Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước chiều tối 19-9.
Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh và Lê Văn Thành, lãnh đạo các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp lớn và tham dự trực tuyến của 94 đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Những đề xuất, biện pháp đưa ra tại hội nghị nhằm đẩy mạnh ngoại giao kinh tế ở cả trong và ngoài nước nhằm vượt qua khó khăn trước mắt và tạo đột phá, từ đó hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 9 tháng qua, tình hình kinh tế, chính trị, ngoại giao trên thế giới có nhiều thay đổi, kèm theo là cạnh tranh chiến lược ngày càng diễn biến phức tạp. Đa số các nước tăng trưởng thấp, lạm phát cao, xuất hiện dấu hiệu suy thoái và khủng hoảng, dẫn đến thay đổi các mối quan hệ.
Tuy nhiên, bằng nhiều quyết sách quan trọng, sự nỗ lực, đồng lòng, ủng hộ từ trong nước và quốc tế, đặc biệt là đóng góp của Bộ Ngoại giao, các đại sứ và trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, tình hình kinh tế - xã hội nước ta ổn định và khởi sắc.
Nhiều "điểm sáng" được Thủ tướng chỉ ra như tăng trưởng đạt mức cao, lạm phát được kiểm soát, xuất nhập khẩu hàng hóa gia tăng, thu nhập người dân tăng lên. Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Các quan điểm của Việt Nam phù hợp tình hình thế giới, thể hiện được chính kiến trước khó khăn, thách thức trên thế giới và được bạn bè quốc tế chia sẻ, đồng tình, uy tín của đất nước ngày càng được nâng lên.
Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng thách thức, khó khăn nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, do đó việc chuẩn bị tâm thế, nguồn lực, đối phó với những tác động bên ngoài rất quan trọng.
Hội nghị được kết nối trực tuyến tới các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài - Ảnh: VGP
Sau khi nghe các ý kiến, đề xuất, tại phần kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tập trung thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN.
Ngành ngoại giao cũng cần chú trọng phát huy tiềm năng các thị trường đối tác FTA; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi song song với đa dạng hóa các chuỗi cung ứng và xây dựng chính sách đón nhận các dịch chuyển và tham gia các chuỗi sản xuất, cung ứng chất lượng cao. Tiến tới xác lập vị trí cao hơn của Việt Nam trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Thủ tướng còn nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong tìm kiếm đối tác, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước; thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp có tính chất nền tảng, công nghiệp công nghệ cao, kết cấu hạ tầng. Đặc biệt ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, chuyển đổi số, đô thị, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu; phát triển công nghiệp dược, công nghiệp văn hoá, giải trí…
Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ ngành ngoại giao, đặc biệt là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, phải tranh thủ mọi cơ hội để thu hút nguồn lực bên ngoài cho chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
Các cơ quan này cũng có trách nhiệm tiếp tục vận động quốc tế ủng hộ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng, bảo đảm công bằng, công lý và hỗ trợ Việt Nam về công nghệ và tài chính, phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng mong muốn ngành ngoại giao, các cơ quan đại diện ở nước ngoài, ban, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp thực hiện hiệu quả phương châm ngoại giao "tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, cùng phát triển".