ đồng mà cần cao hơn nữa.
Thứ hai là kích thích tài khóa thông qua giảm, giãn thuế, phí, tăng chi tiêu công. Gói này không phải chỉ 30.000 tỷ đồng mà nâng lên 150.000 tỷ đồng, thậm chí lớn hơn để hỗ trợ trong lúc khó khăn này.
Thứ ba, hỗ trợ người lao động mất việc, người nghèo, người yếu thế, bảo đảm an sinh xã hội, với tinh thần chuẩn bị đón bắt thời cơ, biến nguy thành cơ để phát triển khi dịch giảm, bị chặn đứng.
“Nếu dịch tiếp tục thì công tác bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của nhân dân là quan trọng chứ không phải sản xuất và kinh tế. Tôi đã nói chúng ta hy sinh quyền lợi kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Cho nên, về vấn đề kinh tế, muốn phát triển phải trên cơ sở bảo vệ sức khoẻ nhân dân, không phải là vì kinh tế mà chúng ta bất chấp những vấn đề về tính mạng, sức khoẻ của nhân dân”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nêu rõ gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ phải đúng thẩm quyền, như lĩnh vực nào thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vấn đề nào cần xin ý kiến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Không bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chưa thực sự cấp thiết; giám sát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng vốn vay, đặc biệt là nguồn vay từ các nhà tài trợ phục vụ công tác chống dịch Covid-19.
Về gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng nêu rõ Chính phủ thống nhất cao dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan rà soát kỹ, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Thủ tướng ký ban hành theo thẩm quyển.
Thủ tướng nêu rõ nguyên tắc hỗ trợ: Hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19. Không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng. Bảo đảm nguyên tắc cả người lao động, doanh nghiệp và Chính phủ cùng chia sẻ khó khăn, trong đó Chính phủ hỗ trợ một phần với mức phù hợp trong khả năng, nguồn lực. Việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
Thủ tướng đã hoan nghênh việc Bộ Công Thương, EVN giảm giá điện 10% với tổng số tiền khoảng 11.000 tỷ đồng. Tổng giá trị của gói hỗ trợ giá dịch vụ viễn thông vào khoảng 15.000 tỷ đồng...