Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc xây dựng, thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia phải gắn với phát triển nhà ở xã hội hợp lý, phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế thuế đối với việc đầu cơ bất động sản (BĐS).
Phải có tư duy mới để phát triển nhà ở
Đây là một trong những nội dung lớn được đưa ra trong Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc về tình hình, kết quả công việc của Bộ Xây dựng, những nội dung cấp bách cần giải quyết và kiến nghị, đề xuất.
Đánh giá về thị trường BĐS thời gian vừa qua, Thủ tướng cho rằng thị trường chưa thật sự được kiểm soát, chưa gắn với chiến lược phát triển nhà ở một cách hài hoà, hợp lý; chưa quan tâm đúng mức phân khúc nhà ở của người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng tập trung xây dựng và thực hiện Chiến lược Nhà ở quốc gia gắn với phát triển nhà ở xã hội hài hoà, hợp lý; phải có tư duy mới để phát triển nhà ở, đẩy mạnh quan tâm nhà ở của người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế |
Trước thực tế trên Thủ tướng yêu cầu phải có chuyển động mới, tư duy mới để phát triển nhà ở, đẩy mạnh quan tâm nhà ở của người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế. Phải có chính sách, thể chế để giải phóng nguồn lực rất lớn từ các khu chung cư cũ,… đồng thời với nâng cao nhận thức và hành động của các cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp…
Phải thay đổi tư duy, phương pháp làm việc là vấn đề được Thủ tướng nhấn mạnh để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Đối với việc phát triển nhà ở, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng tập trung xây dựng và thực hiện Chiến lược Nhà ở quốc gia trong giai đoạn mới dựa trên quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của vùng, của khu vực, gắn với thực hiện công bằng và tiến độ xã hội.
“Chiến lược nhà ở quốc gia phải gắn với phát triển nhà ở xã hội hài hoà, hợp lý; tập trung nghiên cứu và đề xuất cơ chế mua và thuê nhà ở; ai làm tốt nhất thì phân cấp giao quyền; coi trọng hơn nữa đối với người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình và nhất là người yếu thế trong xã hội” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Yêu cầu này được nêu ra khi thị trường BĐS đang rất thiếu căn hộ bình dân vừa túi tiền. Theo tính toán, nhu cầu nhà ở của người dân đối với phân khúc nhà ở trung, cao cấp (có giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm từ 20% - 30% tùy từng địa phương, đô thị cụ thể còn nhu cầu về phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp (có giá dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70% - 80% thị trường nhà ở.
Nhưng thực tế trên thị trường nguồn cung nhà ở thương mại cao cấp đang dồi dào trong khi lại thiếu nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp dành cho các đối tượng có thu nhập thấp, trung bình. Đánh giá sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (đến năm 2020), nhà ở xã hội vẫn thiếu gay gắt, mới xây dựng được hơn 5,2 triệu m2 đạt 41,7% chưa đạt mục tiêu đề ra.
Căn hộ từ 1-2 tỷ dần "biến mất" trên thị trường. Theo dữ liệu nghiên cứu của Savills Việt Nam, tại Hà Nội từ năm 2016 đến nay, giá nhà sơ cấp tăng 5% mỗi năm. Giá nhà một số khu vực vùng ven cũng tăng lên 50-60 triệu đồng/m2. Giá nhà đang gấp thu nhập bình quân của người dân 20-30 lần. Giá nhà đất tăng cao khiến giấc mơ có chốn an cư của người lao động có thu nhập thấp, trung bình ngày càng xa vời.
Đổi mới cơ chế thuế đối với việc đầu cơ BĐS
Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Xây dựng coi trọng và ưu tiên công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý kiến trúc phải thay đổi tư duy, nhận thức đối với cả hệ thống quản lý hành chính Nhà nước các cấp.
“Công tác chỉ đạo quy hoạch xây dựng phải là chủ động của Nhà nước, quy hoạch xây dựng cần có tầm nhìn dài hạn, bài bản; khắc phục bằng được chất lượng và tiến độ lập quy hoạch xây dựng, chồng chéo, điều chỉnh quy hoạch tuỳ tiện” – Thủ tướng chỉ đạo.
Nhiều căn biệt thự bỏ hoang ở khu đô thị Hà Phong (Mê Linh, Hà Nội) |
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ hoàn thiện thể chế toàn diện đối với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành Xây dựng theo hướng tăng cường quản lý nhà nước thống nhất bảo đảm hiệu lực, hiệu quả đúng chức năng, vị trí, quyền hạn. Tập trung xây dựng chính sách ưu tiên: sửa đổi Luật Quy hoạch đô thị phải gắn với quy hoạch nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Quản lý không gian ngầm…
Việc điều tiết bằng quản lý nhà nước thông qua cơ chế, chính sách cũng được Thủ tướng nêu ra trong việc tập trung phát triển nhà ở. Trong đó Thủ tướng chỉ ra rằng phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế thuế đối với việc đầu cơ BĐS.
Liên quan đến vấn đề về thuế BĐS, vừa qua Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã gửi công văn tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất đánh thuế rất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập để triệt tiêu ý chí “đầu cơ” của nhà đầu tư “lướt sóng”, trong trường hợp thị trường bất động sản có dấu hiệu bị đầu cơ, sốt nóng “bong bóng”.
Theo HoREA, kể từ năm 2017 thị trường bất động sản lặp đi lặp lại nhiều đợt sốt đất, nhất là cơn sốt đất xảy ra liên tiếp trên diện rộng hiện nay, gây ra nhiều hệ quả tiêu cực, làm mất cơ hội tạo lập nhà ở của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp ở đô thị...
Khi cơn sốt đất xẹp xuống, nhiều nhà đầu tư cá nhân sập bẫy, bị thua lỗ nặng nề, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, trắng tay. Nhiều khu đất trở thành hoang hóa.
Để giải quyết tình trạng này, HoREA đề xuất với người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu. Với người chậm đưa đất vào sử dụng cũng bị đánh thuế cao nhằm triệt tiêu ý chí "găm giữ" đất, chống đầu cơ đất đai.
Ngoài ra, HoREA cũng nhất trí với đề xuất của Bộ Tài chính về việc cần thiết xem xét ban hành "thuế bất động sản" đánh trên giá trị nhà và đất. Hiện nay, người sở hữu nhà chưa phải nộp thuế tài sản nhà ở mà mới chỉ phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, trong đó có "đất ở", với thuế suất đối với "đất ở" trong hạn mức là 0,03% bảng giá đất, nên mức nộp thuế gần như không đáng kể.
Trả lời vấn đề này, Bộ Tài chính khẳng định để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về BĐS thì việc nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách thuế liên quan là cần thiết.
Bộ này cũng cho biết Bộ đang tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, xác định những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành các luật thuế liên quan đến BĐS để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp gắn với việc xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030.
Nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc Chính phủ và các địa phương cần áp dụng những công cụ mạnh để triệt tiêu động lực của giới đầu cơ đang làm thị trường BĐS méo mó và sốt ảo.
Hồng Khanh