Sáng nay (21/10), Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất - Quốc hội khóa XV.
Phát biểu tại buổi thảo luận tổ, Thủ tướng Chính phủ đã trình bày ý kiến về công tác phòng chống COVID-19 thời gian qua, cũng như định hướng phát triển kinh tế-xã hội.
WHO đánh giá rất cao về cách tiếp cận toàn dân trong phòng, chống dịch
Theo Thủ tướng, tình hình phòng, chống COVID-19 là điều được các đại biểu, cử tri và nhân dân quan tâm nhất.
"Trong báo cáo ngày hôm qua, Chính phủ cũng đề cập đến chủng Delta gây bất ngờ không chỉ cho Việt Nam mà còn cho thế giới. Các biến chủng mới cũng liên tục xuất hiện. Tối qua tôi cũng gọi điện cho Chủ tịch một tỉnh khi ở đây xuất hiện một ổ dịch lây lan rất nhanh. Sáng nay tôi cho Bộ Y tế xuống nghiên cứu", Thủ tướng thông tin.
Đúc kết những kinh nghiệm phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng cho rằng cần phải có 3 trụ cột chính: Đó là giãn cách, cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, chặt nhất để nguồn lây không lan rộng. Xét nghiệm phải thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh nhưng phải khoa học, hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm. Điều trị nhanh chóng, tích cực, kịp thời từ sớm từ xa và hiệu quả.
"Từ 3 trụ cột này chúng ta đưa ra một công thức, lúc đầu chỉ có 5K về sau có thêm vaccine. Rồi chúng ta thấy rằng khi quản lý trên diện rộng mà bằng thủ công thì không được, do đó phải có thêm công nghệ", Thủ tướng cho biết.
Song theo người đứng đầu Chính phủ, nếu nhân dân không ủng hộ thì cũng không làm gì được. Vì vậy Chính phủ luôn nhấn mạnh và đề cao ý thức người dân trong chống dịch.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu thảo luận (Ảnh: Nhật Bắc)
Thời gian gần đây, khi vaccine đã được bao phủ ở phạm vi rộng hơn thì các chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 đã được ban hành. Thủ tướng cho rằng Nghị quyết 128 của Chính phủ đã được ban hành, nhưng tình hình COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nên đó mới chỉ là hướng dẫn tạm thời. Bộ Y tế cũng ra hướng dẫn số 4800 với định hướng như vậy.
"Chúng ta tạm thời không áp dụng các Chỉ thị 15, 16, 19 nữa, nhưng từ diễn biến thực tiễn thì vẫn đang phải bổ sung, điều chỉnh các biện pháp thích ứng với COVID-19 cho phù hợp. Vừa qua đại diện của Tổ chức y tế thế giới (WHO) đánh giá rất cao về cách tiếp cận toàn dân trong phòng, chống dịch", Thủ tướng nói.
Không nóng vội, cần nghĩ đến đoạn đường dài
Về các giải pháp kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho biết phải điều chỉnh nền tảng vĩ mô của chúng ta hiện đang tốt làm sao cho hợp lý, để vừa có thể giải quyết những khó khăn trước mắt nhưng phải đảm bảo những lâu dài. Không phải vì nóng vội trước mắt, mà mình lại không nghĩ đến đoạn đường dài, sau này phải giải quyết hậu quả.
"Quan điểm là vừa đảm bảo cái trước mắt, vừa đảm bảo cái lâu dài. Chúng ta tính thế nào để nợ công không tăng lên quá nhiều, bội chi ngân sách hợp lý", Thủ tướng cho biết.
Theo Thủ tướng, chúng ta điều chỉnh theo hướng tập trung vào một số việc, đầu tiên là phòng chống dịch (nâng cao năng lực y tế, nhất là năng lực y tế tuyến cơ sở…). Thứ 2, cần tập trung lo công tác an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc. Thứ 3, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thêm "sức khoẻ". Thứ 4, tập trung xây dựng hạ tầng chiến lược góp phần "vừa kéo, vừa đẩy" nền kinh tế.
"Hạ tầng chiến lược phát triển thì không gian phát triển của chúng ta lớn hơn, giúp cho điều kiện tăng trưởng lớn hơn. Tập trung phát triển hạ tầng chiến lược để hạn chế việc đầu tư manh mún, dàn trải", Thủ tướng cho biết.
Tiếp theo, tập trung cải cách thủ tục hành chính, đơn giản, không phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó là công tác chống tiêu cực, lãng phí.