Chiều 26/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 4, tại trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải (cơ sở 2 Vĩnh Phúc). Chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và nhà trường tổ chức.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nhân, các thầy cô giáo và toàn thể thanh niên, học sinh, sinh viên nhân kỷ niệm 91 năm thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Thủ tướng nhấn mạnh, đây là sự kiện rất ý nghĩa được tổ chức tại Vĩnh Phúc, vùng đất có bề dày lịch sử, nơi hội tụ của nhiều dân tộc anh em với bản sắc văn hóa đa dạng, quê hương Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, cha đẻ của "khoán mười", con người với tinh thần đổi mới, sáng tạo.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng thông tin, năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về đổi mới sáng tạo toàn cầu, tiếp tục giữ vị trí đứng đầu trong 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Hiện có hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, 100% các cơ sở đào tạo có kế hoạch hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Ngân hàng thế giới đánh giá Việt Nam là một trong số ít các quốc gia Đông Á đầu tư cho đổi mới sáng tạo, có số lượng bằng sáng chế bằng hoặc cao hơn kỳ vọng trước đây.
Đề án 1665 và Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên nhằm thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo; giúp các em thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực, vượt qua thất bại để thành công; là môi trường quan trọng để kết nối "3 nhà": nhà nước - nhà trường - nhà đầu tư. Đề án đã giúp ươm mầm nhiều dự án khởi nghiệp, hiện thực hóa đam mê, khát vọng của nhiều bạn trẻ.
Thủ tướng chỉ rõ, Việt Nam là một nước có xuất phát điểm chậm hơn về khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn còn có khoảng cách so với nhiều nước trên thế giới, cơ chế chính sách còn một số bất cập. Quan điểm chấp nhận rủi ro và vốn đầu tư cho khởi nghiệp còn hạn chế. Số lượng, chất lượng các dự án, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng.
Theo Thủ tướng, muốn có khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì phải có giáo dục đổi mới sáng tạo. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải chú trọng phát triển từ gốc, từ chính kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam, thế hệ trẻ Việt Nam. Đưa giáo dục về khởi nghiệp sáng tạo vào nhà trường không chỉ ở bậc đại học, sau đại học mà từ các cấp học. Nỗ lực xây dựng một nền giáo dục mở, thực học, thực tài; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực.
Thủ tướng nhấn mạnh, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không phải là chuyện ngày một, ngày hai, mà là một quá trình lâu dài, đòi hỏi tầm nhìn, giải pháp căn cơ, chiến lược.
Mặc dù vậy, các nước đi sau vẫn có thể rút ngắn được quá trình này nếu học hỏi và áp dụng được kinh nghiệm của các nước đi trước. Muốn thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải có chính quyền đổi mới sáng tạo, xã hội đổi mới sáng tạo, giáo dục đổi mới sáng tạo, khoa học đổi mới sáng tạo, con người đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đối diện với rủi ro vì lợi ích chung.
Cuối cùng, Thủ tướng kết luận, thế hệ trẻ không chỉ là người chủ tương lai của đất nước, mà còn là tiềm năng, là nguồn lực, động lực đưa đất nước ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu, như Bác Hồ đã từng căn dặn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện để có một môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuận lợi nhất. Thủ tướng tin tưởng, bằng sức trẻ, một ngày không xa các HSSV sẽ tạo ra những giá trị to lớn cho không chỉ Việt Nam mà cho cả thế giới.