Thủ tướng và Phu nhân cùng Đoàn Cấp cao Việt Nam sẽ sang thăm chính thức New Zealand từ ngày 11 – 14/3. Từ ngày 14 – 18/3, đoàn sẽ thăm chính thức Australia và dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN – Australia tại Sydney.
Các chuyến thăm được thực hiện theo lời mời của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull.
New Zealand và Australia đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP (TPP – 11) vừa được ký kết hôm 8/3 tại Chile. Chuyến thăm của Thủ tướng Phúc được xem là sẽ thắt chặt hơn nữa quan hệ muốn hợp tác của ba thành viên quan trọng trong CPTPP.
Tiềm năng thương mại lớn với New Zealand
New Zealand và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1975 đến nay. Kể từ đó, mối quan hệ của hai nước luôn phát triển tích cực và tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực.
Ngay từ năm 2009, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Năm 2013, hai nước ký Chương trình hành động giai đoạn 2013-2016 triển khai quan hệ Đối tác toàn diện. Năm 2015, hai nước ra Tuyên bố chung nhất trí tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện hướng tới Đối tác chiến lược.
Bên lề Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương - APEC 2017, Việt Nam-New Zealand cũng đã hoàn tất việc soạn thảo và ký Chương trình Hành động giai đoạn 2017-2020.
Nếu như về đối ngoại, New Zealand coi Việt Nam là nhân tố quan trọng trong chính sách đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thì về kinh tế, New Zealand đánh giá Việt Nam là một đối tác tiềm năng.
Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 17 của New Zealand và là quốc gia trong khối ASEAN đạt tốc độ phát triển nhanh nhất trong quan hệ thương mại với New Zealand.
Trong 5 năm gần đây, kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều đặn từ 15-20%. Năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 900 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất hơn 425 triệu USD và nhập hơn 401 triệu USD.
Đến nay, New Zealand có 28 dự án còn hiệu lực ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 101,94 triệu USD, đứng thứ 41/120 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Trong khi đó, Việt Nam là nhà xuất khẩu đứng thứ 19 vào thị trường New Zealand và có 6 dự án liên doanh đầu tư tại New Zealand với tổng vốn đăng ký là 25,62 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo; khách sạn và ăn uống; nông lâm nghiệp và thủy sản…
Với đà thuận lợi về kinh tế, hội nhập, mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều của 2 nước có thể đạt đến 1,7 tỷ USD vào năm 2020. Bên cạnh đó, khi CPTPP đi vào hiệu lực, sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác hơn về thương mại cho hai nước.
Quan hệ dấu mốc với Australia
Ngay sau chuyến thăm New Zealand, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ sang thăm chính thức Australia và dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN- Australia.
Chuyến thăm Thủ tướng được xem là dấu mốc quan trọng, vì trong chuyến thăm này hai nước sẽ chính thức nâng cấp quan hệ lên tầm cao mới vào đúng dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Mặt khác, Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Australia có chủ đề "Tăng cường An ninh và Thịnh vượng ở khu vực" mà Thủ tướng Phúc tham gia, là Hội nghị Cấp cao đầu tiên giữa hai bên được tổ chức tại Australiatheo đề xuất của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, nhằm tái khẳng định cam kết của Australia đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN trong giai đoạn mới.
Trên tinh thần quan hệ song phương tốt đẹp với Australa, Việt Nam sẽ tham gia đóng góp trên tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm, cùng Australia và các nước ASEAN bảo đảm thành công cho Hội nghị, qua đó, đề ra những định hướng phát triển quan trọng cho quan hệ đối tác ASEAN- Australia trong giai đoạn mới.