Cụ thể, về kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%. Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân dưới 4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuấ khẩu dưới 3%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.
Về xã hội, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 25%.
Về môi trường, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90%, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.
Theo Thủ tướng, để đạt được những mục đích này, Việt Nam cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Chính sách tiền tệ phải chủ động, linh hoạt nhưng thận trọng, phối hợp hiệu quả với chính sách tài khoá và các chính sách khác.
Việt Nam cần tăng cường kỷ luật tài chính – NSNN, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên…
Việt Nam cũng cần cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu dựa vào tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Thủ tướng cũng nhắc đến việc phải đẩy mạnh cơ cấu lại giữa các ngành và nội ngành dựa vào lợi thế so sánh và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; tập trung phát triển những ngành công nghiệp mũi nhọn, có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao, sử dụng nhiều lao động; tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo. Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng cần huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền.
Việt Nam cần phát triển hạ tầng số trên nền tảng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại. Đồng hành cùng thế giới đưa mạng 5G vào hoạt động với thiết bị sản xuất trong nước; phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái số Việt với các nền tảng dùng chung, các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; từng bước tiến đến làm chủ các công nghệ nền tảng cho chuyển đổi sang nền kinh tế số…