Trong năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 nhưng Kiên Giang đã nỗ lực, cố gắng để phát triển kinh tế của tỉnh. Cụ thể, nền kinh tế của tỉnh giữ ở mức ổn định và có mức tăng tưởng là 0,58%, tỉnh là 1 trong 6 tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long có mức tăng trưởng dương.
Thủ Tướng đánh giá Kiên Giang đã rất nỗ lực trong phát triển kinh tế. Tỉnh đã có mức tăng trưởng dương; nông nghiệp phát triển theo hướng sạch, hữu cơ; giá trị sản xuất công nghiệp tăng; tỷ lệ người dân dùng điện lưới quốc gia đạt 99,6% trong điều kiện dân cư sinh sống trên 43 đảo khác nhau.
Cùng với đó, tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa cao và tăng nhanh, đạt 34,49%; các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy; quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền tuyến biên giới và biển đảo được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được bảo đảm.
Năm 2022, Kiên Giang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6,02%, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt 61,3 triệu đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 11,68%. Tổng thu ngân sách đạt 11.048 tỷ đồng. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội là 41.111 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh sẽ giải quyết việc làm cho 35.000 lượt lao động. Kiên Giang đặt mục tiêu thêm 2 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới và giữ tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở mức 1%.
Cùng với đó, Kiên Giang đã nêu một số đề xuất liên quan tới lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy sản; đầu tư mở rộng sân bay Phú Quốc và sân bay Rạch Giá; mở cửa khẩu phụ tuyến biên giới. Ngoài ra, tỉnh đề nghị điều chuyển đoạn tuyến Quốc lộ 80 về cho tỉnh quản lý, khai thác; xây dựng 18 cống trên tuyến đê biển, ven biển; kéo lưới điện quốc gia cho 2 xã đảo còn lại; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa.
Dựa trên những đề xuất mà tỉnh đưa ra, Thủ tướng đánh giá cao công tác chuẩn bị của Kiên Giang về các tài liệu, báo cáo, đề xuất. Bên cạnh đó, Thủ tướng nhận định, Kiên Giang là tỉnh có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, tỉnh nằm ở khu vực biên giới Tây Nam, tỉnh duy nhất có đường biên giới trên biển và trên bộ với Campuchia.
Không chỉ vậy, tỉnh còn có điều kiện phát triển tốt toàn diện với dân số 1,8 triệu người, hệ sinh thái biển phong phú, đa dạng, hiếm có. Đặc biệt, tỉnh có diện tích tương đối lớn; giao thông đường bộ tuy còn khó khăn nhưng thuận lợi về hàng không với 2 sân bay Phú Quốc và Rạch Giá.
Do đó, Thủ tướng đánh giá: "Ít tỉnh nào có điều kiện thuận lợi về tự nhiên như Kiên Giang, cùng với truyền thống lịch sử, văn hóa rất hào hùng".
Trên thực tế, Kiên Giang là một trong những tỉnh thực hiện phòng, chống dịch tốt và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. Trong hai tháng đầu năm 2022, tỉnh đã thực hiện thí điểm mở cửa du lịch và kinh tế - xã hội có dấu hiệu khả quan. Cụ thể, lượng khách du lịch đến với Kiên Giang đạt hơn 1 triệu lượt, tăng 4,22% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế chiếm 37,9% lượng khách du lịch quốc tế của cả nước, đạt gần 19.000 lượt.
Tuy nhiên, Thủ tướng nhận định thêm, Kiên Giang có tiềm năng lớn nhưng phát triển chưa tương xứng. Cụ thể, cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với các tỉnh khác; quy mô nền kinh tế còn nhỏ; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Trong năm 2021, thu ngân sách của tỉnh chưa đạt yêu cầu; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; chỉ số năng lực cạnh tranh còn thấp, an sinh trật tự tiềm ẩn những diễn biến phức tạp.
Do đó, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các cấp của tỉnh phải trăn trở nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa. Đặc biệt, Kiên Giang cần tổng kết, phát huy bài học, kinh nghiệm từ phát triển Phú Quốc để tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ.