Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, sáng 2/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11.
Phát biểu khai mạc phiên họp Thủ tướng đề nghị các đại biểu góp ý, đưa ra các giải pháp đột phá trong các ngành, lĩnh vực, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội với tinh thần khơi thông nguồn lực, phải có khát vọng vươn lên.
"Khát vọng đó không nằm trong phòng họp mà chính là hành động trong cuộc sống", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Xuất nhập khẩu sẽ cán đích 500 tỷ USD
Đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng, Thủ tướng cho biết, kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm lại và diễn biến phức tạp về thương mại, đầu tư, rủi ro tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng, biểu hiện rõ là phản ứng nới lỏng chính sách của nhiều nước, trong đó Mỹ đã 3 lần giảm lãi suất.
Trong nước, trước tình hình thế giới khó khăn, tháng 11 và 11 tháng, các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước đã chung sức đồng lòng nỗ lực vượt khó, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng chuyển biến tích cực.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, CPI tháng 11/2019 tăng 0,96% so với tháng trước, chủ yếu do giá thịt lợn. Tuy nhiên, bình quân 11 tháng chỉ tăng 2,57% so với bình quân cùng kỳ, đây là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Thủ tướng cũng biểu dương Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định tiếp tục hạ 0,5% lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên (lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5% xuống 6,0%/năm).
Các ngành, lĩnh vực chủ yếu tiếp tục đà phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 tăng trưởng hai con số (12,6%, đây là mức tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây). Tháng 11, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 1,8 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay, lũy kế 11 tháng đạt gần 16,3 triệu lượt người, tăng 15,4%.
Xuất khẩu đạt trên 241 tỷ USD, tăng 7,8%. Khu vực trong nước tăng 18,1%, cao hơn nhiều so với khu vực FDI là 3,8%. Xuất siêu 9,1 tỷ USD, là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam xuất siêu.
Thủ tướng nhận định, năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ cán đích 500 tỷ USD. Thu hút đầu tư tiếp tục xu hướng tích cực. Cả nước có 126.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và có 36.900 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Vốn FDI thực hiện đạt 17,6 tỷ USD, tăng 6,8%.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục được các cấp, các ngành chú trọng.
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11/2019 - Ảnh: VC
Đổi mới tư duy, xóa bỏ thói quen lạc hậu
Bên cạnh kết quả, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra một số vấn đề cần có giải pháp cụ thể để giải quyết ngay từ nay đến cuối năm cũng như đầu năm 2020.
Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp lưu ý ảnh hưởng kép của dịch bệnh và giá nông sản giảm. Không để xảy ra tình trạng khan hiếm thực phẩm trong dịp Tết. Chấn chỉnh tình trạng phá rừng, nhất là một số tỉnh ở Tây Nguyên.
Thủ tướng cũng lưu ý tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, Tp.HCM cần chú ý vấn đề này. Cần quan tâm hơn nữa các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực văn hóa, môi trường, an ninh trật tự.
Lãnh đạo cao nhất của Chính phủ đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận việc thực hiện các nhiệm vụ còn lại của năm 2019, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết 01, dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị trực tuyến toàn quốc giữa Chính phủ với các địa phương vào cuối tháng này, đưa ra các giải pháp mới, quyết liệt, thảo luận một số chỉ tiêu cụ thể như giảm biên chế năm 2020.
Đề nghị của Thủ tướng là các đại biểu góp ý, đưa ra các giải pháp đột phá trong các ngành, lĩnh vực, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội với tinh thần khơi thông nguồn lực, phải có khát vọng vươn lên.
Bên cạnh đó, phải đổi mới tư duy, xóa bỏ thói quen cũ, lạc hậu, ỷ lại,trông chờ để tiếp tục đổi mới sáng tạo, cải thiện tốt hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện giải pháp mạnh, đột phá, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế. "Chúng ta yêu cầu mức phấn đấu cao nhưng phải bảo đảm tính khả thi trong thực hiện", Thủ tướng lưu ý.