Trong bài phát biểu trước các nghị sĩ, Thủ tướng Fumio Kishida nói rằng đây là vấn đề phải xử lý “ngay bây giờ hoặc không bao giờ”, vì “đơn giản là không thể chờ thêm”.
“Nghĩ về sự bền vững và bao trùm của nền kinh tế và xã hội, chúng ta phải đặt vấn đề hỗ trợ nuôi dạy trẻ em là chính sách quan trọng nhất của chúng ta”, ông nói.
Thủ tướng Kishida cho biết, ông muốn chính phủ tăng gấp đôi ngân sách cho các chương trình liên quan đến trẻ em, và một cơ quan mới của chính phủ sẽ được thành lập vào tháng 4 năm nay để tập trung vào vấn đề này.
Nhật Bản là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Bộ Y tế Nhật ước tính nước này đón chưa đến 800.000 trẻ em trong năm 2022, mức thấp kỷ lục kể từ khi dân số bắt đầu được thống kê năm 1899.
Nhật Bản cũng là một trong những quốc gia có tuổi thọ cao nhất thế giới. Năm 2020, cứ 1.500 người thì có 1 người sống thọ 100 tuổi hoặc hơn, theo số liệu của chính phủ.
Những xu hướng này dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân khẩu ngày càng nghiêm trọng, một xã hội già hoá nhanh chóng, lực lượng lao động suy giảm và không đủ người trẻ để lấp vào các chỗ trống trong nền kinh tế trì trệ.
Trong mấy thập kỷ qua, Chính phủ Nhật Bản đã triển khai nhiều sáng kiến để khắc phục tình trạng dân số suy giảm, như các dịch vụ chăm sóc trẻ em, cải thiện điều kiện nhà ở cho gia đình có trẻ em. Một số thị trấn nông thôn đang thưởng tiền để khuyến khích các cặp vợ chồng trẻ sinh con.
Hàn Quốc gần đây phá kỷ lục của chính mình về tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Số liệu công bố tháng 11/2022 cho thấy một phụ nữ Hàn Quốc sinh trung bình 0,79 con trong cả đời, thấp hơn nhiều mức 2,1 cần thiết để duy trì ổn định dân số. Tỷ lệ sinh của Nhật hiện là 1,3, còn Mỹ là 1,6.
Trong khi đó, dân số Trung Quốc năm 2022 suy giảm lần đầu tiên kể từ những năm 1960, gây thêm gánh nặng cho nỗ lực phục hồi sau đại dịch.
Theo CNN