Chiều 8/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là thành viên Chính phủ cuối cùng đăng đàn trong phiên chất vấn.
Trước khi bắt đầu trả lời chất vấn, Thủ tướng đã gửi lời cảm ơn đến các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát, đánh giá với Chính phủ và các thành viên Chính phủ.
Ông cũng mong các đại biểu cùng chia sẻ những thách thức, khó khăn trên đường đi đến mục tiêu phấn đấu xây dựng Việt Nam trở thành nước công nghiệp, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa cũng như mục tiêu làm cho đất nước cường thịnh, bền vững và thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển.
"Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, cha ông ta, những bậc tiền bối của chúng ta chưa bao giờ khuất phục trước ngoại bang, chưa bao giờ lùi bước trước những khó khăn, gian khổ", Thủ tướng nói.
Theo ông, để tiếp nối truyền thống đó, người Việt phải nỗ lực phấn đấu với tinh thần tự lực, tự cường với tất cả lòng tự hào, tự tôn dân tộc để vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng đất nước giàu mạnh, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, xã hội bình yên, thịnh vượng.
Thủ tướng nhấn mạnh: Thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình. Nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu kinh tế. Mà thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí mạnh mẽ vươn lên và nguy cơ lớn nhất là không hành động vì sợ trách nhiệm.
"Nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước ta không phải là rừng vàng, biển bạc. Nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước ta chính là con người, là gần 100 triệu người dân Việt Nam", ông nói.
Theo đó, ông khẳng định Đảng và Nhà nước ta cùng cả hệ thống chính trị cam kết luôn nỗ lực chăm lo cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, được học hành, được có việc làm, không ai bị bỏ lại phía sau.
"Phải làm sao để mỗi người dân Việt Nam có cơ hội thực hiện khát vọng làm giàu hợp pháp, phát triển khả năng trên chính mảnh đất quê hương", ông nói.
Thủ tướng cũng đã bày tỏ lòng tiếc thương tới những công dân Việt Nam thiệt mạng trong thảm kịch vừa xảy ra tại Anh.
"Chúng ta không được để thảm kịch đó tái diễn! Thực tiễn và bối cảnh đòi hỏi chúng ta phải hành động thiết thực hơn nữa, nhanh và mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để đạt mục tiêu chiến lược là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", Thủ tướng nói.
Để đạt được mục tiêu này, theo ông, cần phải quyết chí, đồng tâm hợp lực với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Bởi Nghị quyết, chính sách của quốc gia thực thi có hiệu quả hay không thì cần có sự chung tay vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò chủ động, tích cực của các địa phương.
Theo ông, cùng một thể chế và chính sách nhưng một số địa phương tạo được môi trường đầu tư, kinh doanh rất tốt trong khi nhiều địa phương khác lại chưa tốt. Không ít ngành, địa phương giải ngân vốn đầu tư công cao, nhưng ngược lại nhiều nơi còn rất thấp.
"Tại sao cùng vướng mắc như nhau, có địa phương chủ động quyết liệt tháo gỡ để triển khai thành công, có địa phương lại chưa làm được? Câu trả lời chủ yếu nằm ở sự quyết tâm của mỗi chúng ta, ở việc nhận diện những khó khăn, thách thức và năng lực sáng tạo, sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện của chúng ta", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.