Chiều 22/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng dẫn đầu đoàn kiểm tra tại tỉnh Bắc Ninh về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết trước khi tới trụ sở UBND tỉnh, đoàn đã trực tiếp khảo sát hoạt động của Trung tâm Hành chính công tỉnh. Bắc Ninh là tỉnh thứ 2 thành lập trung tâm này trực thuộc UBND tỉnh và qua khảo sát, Tổ công tác “rất ấn tượng” với hoạt động của Trung tâm.
Thay mặt Tổ công tác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP chuyển lời khen ngợi của Thủ tướng Chính phủ với Bắc Ninh về 4 nội dung.
Thứ nhất, Thủ tướng rất khen ngợi những gì Bắc Ninh đã làm được, tỉnh phấn đấu quyết liệt với quyết tâm cao trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Thứ hai, với sự đoàn kết, đồng lòng rất cao, Bắc Ninh luôn có tốc độ phát triển tốt. Trong 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 17%. Tỉnh cũng là nơi tập trung sản xuất công nghiệp điện tử, lắp ráp, đạt nhiều kết quả về thu hút đầu tư với 291.000 lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp…
“Tỉnh đã góp phần quan trọng tạo tăng trưởng GDP cho cả nước và được nhiều địa phương học theo. Cá nhân tôi trước đây làm việc ở ở địa phương cũng rất hay mò mẫm học Bắc Ninh về các khu công nghiệp", Tổ trưởng Tổ công tác phát biểu.
Thứ ba, Thủ tướng khen ngợi Bắc Ninh có nhiều sáng tạo, đổi mới, như việc thành lập Trung tâm Hành chính công cũng là loại bỏ các quyền lợi cục bộ của các đơn vị. “Khi khảo sát tại Trung tâm này, tôi có hỏi một người dân nếu phải kẹp phong bì vào hồ sơ thì đưa cho ai, anh ta nói không có, nhưng nếu có cũng không biết đưa cho ai”, Bộ trưởng nói.
Một ví dụ khác là việc tích tụ, tập trung đất đai mà Bắc Ninh đang chủ động triển khai. Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh, tỉnh đã có trên 60 tổ chức, cá nhân tiến hành tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất trồng trọt với tổng diện tích 645 ha, bình quân 9,6 ha mỗi cơ sở.
Thứ tư, Thủ tướng khen ngợi lãnh đạo tỉnh đã hết sức quyết liệt, sâu sát trong triển khai công việc, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng cũng nêu 4 vấn đề đề nghị Bắc Ninh hết sức quan tâm. “Đây là Thủ tướng lưu ý chứ không phải Thủ tướng phê bình tỉnh”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ.
Thứ nhất, với tinh thần không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, Bắc Ninh cần hết sức quan tâm phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, xử lý nước thải, khí thải…
Thứ hai, tỉ lệ 95% đất đai được cấp sổ đỏ là tỉ lệ rất tốt, đề nghị tỉnh cần hết sức lưu ý quan tâm tới giải quyết tranh chấp đất đai, nhất là trong phát triển đô thị thông minh và thành phố đô thị trực thuộc Trung ương.
Thứ ba, tỉnh cần hết sức quan tâm giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân, các vụ việc phức tạp, đông người. Việc giải quyết các bức xúc của người dân phải từ địa phương.
Thứ tư, Bắc Ninh đang phát triển rất mạnh, thương hiệu của Bắc Ninh được các nhà đầu tư đánh giá cao với sự thân thiện của các cấp chính quyền, khả năng đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp, do đó cần hết sức quan tâm tới an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, các vấn đề nhà ở, đời sống công nhân với 291.000 lao động tại các khu công nghiệp. Cần quan tâm ngay cả những vấn đề như giá điện, giá nước cho công nhân.
“Nếu không làm tốt thì sẽ xảy ra nhiều vụ việc phức tạp, ảnh hưởng chung tới cả nước, bởi Bắc Ninh đang chiếm tỉ lệ rất lớn về hàng xuất khẩu so với cả nước”, Tổ trưởng Tổ công tác phát biểu.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thăm Trung tâm Hành chính công tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh đã báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội, tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao và làm rõ thêm về các vấn đề mà Thủ tướng lưu ý.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh, khoảng 100.000 công nhân tại các khu công nghiệp có nhu cầu thuê nhà ở. Tỉnh đã có đề án nhà ở công nhân, hiện nay đáp ứng cho khoảng 30.000 người, số còn lại đang ở trọ trong nhà dân. Khoảng 50% số công nhân ngoại tỉnh có xe của các doanh nghiệp đưa đón và xe buýt liên tỉnh. Một số khu công nghiệp đã có phòng khám đa khoa để khám chữa bệnh ban đầu cho người lao động.
“Chú trọng công tác lao động, đào tạo, giải quyết việc làm, an sinh và phúc lợi xã hội luôn được quan tâm ở mức cao so với cả nước”, UBND tỉnh cho biết.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh nêu nhiều kiến nghị với Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, Bộ Tài chính… về các vấn đề cụ thể của Bắc Ninh. Một số vấn đề đã được lãnh đạo các cơ quan trả lời ngay tại buổi kiểm tra.
Nhiều vấn đề cơ chế, chính sách chung liên quan tới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, thủ tục đầu tư, hướng dẫn Luật Quy hoạch, sửa đổi Luật Đầu tư công, chính sách tích tụ đất đai, đời sống công nhân... cũng được nêu tại cuộc làm việc.
Kết luận buổi kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng nêu rõ, các kết quả kinh tế-xã hội của Bắc Ninh, trong đó có kết quả tăng trưởng, có ý nghĩa lớn với cả nước. Trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục bám sát các Nghị quyết của Chính phủ, nhất là các Nghị quyết 19, 35 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp.
Liên quan tới nhiệm vụ đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh cần liên tục rà soát tất cả các tiêu chí, hạng mục, danh mục.
Cùng với đó, tỉnh cần tiếp tục phát huy sự năng động, sáng tạo. Chính phủ đang triển khai nhiều hội nghị lớn về các vấn đề quyết sách lớn mang tầm quốc gia, đề nghị Bắc Ninh chia sẻ kinh nghiệm về công nghiệp phụ trợ, phát triển các dịch vụ nhà ở, y tế, giáo dục… Thời gian qua, Bắc Ninh đã có nhiều cách làm sáng tạo như tổ chức tuyến xe buýt đưa đón công nhân, đề án giải quyết nhà ở cho công nhân…
Về vấn đề tích tụ, tập trung đất đai, hiện nay Thái Bình và Hà Nam đã làm đề án thí điểm nhưng qua báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh, Tổ công tác nhận thấy tỉnh có điều kiện thuận lợi về quỹ đất công ích còn rất lớn và cấp có thẩm quyền có thể quyết định cho các doanh nghiệp thuê để sản xuất nông nghiệp.
|
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tổ công tác cũng yêu cầu tỉnh hết sức quan tâm việc xây dựng chính quyền điện tử. Hiện tỉnh đã ứng dụng công nghệ thông tin rất tốt, với nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng phát triển đô thị thông minh… là những cơ sở để triển khai chính quyền điện tử. Tuy nhiên, các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 còn ít, Trung tâm Hành chính công tỉnh phải tiếp tục giảm thời gian làm thủ tục hơn nữa.
“Hiện nay chúng tôi đã áp dụng VPCP không giấy, cá nhân tôi đi công tác vẫn xử lý công việc qua mạng, một ngày ký 200 hồ sơ. Văn bản chậm thì biết ngay chậm ở đâu, thay người xử lý là văn bản nhanh ngay”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết và đề nghị các cơ quan của VPCP nghiên cứu sớm triển khai việc kết nối “không giấy tờ” với Bắc Ninh, nếu làm thành công sẽ là mô hình để VPCP triển khai với các địa phương khác.
Cùng với đó, tỉnh cần hết sức quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc “chỉ kiểm tra 1 lần trong 1 năm với 1 doanh nghiệp”. Về vấn đề môi trường, tỉnh đã làm tốt, nhưng quan tâm hơn tới các làng nghề.
Tổ trưởng Tổ công tác cũng cho biết, các kiến nghị của tỉnh sẽ được tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng.
Tính từ đầu năm 2017 tới ngày 15/6/2018, Bắc Ninh được giao 271 nhiệm vụ, trong đã đã hoàn thành 209 nhiệm vụ, 62 nhiệm vụ còn lại đang thực hiện trong hạn, như vậy không có nhiệm vụ quá hạn. Những điểm sáng khác trong tình hình kinh tế-xã hội của Bắc Ninh là công nghiệp-dịch vụ đang chiếm 97% trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chỉ còn 3%. Tỉnh cũng rất quan tâm cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính theo hướng hiện đại. Quan tâm đổi mới lề lối, phương thức làm việc theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, xây dựng chính quyền điện tử tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính… |