Thủ tướng nhìn nhận, kinh tế-xã hội tháng 4 tiếp tục có xu hướng tích cực và toàn diện, tạo không khí phấn khởi trong làm ăn kinh doanh, góp phần củng cố niềm tin thị trường, của nhà đầu tư và nhân dân. Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Bên cạnh kết quả tích cực, Thủ tướng cho rằng, cần thấy được, phân tích những tồn tại, khó khăn, thách thức để thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm tốt hơn, chắc chắn hơn trong bối cảnh quốc tế nhiều phức tạp. CPI tăng thấp nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ; giải ngân vốn đầu tư xây dựng từ ngân sách Nhà nước còn thấp.
Đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều cải cách, Thủ tướng cho rằng, cần mạnh mẽ, toàn diện hơn, đồng thời nêu ví dụ, chỉ số tham gia thị trường của các doanh nghiệp của Việt Nam còn thấp (đứng thứ 123/190), rời thị trường cũng gặp khó khăn, đặc biệt xử lý vấn đề phá sản doanh nghiệp (đứng thứ 129).
“Sáng nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng có báo cáo tôi việc một địa phương đã lên Sở Xây dựng để điều chỉnh quy hoạch mà đi 33 lần. Cho nên người ta có nói câu: Trên nóng, dưới nóng nhưng ở giữa thì lạnh”, Thủ tướng nói và bày tỏ mong muốn “sức nóng” phải lan tỏa toàn bộ máy, trong đó cấp trung gian là vụ, cục, sở, huyện phải chuyển biến mạnh mẽ hơn thì cả bộ máy mới chuyển biến được.
Tồn tại, thử thách nữa là hàng xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với nhiều biện pháp phòng vệ thương mại. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng, nhưng số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, giải thể còn lớn. Có nhiều khoản phí, lệ phí còn cao, nhất là chi phí logistics và kiểm tra chuyên ngành.
“Hôm nay, có đồng chí Phó Tổng Thanh tra Chính phủ ở đây, phải chủ trì xem lại việc có những doanh nghiệp bị kiểm tra đi, kiểm tra lại nhiều lần, chồng chéo kiểm tra. Đây là vấn đề chúng ta cần quan tâm”, Thủ tướng nói.
Tồn tại nữa mà Thủ tướng rất quan tâm là chất lượng, tiến độ các dự án luật trình Quốc hội còn nhiều vấn đề. Các bộ cần có giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng này.
Thủ tướng mong muốn các thành viên Chính phủ thảo luận, phát biểu ý kiến về các vấn đề nêu trên để làm sao có Nghị quyết phiên họp Chính phủ tốt, sát, quyết liệt, đồng bộ, để làm sao “trên nóng, dưới nóng, ở giữa cũng phải nóng”, “cấp trung gian, cấp tham mưu phải quyết liệt hơn, đừng để tình trạng vô trách nhiệm xảy ra trong phục vụ nhân dân, phục vụ sản xuất kinh doanh”.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,08% so với tháng trước, bình quân 4 tháng tăng 2,80% so với cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,4% cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành chế biến chế tạo tăng 12,3%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,8%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,5% (cùng kỳ là 7,0%).
Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đà phát triển, tổng kim ngạch 4 tháng đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19%. Cơ cấu chuyển dịch tích cực, trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 26,3%, chiếm khoảng 83,3%. Tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 10,1%, chủ yếu là nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Xuất siêu đạt 3,39 tỷ USD, góp phần quan trọng cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.
Khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh đạt trên 5,5 triệu lượt, tăng 29%.
Cả nước có trên 41 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,3% về số doanh nghiệp và tăng 11,5% về số vốn so với cùng kỳ.