Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra một số quan điểm, định hướng chủ đạo trong thời gian tới. Thủ tướng nêu rõ, thứ nhất, kiên quyết không để dịch bệnh quay lại. Thứ hai là giải pháp phục hồi phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập.
Thứ ba, điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động hơn, linh hoạt, hiệu quả hơn để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phù hợp, đồng thời duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài.
Kiểm soát giá phải thúc đẩy phát triển, kích thích tăng trưởng, kiềm chế lạm phát nhưng không thắt chặt tiền tệ. Tín dụng năm nay phải tăng trưởng ít nhất 10%. Tỷ lệ nợ công có thể tăng thêm 2-3%. Phải có cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp để kích thích mạnh mẽ những động lực chủ yếu tăng trưởng kinh tế bao gồm đầu tư, tiêu dùng.
Đối với việc giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nhắc, nguồn vốn cần giải ngân trong năm 2020 rất lớn (700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD), trong đó 60% nằm ở các địa phương. Phải kịp thời giải quyết vướng mắc về giải phóng mặt bằng. "Đồng chí bí thư, chủ tịch đi kêu gọi vốn về thì phải tập trung chỉ đạo vấn đề này, đừng chỉ khoán trắng cho cấp dưới, không có đủ khả năng tháo gỡ".
Thủ tướng cho biết, Chính phủ thành lập đoàn kiểm tra một số địa phương, đơn vị để xem xét tiến độ, kiên quyết điều chuyển vốn ngay tháng 8/2020. "Lần này Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải ra tay, không để tình trạng trì trệ. Bởi cơ chế trước đây phải trình Quốc hội thì nay Quốc hội đã có nghị quyết giao Thủ tướng về vấn đề này. Anh nào không giải ngân được thì điều chuyển sang đơn vị khác, nhiều đơn vị đang thiếu vốn". Việc giải ngân vốn đầu tư công được coi là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ năm nay của các cấp, các ngành, các địa phương.
Về tiền tệ và tín dụng, Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách gia hạn nợ, miễn giảm lãi suất, chi phí đối với khoản vay mới và khoản vay hiện hữu. Ngân hàng thương mại phải chia sẻ với doanh nghiệp trong lúc này.
Trước đó, Thống đốc NHNN cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu vay vốn thấp và tín dụng tăng trưởng chậm, đặc biệt tháng 4-5 khá yếu. Tuy nhiên, từ cuối tháng 5 đến nay tín dụng đã tăng trưởng khá mạnh trở lại. Đến ngày 29/6 tín dụng tăng 3,26%. Trước đó, tháng 3 tín dụng mới chỉ tăng khoảng 1,13%; tháng 4 tăng 0,12%; nhưng đến tháng 5 đã tăng lại 0,53% và đến 29/6 thì mức tăng so với tháng 5 là 1,28%.