Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ngày 20/8 tuyên bố từ chức trong bối cảnh khủng hoảng chính trị đang bủa vây và có thể khiến Rome phải tổ chức các cuộc bầu cử sớm.
Theo CNBC, ông Conte đã phải chịu nhiều áp lực từ khi một trong các phó thủ tướng - Matteo Salvini, người lãnh đạo đảng Lega thuộc cách hữu, kêu gọi tổ chức bầu cử sớm vào đầu tháng này. Ông Salvini nói rằng chính phủ liên minh dân túy không có khả năng làm việc và kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm chống lại ông Conte.
Thủ tướng Italy nói trước Thượng viện rằng động thái bỏ phiếu bất tín nhiệm bất ngờ chống lại liên minh đã buộc ông phải ngừng việc đấu tranh cho một chính phủ hiệu quả. Ông cho biết sẽ gặp tổng thống để chính thức từ chức.
Ông Conte cáo buộc ông Salvini "thiếu tôn trọng với Nghị viện" và đẩy Italy vào "vòng xoáy bất ổn chính trị và tài chính" trong nhiều tháng qua khi tạo ra một cuộc khủng hoảng không cần thiết. Ông nói rằng ông Salvini đã vi phạm cam kết của liên minh và hành động theo chủ nghĩa cơ hội chính trị, theo Reuters.
"Salvini đã thể hiện rằng ông ấy đang theo đuổi lợi ích của bản thân và đảng của mình", ông Conte phát biểu trước Thượng viện ngày 20/8. "Các quyết định của ông ấy đẩy đất nước vào những nguy cơ nghiêm trọng".
Ngồi cạnh thủ tướng trong lúc ông này phát biểu, ông Salvini bắt đầu phần tranh luận tại Thượng viện bằng câu nói: "Tôi sẽ làm lại tất cả".
Ông Conte, một chuyên gia về luật được bầu chọn bởi cả hai đảng thuộc liên minh chính phủ, nói thêm rằng cuộc khủng hoảng chính trị có thể dẫn đến sự kết thúc của chính phủ đương nhiệm. Lãi suất trái phiếu Italy giảm mạnh trong ngày 20/8 sau khi ông Conte tuyên bố ý định từ chức.
Italy, nền kinh tế lớn thứ ba tại khu vực đồng tiền chung Euro, được điều hành bởi liên minh hai đảng kể từ cuộc bầu cử vào tháng 3/2018. Trong khi đảng Lega muốn giảm thuế và chấm dứt tình trạng nhập cư bất hợp pháp thì đảng Phong Trào Năm Sao (M5S) thúc đẩy các sáng kiến nhằm gia tăng phúc lợi cho người dân.
Liên minh này đối mặt với nhiều khó khăn kể từ khi lên điều hành đất nước. Những căng thẳng nảy sinh sau các quyết định bổ nhiệm của chính phủ, do mối quan hệ của Italy với Liên minh châu Âu (EU) và gần đây hơn là vấn đề xung quanh một dự án đường sắt cao tốc.
Đảng Lega của ông Salvini hiện đang dẫn đầu các cuộc thăm dò ý kiến với tỷ lệ ủng hộ khoảng 37%. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ Đảng M5S giảm mạnh và đứng thứ ba trong các cuộc thăm dò ý kiến với tỷ lệ 18%.
Theo các nhà phân tích, tương lai của Italy giờ đây nằm trong tay Tổng thống Sergio Mattarella. Ông sẽ người quyết định có tổ chức các cuộc tham vấn để xem liệu có đảng nào có thể chiếm đa số hay không. Nếu không, ông sẽ phải kêu gọi một cuộc bầu cử mới. Trong khi đó, đảng Dân chủ đối lập được cho là đã thảo luận để thành lập một liên minh với đảng M5S.
Những động thái này diễn ra trong bối cảnh Italy vốn đang phải vật lộn với các bất ổn chính trị. Chính phủ Italy, không giống các nước khác trong khu vực đồng tiền chung châu Âu, phải xây dựng kế hoạch chi tiêu cho năm mới vào giữa tháng 10. Khả năng diễn ra bầu cử sớm khiến các nhà đầu tư phải chờ đợi xem chính phủ nước này sẽ đưa ra các mục tiêu kinh tế nào trước EU.
Italy là một trong những quốc gia có nợ công cao nhất thế giới với tỷ lệ nợ công trên GDP hơn 130%. Bất kỳ động thái tăng chi tiêu nào cũng có thể khiến tình hình nợ công của nước này thêm trầm trọng. Đây cũng chính là vấn đề khiến mối quan hệ giữa Brussels và Rome trở nên căng thẳng.
Ngày 20/8, trước Nghị viện, ông Conte nói rằng hành động của ông Salvini đồng nghĩa rằng kế hoạch ngân sách có thể sẽ không được thông qua đúng hạn. Ông nói rằng đất nước có nguy cơ rơi vào bất ổn tài chính, đồng thời đề cập tới khả năng sẽ phải tăng thuế giá trị gia tăng (VAT).