Cuộc họp thảo luận việc chuẩn bị tổ chức một hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương bàn về 4 nội dung chính: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch COVID-19.
Tại cuộc họp hôm nay, các bộ, ngành đã thảo luận về các gói hỗ trợ cho cho các lĩnh vực như sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội… cũng như một số gói giải pháp khác dự kiến sẽ đưa ra hội nghị tới đây.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ Thường trực Chính phủ cơ bản đồng ý với báo cáo của các bộ, ngành đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kích thích kinh tế trên các lĩnh vực, đẩy nhanh đầu tư công, hỗ trợ việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội.
Thủ tướng lưu ý, 4 báo cáo lớn đối với 4 nội dung này cần chuẩn bị công phu, sẽ do 4 đồng chí Bộ trưởng trình bày tại hội nghị dự kiến diễn ra vào 31/3 tới. Khâu chuẩn bị rất quan trọng, "chúng ta phải dày công nghiên cứu". Những nội dung hội nghị đề cập cũng là những vấn đề người dân, xã hội quan tâm, do đó, phải nâng cao tinh thần trách nhiệm để hội nghị đạt kết quả tốt.
Hội nghị sẽ tập trung thảo luận về các biện pháp để "qua cơn đại dịch, chúng ta phải làm gì để vực dậy nền kinh tế". Thủ tướng cho rằng, trong các báo cáo phải nêu rõ quyết tâm của Chính phủ, của tư lệnh ngành, bộ trưởng để vực dậy nền kinh tế. Câu hỏi đặt ra là làm sao Việt Nam phục hồi nhanh sau dịch, làm sao các doanh nghiệp, các địa phương và người dân thấy được tình hình này để trước hết là tự cứu mình, tự tái cơ cấu, vươn lên chứ không phải tinh thần ỷ lại?
Vì thế, Thủ tướng đề nghị theo từng chuyên đề, phải đi sâu vào những biện pháp thuộc trách nhiệm của Chính phủ, ngành và địa phương, phải lo với một tinh thần lớn là nâng gói hỗ trợ của các đơn vị được báo cáo nhiều hơn, "số hiện nay còn quá ít". Phải làm sao nhân dịp này tái cơ cấu lại doanh nghiệp và nền kinh tế, tái cơ cấu thị trường, tổ chức lại sản xuất, đào tạo… Chúng ta lo phát triển sản xuất và phải lo cả đời sống nhân dân, làm sao bảo đảm cung cấp đầy đủ hàng hóa cho người dân trong lúc diễn ra dịch và sau dịch. Một số mặt hàng ảnh hưởng đến CPI phải được ổn định. Phải đổi mới cách làm nhanh hơn, như trong "thời chiến", cải cách thủ tục, Thủ tướng nói. Càng khó khăn chúng ta càng quyết tâm, đoàn kết, nhất trí.
Bên cạnh nêu các giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, cần đề xuất các giải pháp phải xin ý kiến của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tổng hợp báo cáo.
Thủ tướng nêu rõ, làm nhanh nhưng không được lợi dụng tham ô, tham nhũng. Về vấn đề đầu tư công, Thủ tướng nêu rõ cần giải ngân hết số vốn còn lại trong năm 2019 và kế hoạch năm 2020, gần 700.000 tỷ đồng (khoảng 30 tỷ USD), làm quyết liệt các dự án trọng điểm, có chế tài xử lý nghiêm minh.
Về giải pháp tài khoá, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát gói hỗ trợ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác, tăng chi chống dịch, cắt giảm chi thường xuyên, tính toán tăng bội chi do giảm thu, tăng chi ngân sách nhà nước…
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Về tiền tệ, Thủ tướng nêu rõ, thống nhất định hướng các giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện và đề xuất thời gian tới, lưu ý các giải pháp hỗ trợ vốn, giảm lãi suất, trong đó tiếp tục nghiên cứu việc cho vay tái cấp vốn, lãi suất 0% hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động…Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì cùng Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm nguồn lực bổ sung cho ngân sách Nhà nước.
Thủ tướng cũng đề nghị tính toán, nghiên cứu một gói nữa từ trái phiếu Chính phủ để kích cầu.
Về gói hỗ trợ lao động, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng thống nhất 6 điểm mà Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH kiến nghị, đề nghị báo cáo cấp có thẩm quyền.
Về vấn đề cho doanh nghiệp vay không lãi suất để trả lương cho người lao động, Bộ LĐTB&XH phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước thực hiện.
Về tín dụng tiêu dùng, Thủ tướng thống nhất đề nghị của Bộ Công Thương, giao Bộ Công Thương cùng Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế cụ thể, "kích cầu lên mạnh mẽ hơn bằng giải pháp nào?".
Về phương án bảo đảm an ninh trật tự, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an tiếp thu ý kiến, hoàn thiện báo cáo, các giải pháp, tình huống có thể xảy ra.
Tại hội nghị sắp tới, Thủ tướng cũng mong muốn các địa phương phát biểu về các giải pháp, "chứ không phải kêu khó".