Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động của ngành Đường sắt, ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: "Năm 2024, toàn ngành Đường sắt quyết tâm hoàn thành kế hoạch được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp giao".
Cùng đó, đường sắt phấn đấu duy trì đà tăng trưởng của các chỉ tiêu hợp nhất về doanh thu, lợi nhuận, thu nhập của Người lao động, hoàn thành nghĩa vụ nộp Ngân sách Nhà nước và thực hiện tốt nhiệm vụ công ích về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.
Ông Mạnh cho biết: "Ngành đường sắt tiếp tục kiềm chế và giảm dần tai nạn giao thông đường sắt, phấn đấu giảm so với năm 2023 ít nhất là 5% trên cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương.
Đối với riêng Công ty Mẹ - Tổng công ty ĐSVN sẽ phấn đấu doanh thu đạt 6.258 tỷ đồng bằng 100,18% so với cùng kỳ, trong đó tăng sản lượng vận tải khoảng 7,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 05 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ.
Bên cạnh những nội dung nêu trên, ông Mạnh kiến nghị: Hiện nay, Bộ Tài chính đang chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 46/2018/NĐ-CP ngày 14/3/2018 quy định việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản KCHTĐS quốc gia.
Theo đó, quy định giao toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia hiện có theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Căn cứ nhu cầu và khả năng quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt giao Tổng công ty lập phương án theo phương thức tính thành vốn nhà nước tại doanh nghiệp và giao tăng vốn cho Tổng công ty các khu ga có lợi thế thương mại để khai thác.
Ông Mạnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến để Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vào "Danh mục doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước" quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2019/NĐ-CP ngày 30/01/2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có đường sắt Quốc gia đi qua quan tâm chỉ đạo ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai thực hiện Quyết định số 358/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;Quyết định số 1149/QĐ-BGTVTngày 15/6/2020 của Bộ GTVT; cắm mốc lộ giới theo quy định của Luật Đường sắt và kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 358/QĐ-TTg của các địa phương đã ban hành.
Đồng thời, để đảm bảo an toàn, êm thuận và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, Bộ GTVT xem xét việc thực hiện hàn ray liền trên đường sắt hiện hữu như các nước trên thế giới.
Trước mắt có thể xem xét tập trung cho tuyến Hà Nội - Hải Phòng để tổ chức chạy tàu liên vùng đô thị, phục vụ nhu cầu của người dân có thể đi và về trong ngày giữa Hải Phòng, Hải Dương và Hà Nội. Tiến tới sẽ thực hiện hàn ray trên các tuyến khác như Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Vinh,...
Các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý trong việc giải quyết thủ tục đất đai, xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với những khu đất chưa có hồ sơ pháp lý (trong đó cho cấp nguyên trạng những diện tích đất ngành đường sắt đang sử dụng làm bãi hàng, quảng trường ga, là những công trình không thể thiếu để phục vụ khai thác vận tải đường sắt nhưng chưa có điều kiện đầu tư theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật) làm cơ sở cho công tác quản lý theo quy định của Luật Đất đai.