Vào ngày 22/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị tổng kết hai năm Việt Nam đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 do Bộ Ngoại giao tổ chức.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam đã có một bước tiến rất dài, trải qua nhiều cuộc chiến tranh, bao vậy cấm vận, mất rất nhiều công sức, thậm chí là xương máu để trở thành một quốc gia hội nhập quốc tế sâu rộng, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế như hiện nay.
Theo Người đứng đầu Chính phủ, việc Việt Nam lần thứ hai đảm nhiệm vị trí quan trọng này (chỉ hơn 10 năm sau khi kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên) với số phiếu bầu gần như tuyệt đối (192/193 phiếu) cho thấy vị thế của đất nước và sự tín nhiệm cao của quốc tế đối với chính sách đối ngoại của chúng ta, kết quả hoạt động của các cơ quan đối ngoại, nhất là Bộ Ngoại giao.
Trong bối cảnh quốc tế, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược gay gắt, thuận lợi và thách thức đan xen, Thủ tướng mong muốn ngành ngoại giao sẽ tiếp tục vai trò tiên phong, đi trước mở đường giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng vào công cuộc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và phát triển đất nước trong tình hình mới.
Lấy ví dụ về về đường lối đối ngoại linh hoạt trong hoàn cảnh cụ thể để đạt được mục tiêu, Thủ tướng đã chia sẻ chuyện ngoại giao vaccine trong phòng chống dịch thời gian qua. Cụ thể, Thủ tướng cho biết, thời điểm Việt Nam chưa có vaccine, chưa có thuốc, kinh nghiệm về chống dịch cũng như hiểu biết về các biến chủng Covid-19, nên các biện pháp hành chính đã là lựa chọn chính để chống dịch.
Tuy nhiên, khi chiến lược vaccine, trong đó có ngoại giao vaccine được triển khai, thì số lượng vaccine từ 300.000 liều vào tháng 8/2021 đã tăng lên 42 triệu liều vào tháng 10/2021, và tới nay đã có tới gần 210 triệu liều.
"Chúng ta đã vận động tích cực để các nước, đối tác nhượng lại, mua, vay… Nói chung là làm tất cả biện pháp để có vaccine. Báo cáo bác Khiêm (nguyên Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm), lúc đó không sĩ diện gì hết, miễn có vaccine", Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng cho hay, ngay khi có vaccine, cũng như kinh nghiệm chống dịch dần được tích lũy nhiều hơn, Việt Nam đã ngay lập tức chuyển đổi trạng thái chống dịch sang thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.
"Lúc đó, ý kiến khác nhau nhiều lắm, rồi nghi ngờ không biết đi đến đâu, như thế nào nhưng chúng ta đã giữ bản lĩnh, tiếp tục ngoại giao vaccine. Đến nay, chúng ta là một trong số ít nước đạt độ phủ vaccine rất cao. Cho tới lúc này, kết quả cho thấy việc chuyển đổi trạng thái chống dịch là đúng. Giờ đây, chúng ta bình tĩnh chúng dịch và khôi phục kinh tế, xã hội", Thủ tướng phân tích.
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị tổng kết hai năm Việt Nam đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Ảnh: VGP
Tiếp tục xây dựng trường phái đối ngoại "Cây tre Việt Nam"
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, đối ngoại nói chung, ngoại giao đa phương nói riêng cần bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, coi đối ngoại đa phương là một định hướng chiến lược quan trọng.
Qua đó, Thủ tướng đã đưa ra một số nhiệm vụ chính với mục tiêu tiếp tục xây dựng trường phái đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa, bản sắc "Cây tre Việt Nam".
Một là, triển khai toàn diện, đồng bộ các hoạt động đối ngoại đa phương trên các lĩnh vực, nhất là thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Hai là, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt hòa giải, tham gia định hình luật chơi tại các diễn đàn đa phương phù hợp với điều kiện cho phép, thông qua việc đăng cai các hội nghị quốc tế lớn, ứng cử và đảm nhiệm các vị trí quan trọng tại các tổ chức quốc tế; chủ động đề xuất các sáng kiến, tạo dấu ấn tích cực, nâng cao vị thế và giá trị Việt Nam trong quan hệ với các nước.
Ba là, các hoạt động đối ngoại cần được triển khai trên cơ sở "tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, lắng nghe, hợp tác, hiệu quả và cùng phát triển", tạo cơ sở tranh thủ nguồn lực quốc tế, góp phần thực hiện khát vọng phát triển bền vững đất nước.
Bốn là, hệ thống các cơ quan đối ngoại, các cơ chế phối hợp cùng cần tiếp tục rà soát, kiện toàn để nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp xử lý các nhiệm vụ chung trong triển khai công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của đất nước.
Năm là, các công tác cán bộ với tinh thần "cán bộ là cái gốc của mọi công việc" cần phải được chú trọng. Đồng thời, các phương án tăng cường đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực đẳng cấp quốc tế cần phải được chú trọng.
Cuối cùng, ngoại giao nói riêng và Việt Nam nói chung phải kiên trì, kiên định, kiên quyết, kiên nhẫn giữ vững bản lĩnh và những vấn đề có tính nguyên tắc.