Nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh được ghi nhận
Chào đón các lãnh đạo cấp cao cùng hàng nghìn doanh nghiệp trong nước và quốc tế đến Đà Nẵng, Thủ tướng nói rằng nơi đây (Đà Nẵng và Hội An) vốn là thương cảng sôi động từ thế kỷ 17 với các đội tàu buôn của Nhật Bản, Trung Quốc, Ân Độ, châu Âu – đặt nền móng cho Việt Nam phát triển giao thương với nước ngoài. Truyền thống được tiếp nối, đến nay, Việt Nam vẫn đang nỗ lực để hoàn thiện, tiếp tục là đối tác kinh doanh đầy triển vọng, đáng tin cậy trong lòng cộng đồng quốc tế.
Theo khảo sát của AmCham tại Singapore hồi tháng 9/2017, có trên 56% doanh nghiệp được hỏi trả lời Việt Nam là đối tác thương mại tốt nhất. Báo cáo của World Bank cũng chỉ ra quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam trong 30 năm qua có ý nghĩa rất to lớn với việc cải tổ kinh tế sâu rộng, chuyển hoá thành việc tăng GDP cao, bình quân gần 7%, mức thu nhập của người dân cũng tăng cao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định GDP Việt Nam năm 2017 sẽ đạt 6,7%, bên cạnh đó, Việt Nam cũng phấn đấu tăng GDP từ 6,5 – 7% trong giai đoạn từ 2016 – 2020; thu nhập bình quân đầu người năm 2017 là khoảng 2.300 USD (theo sức mua đạt khoảng 6.800 USD). Còn báo cáo Việt Nam 2035 thì cho biết đến 2035, dân số trung lưu của Việt Nam sẽ tăng từ 10% lên trên 50%...
“Thu nhập tăng nhanh, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu khiến cho cấu trúc tiêu dùng của nền kinh tế thay đổi, mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư biết nắm bắt”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng chỉ ra rằng Việt Nam đã rất năng động trong trước những thay đổi nhanh của thời cuộc. Theo đó, đất nước hình chữ S đã tích cực chủ động hội nhập quốc tế, ủng hộ mạnh mẽ tự do hoá thương mại toàn cầu với những hiệp định FTA đã và đang được ký kết, trong đó, rất nhiều hiệp định ký với các đối tác thuộc nền kinh tế APEC.
“Sau 10 năm gia nhập WTO, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2017 đã tăng 4 lần, đạt trên 400 tỷ USD, tương đương 170% GDP”, Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã nhận được kết quả tích cực khi ghi nhận ở thời điểm hiện tại có hơn 24.200 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ 120 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số vốn đăng ký trên 310 tỷ USD, tương đương 155% GDP. Trong đó, riêng vốn FDI đến từ các nền kinh tế APEC đạt gần 250 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 80% vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong ba thập kỷ qua.
“Nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu của kinh tế APEC đã lựa chọn Việt Nam làm trung tâm sản xuất khu vực và kết nối trong chuỗi giá trị toàn cầu”, Thủ tướng Phúc nói.
Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao Việt Nam thông qua việc cải thiện thứ hạng trên bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh hay chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Ảnh: Hoàng Anh. Đồ họa: Hương Xuân.
Thị trường sản xuất, tiêu dùng đầy triển vọng
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần lượt điểm lại những điểm hấp dẫn của thị trường Việt Nam cho các lãnh đạo và doanh nhân quốc tế.
Theo đó, với dân số xấp xỉ 95 triệu người, cấu trúc dân số trẻ với gần 60% dân số dưới 35 tuổi, thu nhập tăng nhanh, tầng lớp trung lưu ngày một tăng... khiến tiêu dùng Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà sản xuất.
Bên cạnh đó, Việt Nam có khoảng 52 triệu người dùng Internet, chiếm 544% dân số, xếp thức 5 châu Á, Thái Bình Dương về dân số kết nối Internet. Số người dùng di động thông minh ở đây cũng khá cao, vào khoảng 55% khiến dự báo năm 2020, Việt Nam sẽ là quốc gia nằm trong nhóm đứng đầu khu vực về số người dùng di động.
“Đây là nền tảng quan trọng, cơ hội lớn giúp các nhà đầu tư tiềm năng kết nối dễ dàng sản phẩm, dịch vụ của mình đến khách hàng”, theo Thủ tướng.
Ông nhấn manh những kết quả trên chính là động lực để đất nước tiếp tục tự tin phát triển, đồng thời bày tỏ quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, cải cách mạnh mẽ, phát triển ổn định, bền vững hơn nữa.
Theo đó, Người đứng đầu Chính phủ đã đề ra một số định hướng chính sách trong thời gian tới.
Thứ nhất, Thủ tướng cho biết sẽ tập trung vào cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật, thúc đẩy pháp quyền. Thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao năng lực quản trị nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô theo hướng tăng trưởng bền vững, đảm bảo cho toàn xã hội, không ngừng kéo tầng lớp dân cư thu nhập thấp tiến lên hội tụ với nhóm thu nhập trung bình và khá.
“Khát vọng vươn lên làm giàu chính là chìa khoá để duy trì sự chuyển động vòng xoay tích cực thúc đẩy lẫn nhau của sự gia tăng tầng lớp trung lưu và tăng trưởng kinh tế”, Thủ tướng cho biết.
Đồng thời, theo Thủ tướng, cần chú trọng tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng giúp kết nối thành thị với nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; chú trọng phát triển y tế, giáo dục, giảm chênh lệch về an sinh xã hội...
Thứ hai, phát triển nền kinh tế khởi nghiệp sáng tạo thông qua các cam kết hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để vun đắp hiện thực hoá các ý tưởng. Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc Việt Nam sẽ cam kết bảo hộ các ý tưởng sáng tạo và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
“Chúng tôi mời gọi sự tham gia của nhiều nhà đầu tư và mong muốn có thêm nhiều quỹ hỗ trợ và đầu tư hoạt động ở Việt Nam để hoà vào cùng làn sóng khởi nghiệp”, ông nói.
Thứ ba, thực hiện cải cách thuế theo hướng gia tăng cạnh tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế, trong đó, nhấn mạnh yếu tố minh bạch, công bằng, hiệu quả theo chuẩn mực OECD.
“Trong tầm nhìn thập niên tới Việt Nam sẽ hướng đến một nền kinh tế năng động dựa trên nền tảng sáng tạo. Hội nghị hôm nay với các chuyên đề liên quan sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, chúng ta cùng hợp tác hướng đến chủ đề APEC: Tạo động lực mới cùng vun đắp tương lai”, Thủ tướng cho hay.
Trả lời câu hỏi của đại biểu: Làm gì để Việt Nam duy trì động lực tăng trưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc phải ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô (kiểm soát lạm phát, giữ giá trị đồng tiền ổn định), với chính sách tài khóa chặt chẽ.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng triển khai nhiều biện pháp đổi mới sáng tạo trong đó là cải cách thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực. Năm 2017, Việt Nam đã cắt bỏ trên 5.000 thủ tục hành chính, mang lại lợi ích về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Người đứng đầu Chính phủ cũng bổ sung, năm 2017, dù gặp nhiều khó khăn và thiên tai nhưng Việt Nam vẫn đảm bảo tất cả chỉ tiêu tăng trưởng, đặc biệt là GDP tăng ít nhất 6,7%. Trong những năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng từ 6,5 đến 7%. Thủ tướng cũng lưu ý thêm là giá dầu giảm mạnh nhưng tăng trưởng của Việt Nam vẫn cao cho thấy nền kinh tế không phụ thuộc vào khai khoáng.