Sáng 16/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và chủ trì Hội nghị toàn quốc về logistics.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chi phí logistics ở Việt Nam rất cao và mới chỉ tổ chức giao thông vận tải đơn tuyến, đơn lẻ. Các biện pháp kết nối, giao nhận, tổng hợp,... chưa hiệu quả. Có tới 40-50% xe quay về nhưng không chở hàng.
Trong khi đó, vai trò của logistics rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam, với giá trị 41 tỷ USD. Đây cũng là 1 trong 12 nhóm ngành được cộng đồng kinh tế ASEAN ưu tiên hỗ trợ, phát triển.
"Đây cũng là 1 vấn đề mà ta không làm thì các bạn nước ngoài sẽ làm. Đặc biệt là doanh nghiệp mạnh để làm logistics thì chúng ta chưa có. Phải có doanh nghiệp mạnh làm logistics với sự quy hoạch hỗ trợ của Nhà nước" – Thủ tướng nói.
Thực tế, nhận thức của các địa phương về logistics còn chưa đúng đắn và đầy đủ. Chức năng của ngành logistc không chỉ dừng ở giao nhận vận tải mà còn nhiều hoạt động vô cùng quan trọng khác như lưu trữ kho bãi, bao bì đóng gói, luân chuyển hàng hóa, xử lý hàng hóa,... Nếu làm tốt logistics sẽ tiết giảm nhiều chi phí, làm giảm giá thành sản phẩm.
"Tôi nhắc lại câu nói của một trong những người lâp quốc vĩ đại của Hoa Kỳ - Benjamin Franklin. Ông ấy không phải tổng thống nhưng chân dung đã được in trên tờ tiền phổ biến nhất (100$). Ngài nói rằng, hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ, một rò rỉ nhỏ cũng sẽ nhấn chìm một con tàu lớn." – Thủ tướng nhấn mạnh.
Do đó, Thủ tướng cho rằng các đại biểu địa phương phải nhận thức rõ gánh nặng chi phí đang là một rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Trong đó, chi phí logistics cao đang là một rào cản lớn, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, việc đầu tư chưa được kỹ lưỡng các phương thức vận tải, đồng thời cũng kết nối kém đã góp phần làm tăng chi phí vận tải và logistics. Hiện nay, đường bộ chiếm tới (90%), các phương thức khác chỉ 10%. Sự rời rạc đang khiến chi phí tăng cao.
Cùng với những nỗ lực cải thiện môi trường hành chính, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chủ động tham gia các hiệp định thương mại lớn trên thế giới,... Chính phủ cũng muốn cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt trong đó là chi phí logistics.
"Trước đây đã có kế hoạch của Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng thế giới, Hiệp hội doanh nghiệp logistic đã tổ chức diễn đàn năm 2017, nhưng hôm nay bàn tay Nhà nước phải chạm vào đây. Tôi và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các cơ quan của Đảng, Quốc hội có mặt hôm nay để thảo luận, làm thông suốt vấn đề này hơn" – Thủ tướng cho biết.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng mong muốn lắng nghe những phân tích, góp ý của các chuyên gia về 3 vấn đề:
Thứ nhất, thể chế chính sách, quy định của pháp luật.
Thứ hai, hạ tầng và kết nối hạ tầng các lĩnh vực giao thông. Phải xử lý vấn đề không đồng bộ, kết nối đường hàng không, nhà ga, bến cảng,... ra sao.
Thứ ba, tính kết nối của các loại hình vận tải như thế nào.
Thứ tư, phát triển doanh nghiệp phục vụ logistics.
"Doanh nghiệp phải làm cái này, chứ không phải Nhà nước. Nhà nước chỉ tạo chính sách thôi. Doanh nghiệp góp sức, Nhà nước tạo vòng tay để doanh nghiệp phát triển bền vững. Cũng cần có nguồn nhân lực để phát triển logistic" – Thủ tướng nói.