Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Theo Quyết định 56/QĐ-TTg nói trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ làm Trưởng ban Chỉ đạo. Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính và Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm Phó trưởng ban Chỉ đạo.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân làm Ủy viên thường trực. Các ủy viên khác là lãnh đạo các cơ quan, bộ, ngành, địa phương liên quan.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng liên quan đến các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Hoạt động, phân công trách nhiệm cụ thể đối với các thành viên của Ban Chỉ đạo thực hiện theo Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo và thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo gồm đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và một số cơ quan liên quan.
Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo do ngân sách nhà nước đảm bảo và được bố trí trong dự toán chi hoạt động hàng năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Trước đó, Quốc hội và Chính phủ đã thông qua việc thành lập 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong ( Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Hiện Chính phủ cũng đã thông qua luật riêng cho các đặc khu nói trên, trong đó thống nhất phương án tổ chức chính quyền Đơn vị theo mô hình Trưởng Đơn vị do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, không tổ chức Hội đồng nhân dân; quy định phân cấp cho Trưởng Đơn vị một số thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, UBND cấp tỉnh; bổ sung quy định cơ chế giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với Trưởng Đơn vị; tổ chức và hoạt động của các cơ quan: Tòa án, Kiểm sát, Thi hành án là cấp đặc biệt, có đủ thẩm quyền trong hoạt động tư pháp, tố tụng.
Về nguồn vốn đầu tư cho đơn vị, quy định kết hợp các nguồn hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách Trung ương và để lại hợp lý nguồn tăng thu của Đơn vị để đầu tư hạ tầng thiết yếu ban đầu.