"Proton cũng giống như con tôi" - Thủ tướng Tun Mahathir Mohamad đã từng nói như vậy về thương hiệu xe hơi nội địa đầu tiên của Malaysia, khi đau đớn chứng kiến hãng xe từng là huyền thoại của ngành công nghiệp ô tô Đông Nam Á bị bán cổ phần cho Trung Quốc.
Năm 1979, "Cha đẻ của hiện đại hóa Malaysia", Thủ tướng Tun Mahathir Mohamad, (lúc đó là Phó Thủ tướng Malaysia), chính là người đã đưa ra ý tưởng thành lập ngành sản xuất và lắp ráp ô tô ở Malaysia. Ước mơ của ông là tăng tốc công nghiệp hóa để bắt kịp các quốc gia phát triển. Nội các thông qua Dự án Xe hơi Quốc gia vào năm 1982.
Proton (Proton Holdings Berhad) là nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Malaysia. Thủ tướng Mahathir vô cùng tự hào về thương hiệu này. Chiếc xe đầu tiên, Proton Saga, lần đầu tiên xuất hiện vào tháng 7/1985.
Proton ban đầu không tạo ra lợi nhuận. Nhưng đến giữa những năm 1990, Proton đã có lãi. Năm 1995, Proton đã sản xuất 180.000 xe hơi. Hơn 10.000 chiếc được bán ở Anh. Tỷ lệ nội địa hóa đã tăng từ 42% vào năm 1985 lên 80% vào năm 1995. Proton đã xây dựng một nhà máy thứ hai trị giá 800 triệu USD vào năm 2000 với công suất gấp ba lần. Thành công của Proton là nền tảng của nỗ lực công nghiệp hóa kinh tế Malaysia trong thời điểm đó.
New York Times đánh giá: Proton quan trọng không chỉ vì họ là một doanh nghiệp lớn, mà họ chính là chìa khóa toàn bộ ngành công nghiệp ô tô Malaysia, để có thể cạnh tranh với ô tô Thái Lan và Trung Quốc.
Tuy nhiên, những người kế nhiệm Mahathir sau đó đã hạ thuế nhập khẩu xe hơi, dẫn tới việc doanh số của Proton sụt giảm, vị thế của thương hiệu này không còn được như ban đầu.
Tại Hội nghị Nikkei lần thứ 24 về Tương lai châu Á vào tháng 6/2018, khi vừa mới trở lại cương vị thủ tướng, Tiến sĩ Mahathir tiết lộ rằng Chính phủ Malaysia đang lên kế hoạch cho một dự án xe hơi quốc gia mới, và đó chính là yếu tố then chốt để thành công. Ông nói: "Đây không chỉ là về xe hơi, mà còn là việc tăng trình độ lao động mà ngành công nghiệp này có thể mang lại, cũng như kích thích các lĩnh vực kinh tế khác".
"Chúng ta có thể tiến vào thị trường Trung Quốc, phát triển động cơ, mẫu xe mới. Proton có thể cạnh tranh. Để công ty nước ngoài vào thì được lợi gì? Khi người nước ngoài chỉ lắp ráp xe của họ ở đây? Chúng ta chẳng học được gì" - ông Mahathir nói. Ông muốn các nhà phê bình kiên nhẫn với Proton, và nhấn mạnh rằng dự án xe hơi quốc gia sẽ có lợi ích toàn diện hơn cho Malaysia.
"Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô sẽ giúp Malaysia thích nghi với các công nghệ tương lai tinh vi và biến chúng ta thành một quốc gia công nghiệp có hệ thống" - Tiến sĩ Mahathir nói. "Chúng ta cần phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, các đối tác nước ngoài lúc ban đầu, nhưng cuối cùng chúng ta sẽ có thể tự làm mọi thứ".
Ông cũng nói rằng Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế (MITI) đang trong quá trình cải cách Chính sách Ô tô Quốc gia. Chính sách mới sẽ bao trùm toàn bộ hệ sinh thái ô tô: xe thế hệ tiếp theo (NXGV), Di động dịch vụ (MaaS) và Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như Trí tuệ nhân tạo (AI).
"Tham vọng của chúng tôi là bắt đầu một chiếc xe quốc gia khác (không phải là Proton), có lẽ với sự giúp đỡ từ Đông Nam Á" - ông phát biểu tại hội nghị Nikkei lần thứ 24 - "Malaysia có khả năng thực hiện gần 100% việc phát triển một chiếc ô tô mới. Điều này có thể đạt được khi có sự tham gia của các đối tác nước ngoài".
Hôm nay, tại Làng phần mềm FPT ở Hòa Lạc, Hà Nội, Thủ tướng Mahathir chạy thử xe Vinfast. 3 mẫu xe đầu tiên của thương hiệu Việt Nam là Fadil, Lux A2.0 và Lux SA2.0 được trưng bày để Thủ tướng Malaysia chọn và lái thử.